Dự án triển khai ì ạch gần 10 năm

Tìm hiểu được biết, dự án Xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải TP. Việt Trì được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt tại Quyết định số 309/QĐ-UBND ngày 2/2/2010. Mục tiêu dự án là thu gom, xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt từ đời sống dân sinh, khắc phục tình trạng xả thải tràn lan ra môi trường sống không chỉ của người dân mà cả hệ thống khách sạn, nhà hàng, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư… đến các trạm xử lý nước tập trung trước khi xả thải ra sông Hồng, sông Lô.

Loại, cấp công trình, dự án thuộc nhóm B, công trình cấp III với tổng mức đầu tư là hơn 841 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay hỗ trợ phát triển từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc khoảng 80%, vốn đối ứng từ ngân sách khoảng 20%.

Dự án do Công ty Cổ phần cấp nước Phú Thọ làm chủ đầu tư và nhà thầu thi công là Công ty TNHH Keangnam - Hàn Quốc. Dự án có quy mô xây dựng gồm: Trạm xử lý nước thải TP1 với công suất giai đoạn 1 là 5.000m3/ngày đêm; trạm xử lý nước thải TP2 với công suất là 10.000m3/ngày đêm; hệ thống thu gom nước thải gồm 19 trạm bơm nước thải cùng hệ thống tuyến ống áp lực và tuyến ống tự chảy với tổng chiều dài là 102.573m. Trong đó, trạm xử lý TP1 với diện tích 4,77ha đặt tại phường Minh Nông và trạm xử lý TP2 diện tích 4,37ha đặt tại phường Dữu Lâu, TP. Việt Trì.

Theo kế hoạch, dự án sẽ phải cơ bản hoàn thành vào năm 2015. Tuy nhiên, dự án này đã lỡ hẹn nhiều năm và hiện chưa thể đưa vào hoạt động. Các hạng mục công trình Trạm xử lý nước thải TP1 và Trạm TP2 nhiều năm qua vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Theo kế hoạch dự án sẽ phải cơ bản hoàn thành vào năm 2015. Tuy nhiên, dự án này đã lỡ hẹn nhiều năm và chưa thể đưa vào hoạt động.

Thống kê ban đầu cho thấy, đến thời điểm hiện tại, các công trình đang tạm dừng thi công xây dựng, khối lượng thi công thực tế ước đạt 84,4%, tổng số tiền đã giải ngân hơn 483 tỷ đồng, trong đó, vốn ODA là hơn 429 tỷ đồng và vốn đối ứng là hơn 53 tỷ đồng.

Nhiều cử tri TP. Việt Trì chia sẻ, kể từ thời điểm dự án thu gom nước thải được phê duyệt, triển khai đầu tư xây dựng, người dân rất ủng hộ và chờ đợi ngày công trình này đưa vào hoạt động. Thế nhưng, đã gần 10 năm qua, dự án vẫn triển khai ì ạch và mới đây họ bất ngờ nghe tin dự án bị tạm dừng thi công.

“Chúng tôi rất mong công trình sớm hoàn thành để thu gom nước thải, tránh việc đổ ra ao hồ gây ô nhiễm môi trường. Một dự án đầu tư hàng tram tỷ đông mà suốt 10 năm chưa hoàn thành, đây cũng là vấn đề mà người dân chúng tôi quan tâm và mong chủ đầu tư sớm tiếp tục triển khai, đưa hệ thống vào hoạt động”, một cử tri phường Dữu Lâu chia sẻ.

Được biết, trước tình trạng dự án thi công ì ạch, UBND tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; đồng thời cho phép gia hạn thực hiện dự án đến năm 2017. Tuy nhiên, hết năm 2017, dự án vẫn chưa được hoàn thành theo kế hoạch.

Một lần nữa, UBND tỉnh lại tiếp tục gia hạn đến hết tháng 12/2018 và cho phép điều chỉnh một số hạng mục thi công... Thế nhưng, như đã biết, dự án này đến nay vẫn chưa thể hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Dự án có tiếp tục triển khai hay không?

