Thời gian qua, tại một số dự án phát triển nhà ở, khu đô thị ở các thành phố lớn, tình trạng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, thậm chí cố tình xây dựng trái quy hoạch đã diễn ra liên tục. Hậu quả của việc này là làm diện mạo của các khu đô thị bị biến dạng trong suốt một thời gian dài và khó có thể cứu vãn. Về việc này, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải có chỉ đạo xử lý phản ánh liên quan đến việc phá vỡ quy hoạch tại nhiều khu đô thị kiểu mẫu điển hình như khu đô thị Ciputra, khu Đoàn ngoại giao.
Có thể nói chưa bao giờ câu chuyện quy hoạch lại trở nên nhức nhối và được dư luận quan tâm nhiều đến thế. Trong phiên chất vấn Quốc hội tuần này, đã có 49 lượt đại biểu đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà. Vấn đề được đa số đại biểu quan tâm là việc điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch tại các đô thị gây quá tải hạ tầng. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận có tình trạng phá vỡ quy hoạch ban đầu và "không loại trừ quy hoạch chi tiết bị điều chỉnh do sức ép nào đó".
Giải trình cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thừa nhận tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện ở các đô thị hiện nay, dư luận xã hội, cử tri và đại biểu Quốc hội đang rất bức xúc về tình trạng này và yêu cầu thanh tra, rà soát các quy hoạch bị điều chỉnh.
"Vết sẹo" trong quy hoạch đã được chỉ rõ nhưng bài thuốc đặc trị nào sẽ đủ mạnh để chữa lành vết thương này, hay ít nhất là ngăn nó không tiếp tục lan rộng ra một cơ thể mang tên đô thị?
Để có cái nhìn toàn cảnh câu chuyện này, Cà phê cuối tuần giới thiệu các chuyên gia: ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam; KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúcHà Nội; KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM.
ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TUỲ TIỆN
Ông Trần Ngọc Hùng: Đúng là việc các dự án khu đô thị thay đổi quy hoạch xảy ra rất phổ biến trên địa bàn Hà Nội, tỷ trọng công trình cao tầng lên tới 80%, trong khi thiếu liên kết về hạ tầng đã gây nhiều hệ quả nặng nề. Liên quan đến quy hoạch đô thị, chúng ta đã có Luật Quy Hoạch năm 2009, Luật Xây dựng cũng có một chương riêng. Có nghĩa là, không thiếu gì luật liên quan đến đô thị nhưng do quá trình thực hiện không đến nơi đến chốn mới xảy ra tình trạng “băm nát đô thị” như hiện nay.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng quy hoạch đô thị bị băm nát là do chính quyền thiếu trách nhiệm, thậm chí buông lỏng quản lý xây dựng theo quy hoạch, doanh nghiệp lại đua nhau chạy theo lợi nhuận mà không thực hiện đúng trách nhiệm của mình.
Một nguyên nhân khác nữa là chúng ta đang thiếu tầm nhìn trong quy hoạch. Điều này thể hiện ở chỗ các khu đô thị mới vừa xây dựng đã lạc hậu, dẫn đến tình trạng xe ô tô của người dân không biết để đâu, thiếu không gian công cộng, công viên, hồ điều hoà…
Để khắc phục tình trạng này, từ quy hoạch chung đến quy hoạch chi tiết cần được tiến hành sớm và đồng bộ. Khi có quy hoạch rồi, nhà nước phải rất nghiêm trong quản lý các quy hoạch đó. Ví như, nhà nước chỉ cho đưa vào khai thác, sử dụng các chung cư, khu đô thị khi đã có cơ sở hạ tầng đồng bộ. Những khu đã đưa vào sử dụng, cần làm rõ trách nhiệm xem việc thiếu công trình dân sinh thuộc về ai. Nếu chủ đầu tư đã nhận quản lý dự án phải đồng bộ thì quản lý nhà nước phải có trách nhiệm xử lý thích đáng với chủ đầu tư này.
