Start-up Việt khó tiếp cận thị trường vốn
Không phải ngẫu nhiên mà những năm nay gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tạo mọi điều kiện thuận lợi về nguồn vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.
Trong cơ cấu nguồn tiền dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nguồn vốn ngân sách Nhà nước xem là vốn mồi. Còn cơ bản là vốn từ các quỹ: Quỹ đầu tư, quỹ khởi nghiệp, quỹ mạo hiểm và vốn từ hệ thống ngân hàng thương mại. Một kênh huy động nữa kỳ vọng đó là sàn chứng khoán riêng cho khởi nghiệp.
Tất nhiên sàn đó tiêu chuẩn thấp chỉ tương đương với sàn Upcom. Đấy là một hướng đi khá tốt nhưng cần tiếp tục nghiên cứu. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể huy động từ vốn ở nước ngoài… Tuy nhiên, thường các phương án này dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp đã khẳng định được một chân trên thị trường.
Lý thuyết mà nói thì vốn từ ngân hàng chỉ nên chiếm một phần nào đó. Nhưng thực tế, doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam thường phải dựa vào ngân hàng với tài sản đảm bảo của cá nhân hay công ty. Bởi với một doanh nghiệp có đủ sức để kêu gọi các quỹ đầu tư và dòng vốn nước ngoài thì đó cũng là một doanh nghiệp khởi nghiệp có tên tuổi. Nhưng doanh nghiệp cực nhỏ, mới ra đời chỉ có thể dựa vào vốn tự có và vay ngân hàng có đảm bảo.
Một điểmkhó nữa ở yếu tố tâm lý, đầu tư cho vay doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung cũng có nhiều rủi ro. Các doanh nghiệp này chưa có nhiều kinh nghiệm nên xác suất không thành công cũng sẽ xảy ra. Do đó, khó có thể kêu gọi các nguồn vốn khác, đặc biệt ở Việt Nam.
Phong trào khởi nghiệp còn nhiều khó khăn do hệ sinh thái khởi nghiệp chưa hoàn chỉnh, đặc biệt gần như còn thiếu các quỹ đầu tư mạo hiểm. Đến hết năm 2017, Việt Nam có khoảng 40 quỹ đầu tư hoạt động, nhưng đa phần là quỹ của nước ngoài (IDG Ventures, CyberAgent Ventures, DJF-Vina Capital, 500 Start-up…). Do đó, có hay không môi trường tốt để sống còn và cơ hội để phát triển, các doanh nghiệp khởi nghiệp đang chờ đợi quyết sách từ Chính phủ.
Đừng để Nghị định 20 cản trở doanh nghiệp Star-up
Chính phủ ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) có hiệu lực từ ngày 1/5/2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Trong đó Nghị định 20 quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của doanh nghiệp".
Sau hơn 1 năm đi vào đời sống doanh nghiệp, Nghị định được cho là có ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp trong nước, trong đó, doanh nghiệp khởi nghiệp tỏ ra khó khăn hơn là nhận được cơ hội phát triển.
Trao đổi với Reatimes, ông Nguyễn Mạnh Tưởng, Phó Giám đốc Công ty Công nghệ CRM Việt cùng nỗi trăn trở như các doanh nghiệp khởi nghiệp khác về câu chuyện vốn và Nghị định 20: “Tôi thấy áp trần phí lãi vay theo Nghị định 20 chưa hợp lý, nhất là với doanh nghiệp Start –up. Việc vay nợ là hoạt động rất bình thường, đặc biệt là công ty khởi nghiệp. Bởi đây là giai đoạn doanh nghiệp cần vốn hơn bao giờ hết. Dù nguồn vốn nhỏ bé cũng phải vay vìkhi mới ra đời, họ ở giai đoạn đang đầu tư sản phẩm làm marketing”.
Theo ông Tưởng, thị trường vốn ở Việt Nam vốn đã không tốt. Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn thì quy định này mang tính hành chính, không tiến bộ và không tuân theo quy luật cung cầu của thị trường về vốn.
Mục đích ban đầu của Nghị định là góp phần kiểm soát hoạt động chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp xuyên quốc gia. Tuy nhiên, ngay mục đích và khái niệm đã cho thấy hoàn toàn không phù hợp với những đối tượng còn lại. Các doanh nghiệp khởi nghiệp đang cuống cuồng lo vốn để sống thì sao phải gánh thêm trách nhiệm chống chuyển giá cho các doanh nghiệp khác?