Thông tin từ Tổ chức Chương trình Định cư con người Liên Hiệp Quốc (UN Habitat) cho biết, các thành phố tiêu thụ 78% năng lượng của thế giới và tạo ra hơn 60% lượng khí thải nhà kính, nhưng chúng chỉ chiếm chưa đến 2% bề mặt Trái Đất. Chỉ tính riêng ngành xây dựng chịu trách nhiệm cho 37% lượng khí thải CO2, với các vật liệu xây dựng như xi măng chiếm 10% lượng khí thải toàn cầu.

Trong khi đó, ngành xây dựng thế giới đang sử dụng khoảng 3 tỉ tấn nguyên liệu thô mỗi năm, bao gồm cát, gỗ và quặng sắt, con số này chiếm tới 40% tổng nguyên liệu sử dụng toàn cầu.

Tại các địa điểm xây dựng và phá dỡ tạo ra hàng núi phế thải, bao gồm cả các vật liệu thừa thãi, lãng phí. Bỉ là một ví dụ, riêng hoạt động xây dựng ở thủ đô Brussels chiếm khoảng 30% tổng số rác của thành phố mỗi năm. Đó là chưa kể khí thải carbon.

Tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả hơn trong lĩnh vực xây dựng toàn cầu
Tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả hơn trong lĩnh vực xây dựng toàn cầu

Trên thực tế, việc xây dựng được một tòa nhà mới bắt buộc phải cần đến một lượng lớn năng lượng, đồng thời thải ra hàng tấn khí thải carbon. Chỉ riêng ngành xây dựng đã chiếm khoảng 10-15% tổng lượng khí thải CO2 của toàn cầu - tùy theo cách tính phí môi trường.

Hầu hết lượng khí thải này đều sản sinh từ các hoạt động sản xuất sắt, thép và xi măng. Nhìn bên ngoài, xi măng có thể chỉ trông giống như một khối xám đục, nhưng ngành công nghiệp xi măng lại là một tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất.

Đặc biệt, có hơn 11.000 công trình xây dựng mới được hoàn thành mỗi ngày trên khắp thế giới. Với sự phát triển chóng mặt như vậy đi kèm với một nhu cầu khổng lồ về nguyên liệu thô chính là tác nhân hủy hoại môi trường sống của nhân loại.

Thống kê sơ bộ năm 2019 của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho thấy, khoảng 50 tỉ tấn cát được sử dụng mỗi năm, trở thành vật liệu có nhu cầu lớn nhất trên thế giới. Việc khai thác cát đang làm ô nhiễm các dòng sông, giết chết nhiều động, thực vật và các loài thủy sinh khác, làm xói mòn đất và đe dọa cuộc sống và sinh kế của rất nhiều người.

Ước tính, thế giới đang mất đi diện tích cây trồng gần bằng diện tích của Vương quốc Anh mỗi năm. Điều đó đồng nghĩa với việc môi trường sống bị hủy hoại và đất đai bị xói mòn, chưa kể đến việc mất đi một trong những công cụ tốt nhất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Đó là cây cối.

Trước thực trạng trên, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Anh), bà Inger Andersen, người đứng đầu Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) vừa kêu gọi thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong ngành xây dựng.

“Tổng diện tích các tòa nhà đang được xây dựng mỗi tuần tương đương với diện tích của Paris (Pháp), do đó, chúng ta cần suy nghĩ điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến khí hậu, đa dạng sinh học, khả năng sống và chất lượng cuộc sống. Chúng ta cần phải xây dựng hiệu quả hơn”, bà Andersen cho biết.

Theo UNEP, chỉ có 19 quốc gia bổ sung các quy định về hiệu quả năng lượng cho các tòa nhà và áp dụng chúng. Đáng chú ý, hầu hết các hoạt động xây dựng trong tương lai sẽ diễn ra ở các quốc gia không có các biện pháp này.

“Chúng ta đã không dành nhiều sự quan tâm đến khả năng phục hồi, một tòa nhà đủ tiêu chuẩn được xây dựng ngày nay sẽ vẫn được sử dụng vào năm 2070 và tác động khí hậu mà nó phải hứng chịu sẽ rất khác. Việc cải tạo hay phục hồi có thể mang lại hiệu quả và tạo điều kiện sống ở mức độ cao”, bà Andersen nhấn mạnh.

Vì vậy, thế giới cần thúc đẩy sự chuyển đổi sang các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, xây dựng các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Đồng thời kêu gọi các Chính phủ tăng cường tham vọng nếu muốn thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0.

Theo Kinh Tế Môi Trường

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/tang-cuong-su-dung-nang-luong-hieu-qua-hon-trong-linh-vuc-xay-dung-toan-cau-61075.html