Một vấn đề rất quan trọng nữa, đó là sự tồn tại nhiều năm của tình trạng dễ dãi trong cấp phép xây dựng theo kiểu “xin - cho”. Điều này dẫn đến tình trạng quy hoạch chung bị phá vỡ, hàng loạt nhà cao tầng được xây dựng trong khu phố cổ. Các khu đô thị mới hầu như đều có sự thay đổi so với thiết kế ban đầu trong khi các công trình công cộng vẫn giữ nguyên. Đó là nguyên nhân của đường sá ùn tắc, bệnh viện quá tải, học sinh không có chỗ học... Như vậy là quy hoạch có vấn đề mà xây dựng, tổ chức thực hiện cũng lại có vấn đề. Xét tới cùng, người lãnh đạo của thành phố, của quận về xây dựng phải chịu trách nhiệm cho việc điều chỉnh quy hoạch.
Ngoài ra, việc cho phép phân lô, bán nền cũng là phương án để giải quyết một phần tồn kho bất động sản nhưng cần quy định cụ thể điều kiện người dân khi xây nhà phải theo mẫu có sẵn của chủ đầu tư (với chiều cao, số tầng, mặt tiền phải cơ bản giống nhau, chỉ khác một số chi tiết, màu sơn, nội thất và thiết kế bên trong), để tránh tình trạng bộ mặt đô thị bị phá vỡ. Tốt nhất vẫn là quy định phải xây thô mới được bán, để đảm bảo bộ mặt đô thị có quy củ.
AI ĐÃ PHÁ NÁT QUY HOẠCH?
KTS. Đào Ngọc Nghiêm: Mỗi khu đô thị đều có kiến trúc riêng, nếu phá vỡ theo thiết kế đã quy hoạch sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ diện mạo của khu đô thị. Cụ thể, việc xây dựng vượt tầng sai phép hay không phép là một vấn đề bức xúc trong cả quá trình đô thị hóa. Nhiều quy hoạch được điều chỉnh cục bộ sai quy trình, không công bố công khai khiến người dân bức xúc khiến kiện.
Đáng lẽ, khi điều chỉnh quy hoạch phải dựa vào các yếu tố: Có đổi mới tác động đến kinh tế xã hội hay không; Có tạo đột phá trong phát triển hạ tầng đô thị hay không? Tiếp đến là lấy ý kiến cộng đồng dân cư tại khu vực điều chỉnh bị tác động bởi quy hoạch. Sau đó lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý.
Đô thị hóa nhanh thì cũng xảy ra sai phép nhanh, điều chỉnh quy hoạch liên tục để phù hợp. Điều đó cũng cho thấy rằng, quy hoạch của chúng ta chưa đi trước, chưa nhìn xa trông rộng, chưa có gắn với kế hoạch thực hiện dài hạn 5 năm đầu là gì, 10 hay 20 năm sau như thế nào… Mặt khác, mỗi ngành lại có những dự báo riêng về quy hoạch đất đai, quy hoạch văn hóa, trường học… cho nên mới dẫn đến tình trạng lộn xộn quy hoạch như vậy.
Trách nhiệm ở đây thuộc chủ đầu tư và cũng là tồn tại trong quản lý cấp phép đầu tư xây dựng. Bởi, vì quản lý đô thị yếu kém mới tạo ra một quy hoạch không đồng bộ. Hiện nay, chúng ta cũng thiếu đầu mối quản lý cho nên các quy hoạch chồng chéo lên nhau. Quy hoạch quá nhiều dẫn đến các cơ quan quản lý địa phương không biết theo thế nào. Đặc biệt, trong quy hoạch, công tác điều chỉnh chưa xác lập được thời gian. Quy hoạch đặt ra là dài hạn nhưng liên tục có điều chỉnh.
