Vấn đề cần được hiểu rõ nhất là câu chuyện tăng tuổi tuổi hưu. Chúng ta phải xác định rằng nếu với lộ trình áp dụng Luật Lao động sửa đổi như hiện nay thì tới năm 2036, người phụ nữ đầu tiên mới nghỉ hưu ở độ tuổi lao động mà luật sửa đổi đề xuất, tức là tuổi 60.
Và đến 2029 người nam giới ở dạng lao động bình thường mới nghỉ hưu ở tuổi 62. Không phải bây giờ nói nghỉ hưu là chúng ta hình dung rằng sẽ nghỉ hưu tất cả. Hiện nay trong công nhân và nhiều lực lượng đang chưa hiểu đúng vấn đề của chuyện tăng tuổi nghỉ hưu .
Điều kiện để nâng tuổi nghỉ hưu như Dự thảo Bộ luật đề xuất là dành riêng cho những lao động làm việc trong điều kiện bình thường. Những đối tượng suy giảm sức khỏe, suy giảm lao động, lao động trong điều kiện nặng nhọc... sẽ có chính sách khác, những đối tượng này không những không tăng tuổi hưu mà còn được giảm tuổi hưu xuống 5 năm.
Bên cạnh đó, để tận dụng tối đa trình độ, kinh nghiệm của lực lượng lao động có trình độ cao như giáo sư, phó giáo sư; tận dụng những người làm việc trong một số ngành nghề đặc biệt như tòa án, kiểm sát... thì các đối tượng này có thể kéo dài tuổi lao động thêm 5 năm.
Ngoài ra dự thảo nghị định chúng tôi còn thiết kế một mục dành cho những trường hợp đặc biệt như suy giảm sức khỏe 61% thì sẽ được quyền lựa chọn tuổi hưu, trong dự thảo của Luật Lao động sửa đổi dự kiến có thể nghỉ sâu tới 10 năm. Những đối tượng bị suy giảm sức khỏe tới 81% thì bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng được nghỉ hưu ngay.
Chúng tôi cũng thiết kế đồng bộ Luật Lao động sửa đổi sao cho đồng bộ với các luật khác, ví dụ như bảo hiểm. Người lao động có thể đóng bảo hiểm thấp xuống mức còn 15 năm và tiến tới sẽ là 10 năm. Nghĩa là Luật Lao động sẽ đồng bộ với các luật khác chứ không phải nói tăng tuổi hưu là tăng cứng nhắc.
Bản chất việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu không chỉ tăng nguồn lực cho tương lai mà điều quan trọng để kéo dài thời gian làm việc cho người lao động. Người này tích luỹ quỹ hưu trí tăng lên, khi về hưu, tiền lương hưu cao hơn bình quân bây giờ. Việc này sẽ giúp giải quyết các vấn đề khó khăn về đời sống, đảm bảo tuổi già khi hết tuổi lao động.
“Bản chất tuổi nghỉ hưu hiện nay dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đưa ra chỉ có điểm khác là nâng lên đến 62 với nam và 60 với nữ. Nhưng tăng tuổi nghỉ hưu đi theo lộ trình mỗi năm tăng vài tháng chứ không phải tăng ngay trong năm 2021. Theo đó, 15 năm (phương án 1) hoặc 10 năm (phương án 2) người lao động mới nghỉ hưu ở độ tuổi tối đa đó.
Cơ bản tuổi nghỉ hưu vẫn như gốc của điều 187 Bộ luật Lao động hiện hành, tức là có 3 nhóm nghỉ hưu.
Nhóm một, nam tăng lên 62 tuổi, nữ lên 60 tuổi nhưng đó chỉ là người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, tức điều kiện tốt. Đối tượng này chiếm tỉ lệ ít, chủ yếu rơi vào công chức, viên chức.
