Siết chặt tín dụng bất động sản gây tranh cãi

Đánh giá về tác động của Chỉ thị 04, Báo cáo Kinh tế Việt Nam quý III/2018 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách dự báo rằng: “Một điểm đáng lo ngại hiện nay đó là Chỉ thị 04 về kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực bất động sản cùng với nguy cơ giá tài sản giảm do lãi suất có thể có khả năng tăng khiến thị trường bất động sản trong thời gian tới vẫn có thể đối mặt với sự đi xuống”.

Nhiều chuyên gia cũng e ngại, việc kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực bất động sản khiến doanh nghiệp Việt gặp khó khăn trong việc huy động động vốn, có thể đẩy thị trường vào giai đoạn trầm lắng.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), việc siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là chưa cần thiết, chưa phù hợp thực tiễn và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ổn định của thị trường bất động sản. Vị lãnh đạo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp bất động sản hoạt động kinh doanh cần nguồn vốn trung dài hạn và phụ thuộc lớn nguồn vốn vay ngân hàng; nguồn vốn huy động trước từ khách hàng cũng chủ yếu có nguồn gốc từ ngân hàng.

Tuy nhiên, tại Tọa đàm Báo cáo Kinh tế Việt Nam quý III/2018, TS. Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng, thị trường bất động sản là một ngành hút nguồn vốn lớn từ trong xã hội. Việc kiểm soát chặt tín dụng mà Chỉ thị 04 đưa ra là cần thiết để đảm bảo giữ sự bình ổn cho toàn nền kinh tế khi thị trường bất động sản có nhiều phân khúc tăng trưởng nóng và cung lớn hơn cầu.

“Các ngân hàng đều có xu hướng bỏ tiền vào lĩnh vực bất động sản bởi đây là ngành “béo bở”. Nhưng khi thị trường bất động sản đi xuống sẽ tạo ra rất nhiều rủi ro mà nạn nhân đầu tiên chính là ngân hàng, sau đó là các khách hàng và cuối cùng nền kinh tế bị biến động”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm đó, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, tài chính cho rằng: “Mặc dù sức hấp thụ vốn của nền kinh tế cải thiện, sức khỏe của doanh nghiệp dần hồi phục hẳn, song trước sức nóng của bất động sản thời gian qua, cũng cần có sự kiểm soát chặt chẽ dòng vốn vào lĩnh vực này”.

Doanh nghiệp Việt tìm lối đi riêng

Trước Chỉ thị 04 về kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, nhiều ý kiến quan ngại về tương lai khó khăn của doanh nghiệp Việt trong vấn đề huy động nguồn vốn để thực hiện dự án. Đáng quan ngại hơn khi ở thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản đang có những diễn biến trầm lắng, sự lệch pha cung cầu giữa các phân khúc tạo ra rủi ro khó đoán cho thị trường có giá trị vốn cao này.

Song, một số doanh nghiệp cho rằng, việc thắt chặt tín dụng là cách để thanh lọc thị trường bất động sản. Đồng thời, những tín hiệu cởi mở cho phép dòng vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản cùng các cuộc sáp nhập M&A sẽ tạo ra hướng đi mới cho doanh nghiệp bất động sản Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Vĩnh Trân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn MIKGroup, chính sách thắt chặt tín dụng là một cách để giảm bớt bong bóng bất động sản khi các công ty bất động sản không coi ngân hàng là “mỏ tiền” để khai thác.

Ông Nguyễn Vĩnh Trân

Ông Nguyễn Vĩnh Trân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn MIKGroup.

Phân tích về tác động của việc siết chặt tín dụng với doanh nghiệp Việt, ông Trân cho rằng: “Lâu nay, hầu hết công ty bất động sản đều phụ thuộc vào nguồn vốn đến từ ngân hàng. Rồi, họ phải bán hàng để kiếm tiền trả cho ngân hàng. Nếu không bán được sẽ xảy ra tình trạng nợ xấu vì tiền đầu tư không phải là vốn tự có.

Chính sách thắt chặt tín dụng sẽ buộc các công ty bất động sản khi triển khai dự án phải có phương án và kế hoạch rõ ràng. Họ phải suy nghĩ như một nhà bán hàng chuyên nghiệp, huy động dòng tiền ra sao, quản lý vốn như thế nào và đâu là kế hoạch để tăng lợi nhuận. Vì phải tính toán kỹ lưỡng, họ sẽ giảm bớt được những quyết định bốc đồng trong kinh doanh”.

Cũng theo vị lãnh đạo của Tập đoàn MIKGroup, “khi ngân hàng cho vay có hạn mức, doanh nghiệp sẽ phải tìm những nhà đầu tư để giúp họ triển khai dự án. Vì thực tế rất khó để tạo ra một dự án mà có thể kỳ vọng 100% vốn người mua. Đây là lý do khiến nhà đầu tư buộc phải có một nguồn vốn ban đầu.

Trong trường hợp ngân hàng “hẹp” cánh cửa cho vay thì doanh nghiệp trong nước phải tìm kiếm một nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đã mở ra một thị trường bất động sản nhộn nhịp hơn trong những năm gần đây khi chứng kiến cái "bắt tay" giữa nhà đầu tư Việt và nước ngoài”.

 

Theo Reatimes.vn