Đơn cử, quy hoạch năm 1998 nhà nước duyệt nhưng đến 2008, khi mở rộng địa giới Hà Nội thì nhà nước đã điều chỉnh đến 20 lần, chưa kể đến các điều chỉnh cục bộ của thành phố. Điều đó cho thấy yếu tố tồn tại trong công tác quy hoạch là dự báo chưa chính xác.
Chúng ta đặt ra quy trình như làm móng phải có người kiểm tra, xây thô phải có giám sát thường xuyên, tổ chức thi công phải có người kiểm tra. Nhưng thực tế là trong thời gian qua, công tác giám sát của chúng ta không thường xuyên, chỉ khi khởi công, hoàn thiện mới xem tới. Chúng ta chưa đồng bộ quy trình công cụ quản lý, nhưng lỗi lớn nhất là thiếu quản lý và xử lý vi phạm.
Việc phân công, phân cấp trách nhiệm với chính quyền địa phương các cấp và các sở quản lý chuyên ngành hiện nay chưa rõ ràng, như khu vực nào do thành phố quản lý, khu vực nào phường quản lý? Nên việc xử phạt rất khó và xử phạt như thế nào vẫn là câu hỏi? Bởi vậy, phải có chế tài xử lý một cách nghiêm túc chứ không phải chỉ rầm rộ thỉnh thoảng một đợt ra quân rồi thôi.
QUY TRÁCH NHIỆM CHO AI?
KTS. Võ Kim Cương: Việc điều chỉnh quy hoạch dự án, khu đô thị là cần thiết vì chúng ta không thể dự báo chính xác được nhu cầu cũng như tình hình phát triển của các đô thị. Tuy nhiên, có một thực tế ở Việt Nam đã và đang diễn ra là có một số điều chỉnh quy hoạch gây ra hệ lụy lớn khi quá chiều theo ý chủ đầu tư, tạo ra những áp lực cho xã hội. Hệ quả là, quy hoạch đô thị bị phá vỡ dẫn đến hệ luỵ giao thông tắc nghẽn, các thành phố chìm trong cảnh ngập nước, môi trường, sinh thái bị ảnh hưởng. Đặc biệt kinh tế bị ảnh hưởng khi tính hấp dẫn đầu tư của thành phố bị suy giảm.
Do đó, quy hoạch đô thị có 2 yêu cầu đồng bộ. Đầu tiên là đồng bộ về không gian. Khi đó quy hoạch cần tính toán năng lực sử dụng đất phù hợp với số lượng dân cư, đường giao thông, hạ tầng... Thứ hai là đồng bộ về thời gian. Các công trình phải hình thành đồng bộ với nhau, đã xây dựng nhà cửa thì phải có các công trình giao thông, hạ tầng.
Thực trạng hiện nay, hệ thống luật quy hoạch đang tách rời giữa người lập và người thực hiện. Ai đưa ra Luật Đất đai, Luật Quy hoạch chưa phù hợp? Những kiến trúc sư, kỹ sư, các nhà kinh tế có thực hiện đúng không? Người thi hành có thực hiện đúng không hay vì lợi ích của chủ đầu tư? Người nào cấp phép xây dựng và đầu tư, ai lập và thực hiện quy hoạch? Tại sao điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh nhằm mục đích gì, có rõ ràng hay không?
Để xảy ra tình trạng phá vỡ quy hoạch đô thi hiện nay, việc quy trách nhiệm thì cần phải đánh giá cả hệ thống chính sách, pháp luật… Đặc biệt, phải xem xét cụ thể trách nhiệm từng cá nhân để đưa ra biện pháp xử lý thoả đáng.
