Chương trình GDPT mới thể hiện xu thế chung đó của thế giới
Theo như mô hình giáo dục truyền thống, phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới trong nhiều năm qua là “truyền thụ kiến thức”. Cách tiếp cận này lấy kiến thức làm mục tiêu tự thân của giáo dục, biến người học thành đối tượng tiếp nhận thụ động, không còn phù hợp với thời đại mới.
Vì vậy, nhiều tổ chức quốc tế lớn như EU, OECD, WEF và nhiều quốc gia phát triển như Anh, Ausstralia, Mỹ, Phần Lan, Singapore,… đã nghiên cứu và xây dựng khung các năng lực cơ bản, thiết yếu mà bất kì ai cũng cần phải có để sống, học tập và làm việc hiệu quả, làm cơ sở để hoạch định chính sách và cách tiếp cận đối với giáo dục, trong đó có xây dựng chương trình GDPT.
Ảnh minh họa. Hải Nam.
Chương trình GDPT của nhiều quốc gia thể hiện rõ nét và có hệ thống những năng lực năng lực cơ bản, thiết yếu đó với những tên gọi khác nhau. Chẳng hạn, chương trình của Australia có 7 năng lực chung (general capabilities): giao tiếp; tính toán; ICT; tư duy phản biện và sáng tạo; cá nhân và xã hội; thấu hiểu về đạo đức; hiểu biết liên văn hóa.
Chương trình của Phần Lan có 7 năng lực chung (transversal competencies): năng lực tư duy và học cách học (thinking and learning skills); năng lực văn hóa, tương tác và biểu hiện bản thân; năng lực chăm sóc bản thân và quản trị đời sống hằng ngày; năng lực giao tiếp đa phương thức; năng lực ICT; năng lực làm việc và lập nghiệp, kinh doanh; năng lực tham gia và xây dựng một tương lai bền vững (bảo vệ môi trường, tuân thủ luật lệ, đàm phán và giải quyết xung đột, hiểu tầm quan trọng của các lựa chọn,…).
Mô hình chương trình phát triển năng lực và hệ thống các năng lực cốt lõi trong chương trình GDPT mới thể hiện xu thế chung đó của thế giới. Tuy nhiên, các năng lực này không thể hình thành và phát triển ngoài hệ thống kiến thức trong các môn học. Việc kết nối kiến thức và những năng lực có thể có từ việc học những kiến thức này là yêu cầu có tính chất nguyên tắc của chương trình GDPT mới.
Điểm khác biệt đáng kể so với chương trình hiện hành và cũng là kết quả tiếp thu kinh nghiệm quốc tế là trongchương trình GDPT mới, quá trình 12 năm học được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản bao gồm cấp tiểu học (5 năm), cấp THCS (4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, tương ứng với cấp THPT (3 năm). Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, tất cả học sinh đều học những nội dung giáo dục về cơ bản giống nhau. Ở giai đoạn giáo dục sau THCS, học sinh được phân luồng và được lựa chọn môn học theo sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp.
Theo đó, ngoài việc kế thừa nhiều điểm còn phù hợp trong kế hoạch giáo dục và nội dung giáo dục của chương trình hiện hành, chương trình GDPT mới đã tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là thông qua các tài liệu về giáo dục của OECD, EU, WEF và CT GDPT của nhiều nước như Anh, Australia, Hàn Quốc, Mỹ, Phần Lan,… để xây dựng kế hoạch giáo dục và nội dung giáo dục.
Việc thiết kế một số môn tích hợp mới như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí ở cấp THCS; phân hóa bằng lựa chọn các môn học thuộc ba nhóm môn bên cạnh một số môn học bắt buộc, có tính chất công cụ như Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ ở cấp THPT; bổ sung một số môn học mới vào chương trình như Giáo dục kinh tế và pháp luật, Nghệ thuật ở cấp THPT và phát triển Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp trong chương trình hiện hành thành Hoạt động trải nghiệm (hoặc Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp) đều có dấu ấn của xu thế quốc tế.
Phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả trong Chương trình GDPT mới
Các định hướng về phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục trong chương trình GDPT mới là kết quả của những đổi mới, thử nghiệm về phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục được tiến hành trong nhiều năm qua ở các trường phổ thông cả ba cấp trên cả nước, đồng thời có tham khảo lí luận và kinh nghiệm quốc tế.
Các lí thuyết tâm lí học và giáo dục học có ảnh hưởng sâu rộng đến việc xây dựng chương trình và tổ chức hoạt động giáo dục ở nhiều nước tiên tiến như Lí thuyết kiến tạo của Jean Piaget, Lev Vygosky, John Dewey,…; Lí thuyết về “vùng phát triển gần nhất” của Lev Vygotsky; Lí thuyết đa trí tuệ của Howard Gardner cũng như bài học kinh nghiệm từ chương trình GDPT và SGK của các nước và từ chia sẻ của các chuyên gia quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế phương pháp dạy học và phương pháp giáo dục nói chung trong chương trình GDPT mới.
Cùng với những bài học rút ra từ những kì khảo sát quốc tế nhằm đánh giá năng lực học sinh như PISA, TIMSS và từ thực tế thử nghiệm đổi mới đánh giá tại các nhà trường phổ thông của nước ta trong những năm qua, các lí thuyết và kinh nghiệm quốc tế này cũng là cơ sở tham khảo quan trọng để đổi mới mục tiêu và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục học sinh.
Bên cạnh đó, cấu trúc văn bản chương trình GDPT mới, quy trình và cách thức tổ chức xây dựng và thử nghiệm chương trình, chủ trương “một chương trình nhiều SGK” và đa dạng hóa tài liệu giáo dục,… cũng là kết quả học tập kinh nghiệm xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình GDPT của các nước có nền giáo dục phát triển.