Liên quan đến dự án này, ngày 4/4, UBND tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định số 462/KL-ĐKTLN kết luận kiểm tra việc thực hiện dự án Xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải TP. Việt Trì.

Tại kết luận trên, đoàn kiểm tra liên ngành đã chỉ ra hàng loạt những thiếu sót, sai phạm trong quá trình triển khai, thực hiện dự án này, đồng thời kiến nghị xử lý những sai phạm trên.

Cụ thể, xử phạt chủ đầu tư về hành vi vi phạm hành chính: Phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng công trình không đúng trình tự, thủ tục theo quy định (quy định tại điểm b, khoản 1, điều 12 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ).

Xử phạt nhà thầu thi công về hành vi vi phạm hành chính: Thi công, nghiệm thu không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với tiêu chuẩn áp dụng (quy định tại điểm b, khoản 3, điều 34 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ).

Đến ngày 17/6/2019, nhà thầu thi công đã có văn bản đề nghị chấm dứt hợp đồng với lý do thiếu mặt bằng thi công, cũng như đề nghị thanh toán chi phí gián tiếp 50,6 tỷ đồng do kéo dài thời gian thực hiện và các chi phí phát sinh do điều chỉnh, bổ sung khối lượng khoảng 1,327 triệu USD.

Sau đó, chủ đầu tư dự án đã thương thảo với nhà thầu, hợp đồng với Viện kinh tế - Bộ Xây dựng thẩm tra giá trị điều chỉnh, bổ sung đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, UBND tỉnh Phú Thọ đã gửi công văn số 2948/UBND-KTTH, “cầu cứu” Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc về việc hỗ trợ triển khai thực hiện dự án này.

Trong công văn trên, UBND tỉnh Phú Thọ đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc cho phép sử dụng số kinh phí dự phòng khoản ODA còn lại hơn 2,1 triệu USD để thực hiện các phần việc điều chỉnh, bổ sung của hợp đồng tư vấn, xây lắp dự án theo Hiệp định vay vốn số VNM-17, các Nghị định số 16/2016/NĐ-CP và số 132/2018/NĐ-CP.

Ngoài ra, sớm bố trí kế hoạch năm 2019 cho dự án từ số vốn 159,7 tỷ đồng đã được bổ sung giai đoạn 2016 – 2020. Đề nghị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc có ý kiến với Bộ Tài chính về gia hạn thời gian thực hiện đến 31/12/2020, thời gian thanh toán dự án đến 30/6/2021 như các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, của UBND tỉnh Phú Thọ để thực hiện thủ tục gia hạn hợp đồng, giải ngân, thanh toán vốn dự án...

Như vậy, một dự án thu gom và xử lý nước thải có tổng mức đầu tư 841,39 tỷ đồng, tuy nhiên, vì nhiều lý do mà dự án này đang bị chậm tiến độ. Có lẽ, người dân TP. Việt Trì sẽ còn phải chờ đợi một thời gian nữa khi những vướng mắc tại dự án được tháo gỡ, giải quyết.

Reatimes sẽ tiếp tục đưa tin./.

Thanh tra, Kiểm toán phải tăng cường kiểm tra, giám sát trong quản lý, sử dụng vốn ODA!

Tại Chỉ thị 18/CT-TTG ngày 29/6/2019, về việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới cho chi đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, giám sát, thực hiện chế độ báo cáo đánh giá định kỳ về mọi hoạt động quản lý, sử dụng vốn ODA. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan thanh tra, kiểm toán.

Nhiều bất cập tại các dự án ODA và vốn vay ưu đãi

Kết quả kiểm toán 9 chương trình, 23 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt bất cập, đồng thời kiến nghị xử lý tài chính 21.725 tỷ đồng. Trong đó, thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 293 tỷ đồng, giảm thanh toán 1.048 tỷ đồng, xử lý khác 20.383 tỷ đồng.


Theo Reatimes