Đó là những tín hiệu đáng mừng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của nước ta. Nhưng trên hết tinh thần không được chủ quan, lơ là, thỏa mãn sớm vẫn là điều quan trọng được nhấn mạnh.
Từ chỗ có 12 tỉnh, thành được xếp vào nhóm “nguy cơ cao”, 15 tỉnh có “nguy cơ”, sau một tuần, đến nay chỉ còn 5 tỉnh, thành có “nguy cơ”. Đồng thời, nhiều ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới, số ca khỏi bệnh tăng lên. Đó là những kết quả rất tích cực khi cả hệ thống, người dân đã và đang vào cuộc tốt, với cách làm rất quyết liệt, cụ thể, để dịch bệnh không lây lan trong cộng đồng.
Và khi dịch bệnh đã có chuyển biến tốt, việc cần nới lỏng từng bước giãn cách xã hội, có giải pháp khôi phục các hoạt động sản xuất kinh tế, từng bước đưa sinh hoạt xã hội trở lại bình thường là tinh thần nhận được nhiều sự ủng hộ.
Đặc biệt, với cả các tỉnh, thành dù còn nguy cơ, nhưng lãnh đạo địa phương cũng được phép quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu; các loại hình kinh doanh đường phố theo tình hình thực tiễn tại địa phương, nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch. Chính điều này cũng làm tăng sự chủ động và năng lực ứng phó của địa phương với tình hình thực tế, giúp ổn định cuộc sống người dân.
Tuy nhiên, việc nới lỏng không đồng nghĩa với chủ quan, phải được thực hiện từng bước, có kiểm soát chặt chẽ, với phương châm đưa hoạt động trở lại bình thường nhưng phải phòng, chống dịch an toàn. Phương châm ấy là cần thiết.
Bởi chúng ta hoạt động trở lại bình thường trong tình hình mới, nhưng dịch vẫn đang xảy ra ở toàn cầu, vẫn chưa có vaccine chữa trị, chính vì vậy những tiềm ẩn lây lan trong cộng đồng là điều khó ai nói trước. Việc phòng dịch và chung sống an toàn với dịch là điều đang được nhắc đến nhiều vào thời điểm này; tinh thần "bốn tại chỗ", không lơ là, chủ quan, thỏa mãn là điều luôn phải ghi nhớ kỹ.
Thực tế, nhiều địa phương, đơn vị cũng đã chuẩn bị cho mình những hướng đi tiếp theo trong phòng, chống dịch, để vẫn bảo đảm hai chữ “an toàn”. Theo đó, việc đi lại và mua sắm được nới lỏng hơn trước; học sinh sẽ được tới trường; các cơ sở dịch vụ, kinh doanh phổ thông hoạt động trở lại, nhưng vẫn phải tuân thủ điều kiện không tập trung đông người, tránh tiếp xúc gần, đeo khẩu trang, khử khuẩn…
Tại nhiều khu chợ, việc mua sắm cũng đã được giãn cách bằng những khoảng vạch kẻ, khoảng trống để không tiếp xúc gần. Với nhiều DN, đã có những cách làm sáng tạo và khá phù hợp như xếp hàng theo khoảng cách quy định, lắp đặt tấm chắn hay rút ngắn thời gian ăn ca…
Dù nới lỏng, nhưng nhiều tỉnh, thành cũng sẽ tiếp tục hạn chế một số ngành, công việc không được khuyến khích hoạt động trong thời điểm này như lễ hội, sự kiện thể thao đông người, hoạt động massage, karaoke, vũ trường... để hạn chế tối đa việc tụ tập đông người cùng lúc.
Và tinh thần tự quản ở cấp chính quyền cơ sở, ý thức từ mỗi người dân được đặt biệt đề cao. Bởi sau một thời gian giãn cách xã hội, nguy cơ một bộ phận không nhỏ người dân "bung nở" các kiểu hoạt động bất chấp quy định pháp luật là điều hiện hữu đáng lo ngại.
Do vậy, ý thức cộng đồng của những ngày giãn cách xã hội cần tiếp tục được giữ lại và các kiểu hành động coi thường pháp luật phải được xử mạnh, xử nhanh và xử nghiêm. Bởi một sự chủ quan, lơ là, dù là vô tình hay cố ý, lớn hay rất nhỏ cũng có thể gây hậu quả lớn đến hàng trăm người, tốn kém đã đành, cuộc chiến chống dịch sẽ càng gian nan hơn.