Nhóm 2, người lao động làm việc trong điều kiện bị tác động của quá trình lao động nên suy giảm khả năng lao động đến 61% thì vẫn được nghỉ hưu sớm. Nếu người lao động làm việc ở môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm kết hợp cùng suy giảm khả năng lao động thì có thể về hưu sớm đến 10 năm, tức nam ở tuổi 50 và nữ dưới 50.
Nhóm 3, những người làm công việc quản lý, chuyên môn kỹ thuật có trình độ cao và trường hợp đặc biệt thì Chính phủ quy định kéo dài thời gian nhưng không quá 5 tuổi, tức nam không quá 67, nữ không quá 65", ông Bùi Sỹ Lợi phân tích.
Tuy nhiên, ông Lợi cho rằng, để người dân, người lao động cả nước yên tâm, Chính phủ nên giao Bộ LĐ-TB&XH, Y tế xác định đâu là ngành nghề bị suy giảm khả năng lao động, đâu là ngành nghề bị tác động bởi yếu tố điều kiện lao động, ảnh hưởng sức khỏe.
Dự thảo luật nên kèm theo quy định điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phân theo 3 nhóm có các danh mục ngành nghề, quy định rõ lĩnh vực nào được giảm tuổi nghỉ hưu, để người lao động nhìn vào thấy được mình có thuộc diện đó hay không, từ đó đưa ra ý kiến.
Danh mục này phải được rà soát, cập nhật thường xuyên, nếu ngành nào được cải thiện điều kiện lao động, không còn độc hại nguy hiểm thì có thể cho ra khỏi danh sách và ngược lại.
Theo ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, Ủy viên Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu không phải đến lần sửa đổi Bộ luật Lao động này mới đưa ra, mà những năm trước khi thảo luận sửa đổi luật, đã có nhiều ý kiến đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu.
Đại biểu Phương cho biết, hiện có một số ý kiến nói rằng tăng tuổi nghỉ hưu chỉ có lợi cho những cán bộ lãnh đạo, người có chức có quyền. Ông cho rằng quan niệm như vậy là không hợp lý.
"Tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng, tuổi nghỉ hưu của các nước trên thế giới phổ biến là trên 60 đối với nữ, trên 62 đối với nam, thậm chí có quốc gia tuổi nghỉ hưu là 70 - 75 tuổi. Điều đó cho thấy tăng tuổi lao động đến thời điểm này là hợp lý, khi tuổi thọ của người dân tăng, sức lao động cũng tăng”, đại biểu Phương cho biết.
Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình, giải quyết việc làm, thất nghiệp, tránh gây sốc, tác động tiêu cực đến thị trường lao động.
"Dư luận cho rằng cán bộ công chức, viên chức, những người có chức có quyền muốn tăng tuổi nghỉ hưu trong khi người lao động trực tiếp, sử dụng chân tay, cơ bắp lại thấy nếu kéo dài thời gian làm việc thì không đảm bảo được sức khỏe cũng như hiệu quả công việc.
Đây là ý kiến cần cân nhắc, xem xét thấu tình đạt lý để đảm bảo luật có tính khả thi và nhận được sự ủng hộ của các đối tượng lao động”, đại biểu Hòa cho biết.
Ông kiến nghị, trước khi tăng tuổi nghỉ hưu Chính phủ cần có đánh giá rõ tác động tích cực và tiêu cực đối với thị trường lao động, phân rõ các nhóm lao động. Việc đánh giá tác động sẽ giúp đưa ra lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp và nhận được sự đồng thuận khi luật được ban hành.
"Tôi đánh giá cao quy định để người lao động được quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn 5 năm. Theo tôi, hiện có nhóm phụ nữ mong muốn tiếp tục đóng góp sau 55 tuổi, bên cạnh đó lao động trong khu vực độc hại, nghệ thuật, cô giáo mầm non thì hầu hết muốn nghỉ hưu sớm" - Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn BĐQH Băc Giang) cho biết
Nguồn: http://baodansinh.vn/tang-tuoi-nghi-huu-theo-lo-trinh-va-khong-cung-nhac-d98310.html