Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.

Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.

Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó, chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.

Thực trạng lấn chiếm vỉa hè

Tại Hà Nội, sau một thời gian ra quân xử lý xác lập lại trật tự vỉa hè, tình hình cơ bản có sự chuyển biến tích cực nhưng không duy trì được lâu. Thời gian gần đây, thực trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để làm nơi kinh doanh, buôn bán, đậu đỗ xe tại khu vực bán đảo Linh Đàm tiếp tục tái diễn "ngang nhiên".

Dọc theo tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ sang khu đô thị mới Linh Đàm, tòa chung cư 2A cho hai ngân hàng thuê dưới tầng 1. Thế nhưng, theo quan sát của PV,  cả hai ngân hàng này đều tận dụng triệt để toàn bộ phần vỉa hè phía trước làm nơi trông giữ xe cho khách hàng ra/vào giao dịch khiến người đi bộ gặp nhiều khó khăn khi di chuyển qua khu vực này.

Cả hai ngân hàng đều tận dụng triệt để không gian vỉa hè phía trước.

"Vào giờ cao điểm, xe khách hàng đỗ chật kín, người dân phải đi bộ dưới lòng đường. Trong khi đó, đây là tuyến đường rất nhiều xe buýt chạy qua khiến chúng tôi luôn "nơm nớp" lo lắng về nguy cơ tai nạn giao thông", một người dân sinh sống gần đó cho hay.

Vỉa hè cho người đi bộ ở đâu?

Khảo sát thực tế, có một phần không nhỏ diện tích vỉa hè bị các cửa hàng ăn uống, cà phê tại khu đô thị bán đảo Linh Đàm chiếm làm của riêng đã từ rất lâu. Đặc biệt, vào buổi sáng các cửa hàng, quán ăn này luôn chật kín khách; các phương tiện đỗ tùy hứng, "điền vào chỗ trống" khiến người đi bộ chỉ có cách đi xuống dưới... lòng đường.

Nhiều cửa hàng tận dụng vỉa hè để sử dụng vào mục đích kinh doanh.

Phía trong các khu chung cư Linh Đàm, vỉa hè từ lâu không còn dành cho người đi bộ mà trở thành địa điểm kinh doanh các quán “cóc”, bãi trông giữ xe trái phép. Hình ảnh các bãi đỗ xe ô tô tự phát với hàng chục xe đỗ dọc 2 bên đường hay phi thẳng lên vỉa hè là điều không khó để nhìn thấy tại đây.

Hàng chục ô tô đỗ "thản nhiên" trên vỉa hè dành cho người đi bộ

Các công trình nhà ở đang trong quá trình xây dựng cũng "thản nhiên" sử dụng toàn bộ vỉa hè để các nguyên vật liệu, không còn không gian dành cho người đi bộ.

Nguyên vật liệu, phế thải ngổn ngang trên vỉa hè, chắn lối đi bộ của người dân tại một số công trình đang  xây dựng tại bán đảo Linh Đàm.

"Việc này diễn ra từ khá lâu, lặp đi lặp lại, chính quyền có "ra quân" nhưng không xử lý được dứt điểm khiến khu vực này luôn trong tình trạng "nhếch nhác", lộn xộn, an ninh trật tự không được đảm bảo", một cư dân Linh Đàm chia sẻ.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng VP Luật kết nối cho biết: “Cần phải có biện pháp mạnh tay hơn cho những cá nhân, tổ chức cố tình làm trái, cơ quan thiếu trách nhiệm, lỏng lẻo trong quản lý để tiến tới làm giảm và ngăn chặn vấn nạn này”.

Căn cứ Điều 12, Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ; mức phạt thấp nhất là “Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng”; và cao nhất là phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với các tổ chức thực hiện xây dựng trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ.

Hàng loạt căn biệt thự tự ý thay đổi đồng bộ quy hoạch vỉa hè 

Dù được quy hoạch đồng bộ về cây xanh, vỉa hè nhưng thực tế thời gian gần đây, trong khu đô thị Linh Đàm, không ít chủ nhân của các ngôi biệt thự đã tự ý lát lại vỉa hè bằng đá, gạch khác với chủng loại vỉa hè chung khi chưa được sự cho phép của các cấp chính quyền, dẫn đến việc mất mỹ quan đô thị, phá vỡ sự đồng bộ trong quy hoạch vỉa hè của khu vực.

Vỉa hè chuẩn và vỉa hè sai quy hoạch

Theo khảo sát của PV, tại khu BT4 không ít gia đình đã tự ý lát lại vỉa hè phía trước của nhà mình. Cụ thể, trước căn biệt thự lô 2 khu BT 4, vỉa hè cũ bị bóc đi để lát lại bằng đá; cách đó không xa là căn biệt thự số 24 với một "phong cách vỉa hè" riêng, căn số 34 cũng "thoải mái" làm lại khu vực trước nhà, thậm chí chặt hạ cả cây phượng lâu năm để thay thế bằng cây khác. Sang đến khu BT3, cả 1 dãy biệt thự có 6,7 căn liên tiếp cũng đã lát lại vỉa hè bằng gạch, đá khác với vỉa hè "nguyên bản" và "sáng tạo" trồng thêm nhiều cây xanh khác quy hoạch.

