Việc này đang được các đơn vị liên quan đẩy mạnh qua nhiều kênh khác nhau để đồng hành với nông dân, bảo đảm ổn định sản xuất trong tình hình hiện nay.

Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) mỗi ngày cung cấp khoảng 1,5 tấn rau quả cho hệ thống siêu thị Big C, T-Mart trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong ảnh: Sơ chế, đóng gói sản phẩm rau xanh tại hợp tác xã để cung cấp cho người dân. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Giảm trực tiếp, tăng liên kết tiêu thụ

Những ngày qua, trên các cánh đồng ngoại thành không còn không khí tấp nập như những ngày trước đây. Nhiều hợp tác xã đã bố trí cho xã viên, nông dân thay nhau sản xuất, thu hoạch để vừa bảo đảm cung ứng cho thị trường, vừa thực hiện “giãn cách xã hội”.

Bà Hoàng Thị Huyền, thôn Giáp Ngọ (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ), xã viên Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn chia sẻ: “Khi dịch Covid-19 bắt đầu diễn biến phức tạp, chúng tôi cũng hết sức lo lắng, không biết sẽ sản xuất, bán hàng thế nào mặc dù rau, quả vốn là mặt hàng thiết yếu của người dân. Tuy nhiên, Ban quản trị hợp tác xã đã nhanh chóng liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm ổn định. Chúng tôi đã tham gia bán hàng bình ổn giá với nhiều hợp tác xã khác trong thành phố tại các chung cư”.

Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Khải cho biết thêm: Hợp tác xã hiện có gần 40 thành viên canh tác hơn 65ha rau, quả đủ điều kiện sản xuất an toàn, trung bình mỗi ngày cung ứng cho thị trường Hà Nội từ 7 đến 9 tạ rau. “Trong bối cảnh dịch Covid-19, thay vì cung cấp rau trực tiếp cho các trường học, doanh nghiệp, hợp tác xã đã chuyển nguồn hàng này sang các điểm bán hàng bình ổn giá tại các khu chung cư. Số còn lại đưa vào “thị trường truyền thống” là siêu thị, bệnh viện, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch…”.

Trong khi đó, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (huyện Đông Anh) Phạm Thị Lý cho hay: 100% sản phẩm rau của hợp tác xã đều được dán tem QR code, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Những ngày vừa qua, hợp tác xã đã đẩy mạnh liên kết với các chuỗi cung ứng nông sản như: Chuỗi cửa hàng Công ty Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam, siêu thị Big C, các cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố… nên mức tiêu thụ vẫn được duy trì.

Trong bối cảnh khó khăn chung, bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce (sở hữu chuỗi Vinmart) thông tin: Công ty đã liên kết với các hợp tác xã nông nghiệp tại các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Oai… để nhập hàng, vừa bảo đảm nguồn hàng chất lượng bán cho người dân, vừa góp phần giúp nông dân, hợp tác xã duy trì sản xuất.

Chăm sóc đàn lợn tại Hợp tác xã Chăn nuôi - Dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam

Đồng hành cùng nông dân và hợp tác xã

Hỗ trợ nông dân cũng như các hợp tác xã nông nghiệp vượt qua khó khăn là trách nhiệm chung của các cấp, ngành, đặc biệt là doanh nghiệp, nhà phân phối.

Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Lê Văn Thư, trong tháng 3 vừa qua, Liên minh đã làm việc với 25 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân… để tiếp thu các phản ánh từ thực tế, kịp thời hỗ trợ cho hợp tác xã và nông dân. Theo đó, Liên minh Hợp tác xã thành phố sẽ xem xét việc giãn nợ, hoãn các khoản nợ phải trả cho các hợp tác xã có vay vốn từ quỹ tín dụng nhân dân và các quỹ khác thuộc hệ thống liên minh hợp tác xã quản lý...

Cũng về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng chia sẻ: “Huyện đã chỉ đạo Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Oai chủ động bám sát kế hoạch nguồn vốn, nhanh chóng giải ngân đến các hộ khó khăn… để nông dân bám ruộng, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện đúng mục tiêu “kép” trong phòng, chống dịch”.

Xác định đồng hành cùng nông dân, các hợp tác xã là trách nhiệm của chính mình và cũng để duy trì phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã nhanh chóng chuyển hướng hoạt động với những giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế.

Giám đốc chuỗi cửa hàng Moomoo Farmily (quận Thanh Xuân) Đặng Thị Thúy Hằng cho biết: Chuỗi đã chủ động liên hệ với các hợp tác xã sản xuất rau, quả, thịt… tại Hà Nội để đặt hàng, cử nhân viên về hỗ trợ đóng gói, thu mua. Ví dụ như hỗ trợ chi phí giết mổ, vận chuyển cho Hợp tác xã Đan Hoài (thị xã Sơn Tây) trong việc thu mua gà Mía hay hỗ trợ toàn bộ chi phí vận chuyển cho Hợp tác xã Đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì, xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) để nhập hơn 500 hộp sữa chua và hàng trăm lít sữa… mỗi ngày.

Còn theo Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư và Giống cây trồng Hà Nội Nguyễn Xuân Trường, trong bối cảnh dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, để giảm bớt gánh nặng cho nông dân hợp tác xã sản xuất hoa tại Mê Linh, công ty không chỉ chuyển giao công nghệ trồng hoa cúc nuôi cấy mô mà còn thu mua hoa của nông dân để đưa vào các kênh phân phối.

Trong những ngày vừa qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra, đến các địa phương nắm tình hình sản xuất của nông dân, hợp tác xã để có những điều chỉnh cũng như hỗ trợ phù hợp từ nguồn giống đến kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm. “Hơn lúc nào hết, nông dân cần liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất khép kín, có như vậy thị trường mới ổn định dù trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay”, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhận định.

Ước tính mỗi tháng nhu cầu tiêu dùng nông sản của Hà Nội như sau: Gạo 92.970 tấn; thịt lợn hơi 18.594 tấn; thịt bò 5.230 tấn; thịt gà, vịt 6.198 tấn; rau củ 84.100 tấn... Với năng lực hiện tại, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đáp ứng được 58% nhu cầu về thịt, 70% về cá các loại, 90% trứng gia cầm, 65% rau củ tươi...

Theo Hà Nội Mới