Chiều cuối năm, khi bạn kết thúc công việc dọn dẹp của mình bằng việc đặt bình thược dược đủ sắc màu lên cái đôn trắng tinh sạch bóng, cũng là lúc mùi lá mùi thơm đã tỏa khắp căn nhà.
Người ta hay nói, khứu giác và vị giác là những bảo tàng kí ức sống động nhất. Cái mùi đặc trưng của lá mùi đang đưa những mùa Tết trong quá khứ ùa về, tràn ngập trong tâm trí bạn.
Những cái Tết hồn nhiên, hí hửng khi được mẹ gội đầu, được mẹ tắm cho bằng thứ nước lá có mùi là lạ, rồi ủ trong một chiếc khăn. Cảm giác mình thơm nức trong vòng tay ấm áp của mẹ vẫn sẽ ở trong trái tim bạn, vẹn nguyên. Ngày cuối năm của ấu thơ, tha thiết mà yên lành biết bao…
Rồi mùi lá mùi lại đưa kí ức về gần thực tại hơn một chút, khi lần đầu tiên bạn trở thành người đun nước lá mùi cho cả gia đình. Cảm giác lần đầu tiên được chăm sóc gia đình nhỏ của mình bằng một thứ nước thơm nồng hẳn sẽ còn mãi trong tâm trí.
Mùi hương ấy là mùi của sự chăm sóc, của tình yêu thương, của sự tiếp nối. Bạn biết rằng tắm lá mùi chiều cuối năm là một trong hàng vạn những thứ tinh tế mà mẹ truyền trao, để bạn có thể gìn giữ ngọn lửa hạnh phúc trong tổ ấm nhỏ của mình.
Một buổi chiều dọn dẹp đã thấm mệt, nhưng chỉ cần ngồi lại trong hương lá mùi thấm đẫm trong không khí, bạn lại có thể mỉm cười. Bởi, khi cúi xuống bạn thấy bàn tay mẹ ở ngay trong tay mình, trái tim mình cũng đang yêu thương, bằng chính nguồn yêu thương từ tim mẹ…
Cứ như thế, mùi lá mùi khi mới ở trên bếp, giống như một thứ mùi của quá khứ, đưa ta ngược về những gì đã trải qua, để dành một khoảng tĩnh lặng nhỏ trong chiều cuối năm, cảm nhận những gì đã đến và đã đi.
Trở về với thực tại, cái việc tắm rửa bằng nước lá mùi tưởng chừng như đơn giản ấy lại giống như một nghi lễ. Tại sao lại là nghi lễ? Bởi có những quy tắc mà bạn phải tuân theo, và có những niềm tin mà bạn luôn mang khi khi cẩn thận dội từng gáo nước thơm ấm nồng ấy lên mình.
Người ta không phải cứ cho bất kì loại mùi nào vào nước, đun lên là ra thứ nước tắm ngày cuối năm. Bao giờ, bà hay mẹ cũng sẽ chọn những nhánh mùi già nhất, có những bông hoa mùi li ti, và những quả mùi nhỏ xíu, lúc lắc trên cành.
Bà nói, thân mùi già cho nhiều tinh dầu hơn, mùi nước tắm sẽ thơm, sẽ nồng ấm hơn. Mẹ cũng mỉm cười thêm vào, quả mùi như một thứ quả kì lạ, nó chính là thứ khiến cho con người có cảm giác khoan khoái hơn, làm đầu óc con người ta trở nên thanh nhẹ, thông suốt. Bạn thầm nể phục và biết ơn sự tinh tế của người xưa.
Tắm nước là mùi, là phải tắm vào chiều 30 Tết. Trong dân gian xưa kia, ngày thường, nước lá cũng được sử dụng như nước tắm. Nhưng trong những này còn lại của năm, người ta tắm với lá sả, lá hương nhu, lá trầu không, hay lá bưởi, v.v… Lá mùi là để riêng cho dịp “tẩy sạch” để đón năm mới này.
Dịp này, bà vẫn hãy nhẹ nhàng nhắc nhở, cháu yêu, cháu hãy tắm cho thật sạch những muộn phiền, những không may của năm cũ đi nhé, và tắm đi cả những nỗi buồn, và cả những lỗi lầm của cháu. Tắm cho sạch, để mình đón một năm mới nhé.
Không biết có phải do lời nhắc nhở ân cần của bà, hay do cái khoan khoái của nước lá mang lại, khi choàng tấm áo sạch lên người, bạn bỗng cảm thấy cả thân thể và tâm hồn mình được làm mới lại, được tiếp thêm hi vọng để sống một năm mới, tốt đẹp hơn.
Vậy là nước lá mùi không chỉ dẫn ta về quá khứ, không chỉ cho ta những phút giây nhìn lại, tĩnh lại sau cả một năm miệt mài với cuộc sống, mà “nghi thức tẩy sạch” nhẹ nhàng ấy giúp ta nhận ra rằng, ta vẫn được cuộc sống kì diệu ban cho một cơ hội mới, để cất đi tất cả những lỗi lầm, buồn đau.
Cất những thứ ấy thật sâu, để chúng không cản ta tiến về phía trước, bước tới một khởi đầu cho những điều tươi sáng hơn.
Mùi nước lá mùi chiều cuối năm, chỉ ngửi thôi mà lòng đã thấy thanh nhẹ, thư thái hơn rất nhiều…