Vỉa hè sai quy hoạch tại khu vực Bán đảo Linh Đàm

"Việc tự ý thay vỉa hè theo phong trào mà không bị xử lý nghiêm sẽ tạo thành hệ lụy xấu, dẫn đến việc nhà này làm được thì nhà khác cũng làm được, khiến khu đô thị trở nên "xôi đỗ", nhếch nhác, mỗi nơi một kiểu, lâu dài sẽ phá nát quy hoạch đô thị chung của thành phố", một người dân thuộc khu đô thị Linh Đàm bày tỏ lo lắng.

Vỉa hè không đồng nhất sẽ làm mất mỹ quan đô thị, phá vỡ sự đồng bộ trong quy hoạch đô thị

Trước sự việc này, được biết, ông Đỗ Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai phụ trách xây dựng đô thị đã có chỉ đạo sẽ xử phạt nghiêm việc chủ biệt thự 34 tự ý chặt hạ cây xanh đô thị để trồng cây mới khác loại và yêu cầu chủ nhà phải bóc hết đoạn vỉa hè cũ, trả lại hiện trạng ban đầu. 

Căn biệt thự số 34 chưa có bất cứ dấu hiệu nào của việc thực hiện trả lại vỉa hè và cây xanh nguyên hiện trạng ban đầu.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, không chỉ riêng căn biệt thự 34 mà các căn biệt thự tự ý thay vỉa hè khác vẫn y nguyên, chưa có bất cứ dấu hiệu nào của việc thực hiện trả lại vỉa hè.

Cần quyết liệt hơn trong công tác xử lý sai phạm

Liên quan đến tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường hiện nay trên địa bàn Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND quy định về quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội và Quyết định số 24/2019/QĐ-UBND sửa đổi Điều 14 Quyết định 09/2018, tại 2 văn bản này đã điều chỉnh các quy định về việc sử dụng lòng đường, vỉa hè ngoài mục đích giao thông trên toàn địa bàn Thành phố Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 28/04/2020 về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới quy định rõ: Cấm toàn bộ hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh bán hàng dưới bất kỳ hình thức nào. Sở giao thông vận tải Hà Nội cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. 

Sai phạm lấn chiếm vỉa hè diễn ra hàng loạt tại Linh Đàm

Thế nhưng, thực tế trái ngược đang diễn ra tại khu vực bán đảo Linh Đàm. Tại sao các sai phạm trên vẫn tồn tại và chưa giải quyết được dứt điểm? Việc có xử lý nhưng không hiệu quả cũng đã khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn trong công tác quản lý trật tự đô thị của chính quyền địa phương. Có hay không việc có người đứng sau "bảo kê" cho các sai phạm trên?

"Vấn đề nhức nhối này đã xảy ra rất nhiều năm, chúng ta đang phải đặt ra câu hỏi chính quyền tại các địa phương có đang dung túng, bao che cho hành vi này hay không? Chính quyền các cấp cần phải mẫn cán, quyết liệt trong việc xuống tận địa bàn từng hoàn cảnh hộ dân. Đồng thời, cần liên kết với các doanh nghiệp trên từng địa bàn giải quyết việc làm cho những người bán hàng rong. Chỉ có như vậy thì tình trạng này mới chấm dứt bởi ai cũng cần có việc làm để mưu sinh cả.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp, cửa hàng tận dụng vỉa hè làm nơi để phương tiện hay lấn chiếm kinh doanh thì cần xử lý thật nghiêm. Đây là vấn đề rất nhức nhối, nếu các cơ quan chức năng từng khu vực không quyết liệt, có dấu hiệu "bảo kê" thì tình trạng này sẽ kéo dài mãi", TS. Nguyễn Ánh Hồng - nhà nghiên cứu văn hóa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh tới vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc xử lý sai phạm lấn chiếm vỉa hè nói chung.

Căn cứ theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, những hành vi tự ý đập phá, tháo dỡ bó vỉa hè hoặc sửa chữa, cải tạo vỉa hè trái phép có thể bị xử phạt hành chính như sau:

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân

Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức

Đối với hành vi tự ý chặt hạ cây xanh, căn cứ Điều 53 Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa nêu rõ: "Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi tự ý chặt hạ, di dời, đốt gốc, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh không đúng quy định".

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng từng nhấn mạnh việc cần những động thái cứng rắn trong việc xử lý sai phạm lấn chiếm vỉa hè: "Nếu không có những động thái mạnh mẽ, cứng rắn thì việc lấn chiếm này sẽ còn tái diễn"Việc giải tỏa những hành vi lấn chiếm vỉa hè theo Bộ trưởng là cần thiết bởi “không cẩn thận sẽ có lợi ích nhóm”.

Trước tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng trên toàn thành phố, nhiều người dân cho rằng, việc xử phạt vi phạm lấn chiếm vỉa hè phải thật quyết liệt như một số quận, huyện đã và đang làm. Quan trọng là phải ra quân đồng bộ chứ không chỉ riêng khu vực trung tâm. Chỉ có vậy mới từng bước giảm bớt được thực trạng lấn chiếm vỉa hè, từng bước tạo ý thức cho người dân trong việc giữ vỉa hè thông thoáng.

Quay lại sự việc trên, chính quyền địa phương tại phường Hoàng Liệt nói riêng và quận Hoàng Mai nói chung cần có những biện pháp xử lý "mạnh tay" hơn trước những sai phạm lấn chiếm, phá vỡ vỉa hè để răn đe và ngăn chặn thực trạng trên.

Theo Trúc An/Đô thị mới