Tại Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp nhân Hội nghị ngoại giao 31, nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam khẳng định, doanh nghiệp chính là nền tảng xây dựng đất nước và doanh nghiệp cần có chỗ đứng nhiều hơn nữa trong trái tim, chính sách của Việt Nam.
Đưa ra khuyến nghị cho cộng đồng doanh nghiệp Việt, Đại sứ Vũ Hồng Nam kể câu chuyện thú vị trong quá trình hỗ trợ DN tiếp cận thị trường Nhật Bản. Trong một lần đến tham quan Hội đồng thành phố, ông có tình cờ gặp các em thiếu nhi và được biết, các em đều biết đến quả vải của Việt Nam nhưng chưa có cơ hội được thưởng thức. Ngay sau đó, Đại sứ đã gửi một thùng vải đến tận trường nơi các em đang theo học và nhận được phản hồi rất tốt từ phía nhà trường và các phụ huynh.
“Ngay sau đó đại diện của Aeon Mall đã liên hệ ngay với chúng tôi và nói rằng: Các ông đã làm được điều mà chúng tôi chưa làm được. Rõ ràng, chỉ một hành động nhỏ và đơn giản thế thôi, quả vải Việt Nam đã đến được với người tiêu dùng Nhật theo cách gần gũi nhất”, Đại sứ Vũ Hồng Nam chia sẻ.
Theo Đại sứ, để tận dụng tốt những lợi thế này thâm nhập thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp phải chủ động hơn, phải làm ngay, tiếp cận ngay, sản phẩm của họ thuộc dòng thuế nào, yêu cầu gì? Ngoài ra, các quy định pháp luật, cơ sở thuế, thị trường, các tiêu chuẩn kỹ thuật… doanh nghiệp cũng cần phải tìm hiểu và tuân theo.
Y học cổ truyền Việt Nam có nhiều bước tiến mới
Chia sẻ tại Toạ đàm, bà Nguyễn Thị Hương Liên - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sao Thái Dương khẳng định, sự kiện đã cung cấp nhiều thông tin, tìm hiểu thị trường, giúp các doanh nghiệp kết nối với các đại sứ để gửi gắm tâm tư trong hoạt động kinh doanh tại nước ngoài.
Giới thiệu về Sao Thái Dương là công ty có kinh nghiệm 21 năm trong ngành nghiên cứu, sản xuất sản phẩm thảo dược Việt Nam. Văn hoá sử dụng thảo dược đã rất quen thuộc ở Việt Nam đã thành truyền thống. Trong khi đó, ngày nay, các thị trường phát triển như Mỹ, ở châu Âu khi nghiên cứu về Đông y, chăm sóc sức khoẻ, cũng đều hướng về các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên.
"Việt Nam từ trước đến nay nổi tiếng trong xuất khẩu về lúa gạo, tuy nhiên, phát triển hướng về sản phẩm tự nhiên sẽ là một xu hướng mới, trong đó có y tế. Sao Thái Dương mong muốn trong thời gian tới chúng ta sẽ có những bước tiến đưa nền y học cổ truyền Việt Nam đến với thế giới. Sao Thái Dương không chỉ mong muốn cung cấp cho người dùng Việt Nam những sản phẩm chất lượng tốt hơn, mà luôn phấn đấu để mang tinh hoa thảo dược nước nhà đến với bạn bè quốc tế.", Phó Tổng Giám đốc Sao Thái Dương chia sẻ.
Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển với nhiều thành tựu, hiện Sao Thái Dương là đơn vị tiên phong đầu tư hệ thống nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP dược phẩm, nhà máy đạt GMP mỹ phẩm, tiêu chuẩn ISO 14000, chứng nhận HALAL, chứng nhận FDA xuất sang thị trường Mỹ.
Với định hướng phát triển nguồn dược liệu Organic theo tiêu chuẩn USDA Mỹ và châu Âu, sản xuất các sản phẩm từ thảo dược theo quy trình khép kín, Sao Thái Dương đã đầu tư vùng trồng dược liệu có quy mô 30ha tại Sơn La và dự kiến mở rộng lên 300 ha trong năm 2025.
Với dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại, đạt GMP kết hợp với nông trại trồng dược liệu Organic tiêu chuẩn quốc tế, Sao Thái Dương tiên phong trong đổi mới sáng tạo, tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe của Mỹ và châu Âu; tiên phong xuất khẩu các sản phẩm khoa học công nghệ của Việt Nam, “lội ngược dòng” và được đón nhận tại các thị trường khó tính như Mỹ, Đức, Thụy điển, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Vương quốc Anh...
Cũng theo bà Hương Liên, tại Sàn Giao dịch công nghệ tự động hóa khai trương mới đây, Sao Thái Dương đã mang tới nhiều sản phẩm để giới thiệu với khách hàng trong và ngoài nước như các nhãn dầu gội dược liệu Thái Dương, dòng thảo dược xuất khẩu Nature Queen, dòng thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kovir, Nobel trí não, Mạch vành Win Win, Nobel Tiểu đường hay dòng thực phẩm hỗ trợ xương khớp, dầu gừng Thái Dương, Cao xoa Thái Dương và 2 bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán và phát hiện COVID-19.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam khẳng định, những sản phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh như dược phẩm, gỗ, nông sản… đều là những hàng hoá mà thị trường Nhật Bản đang thiếu. Cùng với sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý cũng như các tổ chức đại diện ở nước ngoài, các DN Việt cần sự chủ động hơn nữa để có thể vượt qua khó khăn, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.