Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, theo Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, xác định bội chi thực hiện theo nguyên tắc, trong giai đoạn 5 năm tới là 3,7%.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay cần đưa ra gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nên phải chấp nhận bội chi tăng lên. Còn sau đó khi nền kinh tế đi vào ổn định, phát triển thì giảm tỉ lệ bội chi. Hiện Bộ Tài chính đang tính toán gói kích cầu, kích thích kinh tế theo hướng đề xuất đưa ra một số chính sách tài khóa.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, gói kích cầu như là hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp ở một số ngành nghề nhất định và một số công trình trọng điểm, có thể từ 10.000 - 20.000 tỉ đồng. Hai là phát hành công trái, trái phiếu ngoại tệ trong nước.
Đồng thời, để tăng thu cho ngân sách sẽ tập trung vào tăng thu từ nền tảng số, tức là tập trung vào thu thuế ở các nền tảng số mà lâu nay còn dư địa như bán hàng online, các nền tảng xuyên biên giới.
Gắn với đó là đẩy mạnh các hoạt động chống chuyển giá trốn thuế. Thực hiện thắt chặt chi tiêu, như giảm 10% chi thường xuyên, tiết kiệm 5% chi công tác phí, hội nghị.
Vẫn theo người đứng đầu Bộ Tài chính, tổng các gói đang thiết kế nên chưa có số lượng cụ thể, cơ quan tham mưu hiện đang đưa ra nhiều phương án để trình các cấp.
Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với báo chí bên hành lang kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho hay Chính phủ đang xây dựng chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế, với các gói kích thích, hỗ trợ nền kinh tế để tới đây trình ra Quốc hội.
Ông Nguyễn Phú Cường lưu ý, các gói chính sách, kích thích kinh tế mà Chính phủ xây dựng phải đủ lớn để phục hồi nền kinh tế. Các gói kích thích kinh tế phải vừa liên quan chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, biện pháp triển khai thực hiện gắn với tình hình hiện nay.
Trước đó, báo cáo tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, về thu ngân sách Nhà nước năm 2021, tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước ước vượt dự toán. Tuy nhiên, nhiều khoản thu quan trọng không đạt hoặc vượt thấp so với dự toán; Nếu loại trừ các khoản tăng thu từ đất, tài nguyên thì số thu nội địa không đạt dự toán; Cơ cấu thu chưa vững chắc.
Ngoài ra, theo người đứng đầu Bộ Tài chính, thu ngân sách Trung ương hụt khá lớn, khoảng 28-29 nghìn tỉ đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai nhiệm vụ của ngân sách Trung ương. Đặc biệt, thu từ bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp trung ương đạt 2,5% dự toán. Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân chủ quan để có giải pháp khắc phục trong các năm tiếp theo.
Đối với chi ngân sách Nhà nước năm 2021, tính từ thời điểm dịch bùng phát đến nay, về chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, tổng số kinh phí đã cấp là 30,85 nghìn tỉ đồng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành các Nghị quyết nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nguồn kinh phí cho phòng, chống dịch. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, cần tập trung đánh giá toàn diện hiệu quả chính sách đã thực hiện, chỉ rõ các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; Tác động thực tế, tính lan tỏa của các chính sách.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/se-tap-trung-vao-tang-thu-tu-nen-tang-so-cho-ngan-sach-60660.html