Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.

Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.

Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.

Vỉa hè, lòng đường bị trưng dụng "triệt để"

Tại khu đô thị (KĐT) Định Công thuộc phường Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội), tình trạng lấn chiếm vỉa hè vì mục đích tư lợi, làm nơi kinh doanh vẫn diễn ra công khai, gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nhiều nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường, khiến nhiều cư dân trên địa bàn phường bức xúc.

Vỉa hè bị các hộ kinh doanh ngang nhiên trưng dụng vào việc kinh doanh, để xe khiến người đi bộ chỉ còn cách di chuyển dưới lòng đường.

Dọc tuyến đường Trần Điền, xung quanh khu vực Bệnh viện Bưu Điện có thể coi là "điểm nóng" của các sai phạm. Các hộ dân lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh hàng ăn, đồ uống; các phương tiện dừng/đỗ xe tự do. Nghịch lý là đa phần các sai phạm đó đều diễn ra ngay cạnh... các biển cấm; người đi bộ phải di chuyển dưới lòng đường dẫn đến việc đoạn đường này thường xuyên xảy ra ùn tắc cục bộ vào giờ cao điểm.

Khu vực xung quanh Bệnh viện Bưu điện  xảy ra rất nhiều sai phạm lấn chiếm vỉa hè.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra trên đoạn đường Trần Nguyên Đán khi các quán cafe, nhà hàng, tiểu thương... "đua nhau" tận dụng từng mét đất của vỉa hè để xếp bàn, kê ghế, để xe cho khách. Trong khi đó, lòng đường Trần Nguyên Đán khá hẹp, xe buýt lưu thông liên tục, việc không có không gian cho người đi bộ sẽ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Những sai phạm xuất hiện "nhan nhản" trên phố Trần Nguyên Đán, khi các hộ kinh doanh "miễn nhiễm" với các biển cấm.

Theo khảo sát của PV, mặc dù đã có chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc phòng chống dịch Covid-19 nhưng các nhà hàng, quán cafe trên địa bàn phường vẫn rất đông khách ra vào, chưa đảm bảo thực hiện nghiêm túc việc tiến hành bán giãn cách, đảm bảo 2 người ngồi giãn cách khoảng 1m trở lên.

Các quán cafe tận dụng triệt để vỉa hè để làm nơi trông giữ xe cho khách

Đường bờ sông tại Định Công cũng không ngoại lệ, hình ảnh về việc lấn chiếm vỉa hè xuất hiện "như cơm bữa" khi ai cũng biến vỉa hè thành của riêng.

Các hộ kinh doanh nghiễm nhiên coi vỉa hè là "của riêng".

Cũng theo phản ánh của cư dân tại đây, vỉa hè không chỉ bị chiếm ở phía ngoài mặt đường mà phía trong khu đô thị cũng gặp phải trường hợp tương tự. Lối đi chung của các khu chung cư thành nơi để xe; chủ các căn biệt thự cũng "tranh thủ" tận dụng khoảng không gian nhỏ dành cho người đi bộ để... trang trí cây cảnh.

Những sai phạm công khai nhưng vẫn chưa bị xử lý triệt để.

"Mỗi lần muốn di chuyển giữa các lô trong khu đô thị, tôi đều phải dắt con đi xuống phía dưới lòng đường bởi vỉa hè đã bị "biến" thành nơi trồng cây cảnh riêng của mỗi nhà. Cư dân đang rất mong các cấp chính quyền địa phương vào cuộc, xử lý nghiêm các sai phạm này, trả lại vỉa hè chung cho người dân" - một cư dân sinh sống tại Lô 11 KĐT Định Công bày tỏ.

Chủ các căn biệt thự tận dụng cả khoảng không gian nhỏ dành cho người đi bộ để trang trí cây cảnh

Theo một cán bộ phụ trách đô thị phường Định Công cho biết, mặc dù UBND phường đã thường xuyên kết hợp với lực lượng CA phường tổ chức nhiều đợt ra quân chỉnh trang trật tự đô thị, phá dỡ các trường hợp vi phạm, tuyên truyền việc chống lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nhưng chưa xử lý được triệt để tình trạng này bởi ý thức người dân còn mang tính "chống đối", khiến hiệu quả chưa cao.

