Vừa trúng tuyển đại học sau đợt xét tuyển nguyện vọng, nhiều sinh viên từ các vùng quê khác nhau về Hà Nội làm thủ tục nhập học chuẩn bị cho việc học tập lâu dài tại trường đại học đã phải nhao nhác tìm phòng trọ.

Có được một chỗ ở trong kí túc xá trường là mong muốn của nhiều sinh viên vì giá cả hợp lý, các dịch vụ thiết yếu đi kèm luôn được đảm bảo. Nhưng do các phòng ở trong kí túc xá nhiều trường còn hạn chế nên ưu tiên cho sinh viên thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh dân tộc, miền núi... được vào khu kí túc xá của trường. Còn lại phần lớn tân sinh viên thì phải tự chủ động trong việc tìm chỗ ăn ở để phục vụ cho việc học tập của mình.

tan sinh vien gian nan tim phong tro
Dãy phòng trọ khá chật hẹp lối đi và hầu như lúc nào cũng tối.

Lê Thị Thu, sinh viên năm nhất trường Đại học Ngoại thương, sau 3 ngày rong ruổi khắp các ngõ ngách Hà Nội bất kể nắng mưa, không biết đường xá, cứ chỗ nào có treo biển cho thuê nhà là vào hỏi, mới tìm được chỗ trọ.

"Vì không có xe nên muốn ở gần trường cho tiện việc đi lại học tập.Các phòng trọ ở gần trường tôi xem giá từ 2 đến 3 triêu đồng/tháng, chưa kể điện nước tính ra đến cả nửa tấn lúa bố mẹ làm vất vả ở quê mới đủ thuê trọ một tháng”, Thu cho biết.

Rời quê lên Hà Nội nhập học tân sinh viên Hoàng Văn Long, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cảm thấy gian nan trong việc tìm một chỗ trọ bởi gần đây nơi nào phòng trọ cũng chật hẹp mà giá cao.

tan sinh vien gian nan tim phong tro
Một phòng trọ sinh viên tạiphố Chính Kinh,quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Long chia sẻ: “Hôm đến trường làm thủ tục nhập học các bạn chỉ xoay quanh việc tìm phòng trọ ở đâu, giá ra sao. Em và một số bạn cùng quê thống nhất chia nhau đi tìm chỗ trọ theo những tờ quảng cáo dán trên các cột điện hay các bức tường. Dù mục tiêu đề ra là gần trường, gần bến xe buýt nhưng đi tìm thì thấy những nơi đó giá phòng khá cao.

Cuối cùng em và một số bạn chấp nhận thuê một phòng ở Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội với giá 2 triệu đồng 1 tháng. Ở đây phòng khá chật nhưng giá “mềm” hơn các khu khác tuy nhiên tiền điện là 4000 đồng/1 số, nước 50.000 đồng/1 người, tiền vệ sinh 50.000 đồng/1 tháng , nếu dùng internet đóng 100.000đ/ tháng”.

Theo khảo sát trên địa bàn các quận, huyện tại khu vực quận Đống Đa gần các trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Thủy lợi, Đại học Công đoàn, Học viện Ngân hàng. Quận Cầu Giấy gần trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Thương mại. QuậnThanh Xuân gần trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Kiến trúc, Đại học Hà Nội... phòng trọ có diện tích từ 10 đến 25m2 có giá cho thuê từ 1,5 đến 3,5 triệu đồng/tháng chưa điện nước và các khoản phí khác. Mức giá này so với năm ngoái đã tăng vài trăm nghìn đồng/1 phòng.

Bà Lê Thị Lan, chủ một nhà trọ tại ngõ 40, phố Chính Kinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, giá phòng trọ bà cho thuê hiện tăng hơn so với thời điểm này năm ngoái. "Chúng tôi chỉ treo biển cho thuê nhà từ sáng tới chiều nhưng sinh viên đã đổ xô tới xin thuê. Chỉ trong hai ngày treo biển, nhà tôi đã hết phòng cho thuê", bà Lan nói.

tan sinh vien gian nan tim phong tro
Một phòng trọ sinh viên tại phố Chính Kinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Những sinh viên đi thuê nhà, hầu hết mới lần đầu tới Thủ đô nên chuyện bị chủ nhà trọ bắt chẹt nâng giá là không hiếm. Tình trạng bị lừa mất tiền oan cho “cò” môi giới cũng diễn ra thường xuyên.

Trong vai sinh viên đi thuê nhà, chúng tôi đã biết nhiều tình huống éo le khi gặp phải các “cò” nhà trọ. Tới ngõ 13, đường Khuất Duy Tiến, uận Thanh Xuân, Hà Nội xem các tờ quảng cáo cho thuê phòng kèm theo số điện thoại.

Khi gọi vào một số điện thoại thì chúng tôi được gặp một người phụ nữ xưng tên là Trung. Sau phần giới thiệu hấp dẫn về phòng trọ thì người này dò hỏi chúng tôi là sinh viên năm nhất mới nhập học sao? Rồi cho biết mình không phải chủ phòng trọ nên muốn đi xem phòng thì mất phí 100.000 đồng tiền dẫn đi. Nếu thuê phòng thì tháng đầu tiên phải trả thêm 600.000 đồng tiền công.

Không ít sinh viên vì vậy mà mất oan với “cò” khi trót đồng ý trả phí để được dẫn đi xem phòng từ việc gọi các số trong tờ rao vặt. Vì sau khi đi xem mà không thuê được phòng bởi không ưng ý, hoặc giá cả lúc đó đã bị nâng lên.

Nhà trọ cho sinh viên đã và đang là vấn đề nóng, nhất là đối với các tân sinh viên trúng tuyển vào các trường đại học nhất là ở Hà Nội. Để giúp sinh viên bớt đi nỗi lo tìm chỗ ở, nỗi nhớ nhà để yên tâm học tập, rất mong có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội trong đó vai trò quan trọng thuộc về hội sinh viên, ban quản lý kí túc xá và sự cảm thông của các chủ nhà trọ.

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/tan-sinh-vien-gian-nan-tim-phong-tro-159292.html

Theo Pháp luật xã hội