Hầu như chưa có ai vì thay đổi quy hoạch bị xử lý kỷ luật Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai): Con số cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 đến 6 lần là điều đáng suy nghĩ và đã gây tổn thất về kinh tế, bức xúc cho xã hội và người dân... Để lập quy hoạch một khu đô thị, cần rất nhiều các bộ ngành, cơ quan chức năng tham gia, xin ý kiến các chuyên gia, ý kiến nhân dân trước khi phê duyệt, nhưng những lần thay đổi quy hoạch đó, chỉ cần đề nghị của chủ đầu tư, ý kiến của lãnh đạo một số sở và bút phê của lãnh đạo thành phố là Ok (đồng ý)? Quyền các vị này quá lớn. Lạm quyền để trục lợi là điều dễ hiểu. Nhưng hầu như chưa có ai, vì thay đổi quy hoạch bị xử lý kỷ luật. Đó là điều dư luận băn khoăn và khó hiểu. Suy cho cùng, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện thực chất cũng là làm nát quy hoạch, nát vốn, đội vốn, chậm tiến độ, lãng phí, thất thu ngân sách giảm hiệu quả đầu tư công và gây ra nhiều hệ lụy bức xúc khác. |
Không loại trừ việc điều chỉnh quy hoạch do sức ép nào đóBộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà Trong các năm qua, tình trạng điều chỉnh quy hoạch chi tiết diễn ra một cách tràn lan. Theo báo cáo của 10/63 tỉnh thành, hiện có khoảng 1.390 dự án đầu tư xây dựng, trong đó khoảng 1.132 dự án điều chỉnh quy hoạch 1 lần; 163 dự án điều chỉnh quy hoạch 2 lần; 64 dự án điều chỉnh 3 lần; 22 dự án điều chỉnh 4 lần và 9 dự án điều chỉnh trên 5 lần. Việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết có thể do sức ép hoặc do theo lợi ích của doanh nghiệp hay không thì chúng tôi hiện nay chưa có thông tin đầy đủ về vấn đề này nhưng cũng không loại trừ vấn đề này. Nhưng cũng có 2 ý ở đây, ý thứ nhất là họ mong muốn thực hiện dự án phục vụ sự phát triển kinh tế của địa phương, nó phù hợp và mang lại lợi nhuận cho họ. Ý thứ hai là họ cố tình lợi dụng điều chỉnh quy hoạch để đạt những lợi nhuận bất hợp pháp. Quan điểm của chúng tôi là kiểm soát chặt chẽ hơn quá trình lập và thẩm định phê duyệt quy hoạch, nếu phát hiện các trường hợp này sẽ xử lý nghiêm túc theo quy định. |
Thanh tra, rà soát các quy hoạch bị điều chỉnh Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng Việc điều chỉnh quy hoạch là một nội dung, nhiệm vụ trong hoạt động quy hoạch và trong quá trình thực hiện quy hoạch. Điều chỉnh quy hoạch là do những yêu cầu khách quan và chủ quan của các chủ thể liên quan đến hoạt động quy hoạch. Trong đó, có điều chỉnh quy hoạch do Nhà nước yêu cầu (chất lượng quy hoạch kém); điều chỉnh quy hoạch do người dân yêu cầu (quy hoạch không phù hợp quyền lợi của người dân); điều chỉnh quy hoạch do nhà đầu tư yêu cầu. Nhưng dư luận xã hội, cử tri và đại biểu quốc hội đang rất bức xúc về tình trạng điều chỉnh quy hoạch chạy theo nhà đầu tư, điều chỉnh tùy tiện: Nâng tầng cao, nâng mật độ xây dựng làm gia tăng dân số, giảm không gian công cộng… gây quá tải lên hệ thống hạ tầng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Xây dựng, các địa phương cho thanh tra, kiểm tra rà soát lại các quy hoạch điều chỉnh, xem xét xử lý nghiêm với các quy hoạch điều chỉnh tùy tiện, không đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch và không bảo đảm cảnh quan kiến trúc theo đúng quy định pháp luật. |
Thiết kế: Đức Anh
Nguồn: https://cdn.reatimes.vn/mediav2/media_old/quy-hoach-do-thi-bi-bam-nat-nhung-vet-seo-nhuc-nhoi-bao-gio-duoc-chua-lanh-36483.html