Trước đó, ngày 12/6/2018, Ban An toàn giao thông Thành phố có Văn bản số 51/BATGT-VP về triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông vận tải tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông. Đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sử dụng lòng đường, vỉa hè trái quy định pháp luật.

Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, phường Định Công vẫn để tồn tại các sai phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, chưa có biện pháp xử lý triệt để vấn nạn trên, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân trên địa bàn.

Vỉa hè, lòng đường thành "bãi rác" 

Được giới thiệu là khu đô thị đáng sống nhất Quận Hoàng Mai nhưng thời gian gần đây, các cư dân thuộc các chung cư quanh KĐT Định Công liên tục phản ánh về các bãi rác thải sinh hoạt, phế liệu xây dựng xuất hiện tràn lan, tự phát trên vỉa hè, lòng đường nhưng chính quyền địa phương chưa có biện pháp quyết liệt, xử lý triệt để khiến môi trường sống của cư dân bị ảnh hưởng, mất mỹ quan đô thị.

Theo ghi nhận thực tế của PV, xung quanh các tòa chung cư CT5, CT6 phía ngoài mặt đường chính của KĐT, xuất hiện khoảng 3, 4 bãi rác tự phát trên vỉa hè, không được che phủ kín bạt, cũng không thấy được thu dọn đi. Phía trong KĐT Định Công, các bãi rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng chủ yếu bắt nguồn từ bãi đất trống, các công trình quây tôn xây dựng dở dang.

Các bãi rác thải tự phát xuất hiện trên vỉa hè, dưới lòng đường ngay gần nơi sinh sống của các cư dân chung cư, KĐT Định Công

Chị Mai.L - cư dân của khu đô thị Định Công chia sẻ: "Tình trạng này kéo dài đã khá lâu nhưng hình như không có đơn vị nào chịu trách nhiệm thu dọn khiến những bãi rác này vẫn tồn tại trong một thời gian dài và thậm chí còn xuất hiện thêm nhiều bãi rác tự phát khác. Cuối tuần nào dắt con ra công viên trong KĐT cũng phải đi xuống dưới lòng đường, đi qua các bãi rác này, khiến tôi cảm thấy lo lắng về nguy cơ mất an toàn giao thông cũng như môi trường sống ở đây đang ngày càng ô nhiễm".

Các bãi rác thải tự phát xuất hiện gần nơi sinh sống của các cư dân, gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường

Tại đây, việc dự án công trình Trường mầm non Vạn Xuân quây tôn kín nhưng xây dựng dở dang đã khiến việc quản lý vệ sinh môi trường phía bên ngoài dường như bị bỏ ngỏ, tạo điều kiện cho những bãi rác sinh hoạt, phế thải xây dựng tự phát xuất hiện trên vỉa hè, lòng đường của người dân. Công trình xây dựng Trường mầm non Vạn Xuân có ngày khởi công là 25/11/2018 nhưng không hiểu vì lí do gì đến thời điểm hiện tại vẫn đang dở dang.

Việc dự án treo, quy hoạch không thực hiện đã phát sinh ra các vấn đề, cụ thể là các bãi rác xung quanh phần quây tôn công trình trên vỉa hè của KĐT, trong khi đó, không có đơn vị chịu trách nhiệm khiến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng.

Để giảm thiểu gánh nặng ô nhiễm môi trường, xóa bỏ các bãi rác tự phát trên vỉa hè, lòng đường, việc đầu tiên cần làm là chính quyền sở tại vận động người dân xung quanh bỏ rác đúng nơi quy định, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, quy rõ trách nhiệm cho các đơn vị chức năng, tuyên truyền về sự nguy hiểm của rác thải đối với môi trường xung quanh.

Quay trở lại sự việc trên, trước hàng loạt các sai phạm liên quan đến lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên địa bàn phường Định Công, đề nghị chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng sớm có phương án xử lý quyết liệt, triệt để, trả lại môi trường sống trong lành, sạch sẽ và an toàn cho những cư dân đang sinh sống tại đây.

Theo Trúc An/Đô thị mới