Những ngày gần đây, tại nhiều tuyến phố như Hồ Tùng Mậu, Tôn Thất Thuyết (Cầu Giấy) Kim Ngưu (Hai Bà Trưng), Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa), khu đô thị Văn Phú (Hà Đông) xuất hiện nhiều điểm kinh doanh mít Thái với băng rôn kêu gọi người tiêu dùng Thủ đô “giải cứu” với giá bán khá rẻ, 6.000-10.000 đồng/kg.
Ngoài ra, trên các trang mạng xã hội, một số cá nhân bắt đầu kêu gọi hoặc đứng ra nhận bán mít Thái online với mức giá dao động từ 6.000-12.000 đồng/kg. Trên hội nhóm Dân Tân Mai, nick name Trà Tiên chia sẻ, nhà có người thân chở nông sản lên cửa khẩu Lạng Sơn nhưng không xuất được hàng sang Trung Quốc nên chị rao bán mít trên trang facebook cá nhân với giá 8000 đồng/kg qua đó hỗ trợ người thân thu hồi vốn.
Khảo sát của phóng viên, tại hệ thống bán lẻ TP Hà Nội cho thấy, trong khi giá bán “giải cứu” mít Thái khá rẻ thì ở các chợ truyền thống, siêu thị giá mít Thái chỉ giảm nhẹ so với ngày thường. Tại chợ Thành Công (quận Ba Đình) mít Thái còn nguyên xơ giá bán 20.000-25.000 đồng/kg, đối với loại bóc sẵn 40.000 đồng/kg. Tại siêu thị Vinmart Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa), mít Thái bóc sẵn giá bán lên đến 67.800 đồng/kg.
Lý giải nguyên nhân khiến giá bán mặt hàng này tại chợ truyền thống, siêu thị cao gấp 2-3 lần sản phẩm kêu gọi “giải cứu”, tiểu thương kinh doanh mặt hàng hoa quả có chung ý kiến, giá bán các loại trái cây phải qua nhiều khâu trung gian từ nhà vườn đến chợ đầu mối rồi tới chợ truyền thống giá cũng vì thế mà tăng lên qua mỗi khâu. Trong khi mít Thái xuất khẩu sang Trung Quốc được thu mua với số lượng lớn, không qua nhiều khâu trung gian nên giá bán thấp hơn.
Thông tin từ các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn Hà Nội như AEON, Co.op Mart cho thấy những đơn vị này sẵn sàng hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm mít Thái đang ách tắc khi xuất khẩu. Trưởng phòng thu mua ngành thực phẩm tươi sống khu vực miền Bắc, Công ty TNHH AEON VN (doanh nghiệp quản lý khai thác hệ thống siêu thị AEON) thông tin, nếu doanh nghiệp có nhu cầu đưa vào tiêu thụ nội địa, chúng tôi sẽ hỗ trợ đưa hàng vào hệ thống siêu thị. Tuy nhiên sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tương tự Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, hệ thống bán lẻ Co.op Mart tại Hà Nội sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm mít Thái, chấp nhận bán hàng không lợi nhuận để kích cầu tiêu dùng.
Mặc dù người dân, hệ thống bán lẻ đã hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ nông sản nhưng theo các chuyên gia kinh tế, để hạn chế tình trạng này đòi hỏi người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu phải thay đổi tư duy trong quá trình xây dựng kế hoạch sản xuất, không triển khai theo phong trào.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/un-u-cua-khau-trai-cay-gia-re-quay-ve-ha-noi-cho-giai-cuu-444772.html