Bộ Y tế cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận 30 ca mắc Covid-19. Đáng chú ý, chỉ trong vòng 3 ngày từ 5/3 -  8/3, đã ghi nhận 4 trường hợp, có tới 11/14 ca mắc mới đi cùng chuyến bay từ London về Hà Nội với 4 người ở Hà Nội..

Ngày 8/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona nhận định, Việt Nam đã bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 khi ca bệnh thứ 17 xuất hiện. Đây là giai đoạn khó khăn hơn khi dịch đã lan ra hơn 101 quốc gia và vùng lãnh thổ, nên phải ngăn chặn dịch bệnh từ trăm ngả và virus đã xâm nhập vào nước ta.

Cũng theo Phó Thủ tướng, những ngày sắp tới nếu có vài chục, vài trăm ca nhiễm cũng không có gì bất ngờ. Chúng ta đã lường trước mọi tình huống, có kịch bản sẵn sàng ứng phó với tình huống, ngay cả khi có hàng ngàn ca nhiễm.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống dịch của Thành phố Hà Nội, người đứng đầu chính quyền Thành phố Nguyễn Đức Chung đánh giá, người dân đóng vai trò quan trọng để việc phòng, chống dịch Covid- 19 đạt hiệu quả.

Vì vậy, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục công tác tuyên truyền, công khai, minh bạch thông tin để người dân nắm bắt thông tin dịch bệnh, chủ động bảo vệ sức khỏe cho mình, gia đình và cộng đồng; phát hiện kịp thời trường hợp nghi ngờ, đi về từ vùng dịch nhưng không tự giác khai báo; người dân tự giác khai báo tình trạng sức khỏe, lịch trình di chuyển; chủ động thực hiện cách ly tại cơ sở lưu trú.

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp, mỗi người nên chủ động bảo vệ sức khỏe cho mình, cho gia đình và cộng đồng.

Để tránh rơi vào tình trạng hoang mang, đồng thời bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh, mỗi người cần phải nắm chắc thông tin về việc phân loại người nhiễm và nghi nhiễm Covid-19. Vậy thế nào là ca bệnh F0, F1, F2, F3...?

Theo các chuyên gia y tế, mỗi cá nhân có thể tự xác định, nếu là:

F0: Ca dương tính thì đi điều trị và cố tự phục vụ để hạn chế lây cho mọi người

F1: Cần báo cho y tế quận và đi cách ly tại bệnh viện, đồng thời tự báo cho F2 của mình

F2: Cần báo cho y tế quận rồi làm theo hướng dẫn cách ly, và tự báo cho F3.

F3: Cần tự cách ly tại nhà

F4, F5: Cần theo dõi cập nhật tình hình của các F trên.

Tình trạng F có thể thay đổi tùy kết quả xét nghiệm của các F trên nên cần báo y tế quận để nhận được thông tin sớm nhất.

+ Không biết mình là F gì thì hãy cách ly khi ho sốt.

Khuyến cáo cụ thể của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội về sơ đồ phân loại cách ly người nhiễm, nghi nhiễm hoặc tiếp xúc gần và cách thực hiện cách ly tại nhà hoặc cơ sở lưu trú.

Cũng theo các chuyên gia, bạn hãy luôn mang theo chai rửa tay bên mình. Hãy rửa tay và thường xuyên lau dọn nhà cửa, đồ dùng. Trong thời điểm này, đừng chạy đi tị nạn ở chỗ khác vì chỉ khi mình ở nơi thân quen, có nguồn lực và mối quan hệ xã hội tốt thì mới chủ động xử lý các tình huống xấu theo cách tốt nhất.

Theo Mộc Trà/Đô Thị Mới