Tăng cường công tác phòng chống tai nạn chung cư
Cụ thể, UBND thành phố đề nghị các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em, phòng, chống trẻ em bị rơi, ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng.
Theo đó, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và bản thân trẻ em về phòng, chống tai nạn thương tích nói chung; phòng, chống đuối nước trẻ em, tai nạn giao thông, tai nạn do bị rơi, ngã từ các khu chung cư, nhà cao tầng, tai nạn do bỏng, cháy nói riêng.
Thường xuyên rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn hoặc có nguy cơ cao xảy ra tai nạn để có các biện pháp chủ động phòng, chống, khắc phục, sửa chữa nhằm loại bỏ những nguy cơ gây tai nạn thương tích trẻ em như làm rào chắn, biển chỉ dẫn; lưới an toàn tại các hành lang, cửa sổ, ban công khu chung cư, nhà cao tầng; lối thoát hiểm tại các nhà cao tầng khi gặp hỏa hoạn...
Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống tai nạn, thương tích; đặc biệt thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật và quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 05 -2008/BXD về Nhà ở và công trình công cộng - An toàn sinh mạng và sức khỏe đối với các công trình xây dựng của chủ đầu tư và đơn vị quản lý, sử dụng công trình để bảo đảm an toàn cho trẻ em.
Đừng "xem thường" cửa sổ và ban công
Trong thời gian qua, đã có không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra liên quan đến tai nạn ngã từ trên cao tại các khu chung cư khiến dư luận xôn xao, lo lắng. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ lan can, lôgia nhưng nhiều gia đình sống tại các khu chung cư, nhà cao tầng vẫn rất chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Mới đây nhất là trường hợp ngày 28/02/2021, một bé gái 3 tuổi ở tòa nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bất ngờ bò từ trong nhà rồi trèo ra lan can. Sau đó, bé gái bám vào lan can, treo mình lơ lửng. Một số người dân ở tòa bên cạnh phát hiện sự việc đã hô hoán người tới cứu giúp. Lúc này, một người đàn ông phía dưới trèo lên mái che của sảnh và may mắn kịp thời đỡ được cháu bé thoát khỏi "tử thần".
Những tai nạn trẻ em rơi chung cư như một hồi chuông cảnh báo đối với tất cả cư dân đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ về sự an toàn ở các chung cư cao tầng, khi lan can, giếng trời, cửa sổ không song sắt đều trở thành những cái "bẫy" cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ em đang ở lứa tuổi hiếu động, mải chơi, không để ý nguy cơ tiềm ẩn xung quanh mình. Tuy nhiên, điều đáng báo động là dù nhiều vụ việc đau lòng từng xảy ra, báo chí, mạng xã hội đăng tin liên tục nhưng nhiều gia đình vẫn còn chủ quan, mất cảnh giác hoặc nhận thức chưa đầy đủ về thực hiện các biện pháp an toàn, che chắn cửa sổ, ban công
Theo ghi nhận thực tế, tại các chung cư nơi xảy ra hàng loạt sự việc đau lòng, cửa sổ của các căn hộ không hề có chấn song. Trong khi đó, rất nhiều gia đình lại kê giường ngủ ngay dưới cửa sổ. Về phía ban công, các hộ dân thường sử dụng để bố trí máy giặt, trồng cây cảnh... vô tình tạo điều kiện cho trẻ có thể leo trèo lên các vật dụng này và khả năng xảy ra tai nạn là rất cao.
Nhiều người cho rằng thiết kế xây dựng các khu nhà cao tầng, chung cư cần quan tâm đến các yếu tố như cửa sổ có khung bảo vệ; lan can hành lang làm cao hơn và khít để tránh trẻ em leo trèo nhằm tránh tai nạn thương tâm xảy ra. Trả lời về vấn đề này, đa số chủ dự án, ban quản lý của các khu chung cư đều cho biết việc thiết kế, xây dựng đã được các cơ quan chức năng kiểm tra và thông qua, đảm bảo an toàn cho cư dân. Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng, nhận thấy có phát sinh vấn đề bất cập đối với gia đình có con nhỏ, ban quản lý cũng đã khuyên nên chủ động lắp đặt thêm chấn song nơi cửa sổ và gắn lưới an toàn tại khu vực lan can nhưng không phải gia đình nào cũng thực hiện theo.
Chính vì vậy, ý thức của mỗi gia đình - là yếu tố tiên quyết trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ khi sống tại chung cư bởi trên thực tế, trẻ ở độ tuổi từ 5 - 10 tuổi, hiếm có trẻ nào ý thức được những mối nguy hiểm xung quanh mình bởi đó là độ tuổi rất hiếu động, thích chạy nhảy, leo trèo, khám phá mọi thứ xung quanh. Thế nhưng, trong căn nhà của chúng ta lại có vô vàn những mối hiểm nguy đang chực chờ trẻ, có những thứ vô hại đối với người lớn nhưng lại là mối đe dọa đến sự an toàn của trẻ nhỏ. Cho dù có người lớn ở nhà mà không để ý đến trẻ thì cũng không chắc có thể kiểm soát được tất cả các tình huống bất ngờ xảy ra.
Ngày 31/12/2019, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 21 Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà chung cư. Trong đó nêu rõ: Nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp phải tuân thủ các quy định về an toàn sinh mạng và sức khỏe theo quy chuẩn 05 của Bộ xây dựng.
Theo đó, để bảo vệ khỏi ngã, xô và va đập, quy chuẩn 05 của Bộ xây dựng có quy định về lan can như sau:
- Chiều cao tối thiểu của lan can logia và sân thượng ở các vị trí cao từ 9 tầng trở lên đối với nhà ở, cơ quan, trường học, công sở và các công trình công cộng phải từ 1400mm (1,4m) trở lên, ở các vị trí khác, chiều cao tối thiểu phải từ 1,1m.
- Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng thì lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu đường kính 100mm. Vì thế không nên bố trí các thanh ngang để trẻ tựa chân trèo qua lan can.
Về an toàn sử dụng kính, quy chuẩn 05 có quy định: Cửa sổ, cửa mái và cửa thông gió phải đảm bảo đóng, mở hoặc điều chỉnh độ mở một cách an toàn.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/tang-cuong-cong-tac-phong-chong-tai-nan-chung-cu-20201231000002260.html