Một năm đầy thách thức của tài chính tiêu dùng

Năm 2022, kinh tế Việt Nam đã gặt hái được những thành quả tích cực với tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 8,02%. Tuy nhiên, bước sang quý IV/2022, những khó khăn bắt đầu xuất hiện và đang dần phản ánh vào đầu năm 2023. Trong đó, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu chậm lại khi tốc độ tăng trưởng giảm, các chỉ số như PMI, đơn hàng mới... cũng đều suy giảm. Trong tháng 1/2023, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể vượt xa số doanh nghiệp thành lập mới. Nhiều dự báo khó khăn sẽ còn tiếp diễn khi nhu cầu thị trường thế giới đang thu hẹp, tín dụng vẫn đang thắt chặt, lãi suất huy động tăng dần…

Theo đó, có rất nhiều doanh nghiệp phải giải thể vì không có đơn hàng, hoặc buộc phải tiết giảm chi phí bằng việc cắt giảm hàng loạt lao động, đặc biệt là công nhân, lao động bán thời gian. Đây cũng là nhóm khách hàng chính mà ngành tài chính tiêu dùng đang phục vụ. Điều này dẫn đến nhu cầu vay tiêu dùng sụt giảm mạnh. Hơn nữa, sau hơn 2 năm chống chọi với dịch bệnh, khả năng trả nợ của nhóm khách hàng này vẫn chưa thể phục hồi và duy trì ở mức thấp. Đó cũng là lý do vì sao các công ty tài chính nói chung và FE Credit nói riêng trải qua một năm khó khăn, dù trước đó hoạt động kinh doanh của Công ty hầu như không chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi làn sóng Covid-19 lần thứ nhất.

Vốn là lĩnh vực nhạy cảm với yếu tố vĩ mô, đặc biệt là phụ thuộc nhiều vào thu nhập, nhu cầu tiêu dùng của phân khúc lao động có thu nhập thấp - trung bình, thị trường tài chính tiêu dùng dường như vẫn chưa theo kịp đà phục hồi của nền kinh tế sau dịch, giờ đây lại tiếp tục đương đầu với nhiều thách thức trong năm 2023.

Các chuyên gia tài chính cho biết, NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) của các công ty tài chính tiêu dùng có thể sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn trong ngắn hạn do tác động từ các đợt tăng lãi suất gần đây. Đồng thời, khả năng trả nợ của khách hàng công ty tài chính tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi điều kiện kinh tế không thuận lợi. Do đó, việc phải trích lập dự phòng tăng cao của các công ty tài chính, bao gồm cả FE Credit (tăng 23% trong năm 2022), cũng là điều hiển nhiên khi bối cảnh vĩ mô có nhiều biến động. Tuy nhiên, nếu trong tương lai, tình hình kinh tế có nhiều yếu tố tích cực, thu nhập người dân, đặc biệt là nhóm có thu nhập trung bình - thấp dần ổn định thì khả năng trả nợ có thể tăng lên, đồng thời chi phí dự phòng đương nhiên sẽ thấp hơn và nhiều khả năng sẽ được hoàn nhập dự phòng.

Tập trung tái cơ cấu toàn diện, ưu tiên quản trị rủi ro ảnh 1

FE Credit sẽ nâng cao hiệu quả sản phẩm nhằm tăng tính cạnh tranh

Định hướng tăng trưởng chọn lọc và bền vững

Là công ty tài chính đầu ngành tại Việt Nam, lãnh đạo FE Credit cho biết, đã gặp nhiều khó khăn khi nhóm khách hàng thuộc phân khúc trọng tâm của Công ty chịu tổn thương nặng nề và chậm hồi phục trước bối cảnh nhiều doanh nghiệp đóng cửa và giải thể. Tính đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay (không bao gồm khoản vay hợp vốn) giảm 3,7%. Trong khi đó, trước những khó khăn chung thị trường, Công ty đã chủ động tăng trích lập dự phòng lên tới 23%.

Hoàn cảnh đó đòi hỏi FE Credit luôn phải tìm kiếm các nguồn huy động vốn một cách linh hoạt và khai thác hiệu quả nhằm đảm bảo thanh khoản cũng như duy trì "bộ đệm" dự phòng tốt nhất. Riêng trong năm 2022, FE Credit đã thu hút gần 9.400 tỷ đồng thông qua việc huy động vốn từ quốc tế, tăng tới 34% so với năm 2021. Đặc biệt, trong quý IV/2022, Công ty đã huy động thành công hơn 300 triệu USD từ 2 định chế tài chính uy tín hàng đầu. Cụ thể, tháng 10/2022, Công ty đã ký kết thành công khoản vay trị giá 166,25 triệu USD (tương đương 4.200 tỷ đồng) với Deutsche Bank - Chi nhánh Singapore. Ngay sau đó, tháng 11/2022, FE Credit tiếp tục nhận khoản vay trị giá 150 triệu USD (tương đương 3.750 tỷ đồng) từ tập đoàn tài chính hàng đầu Nhật Bản Mitsui Banking Corporation (SMBC).

Để có thể huy động vốn thành công, FE Credit đã đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ các định chế tài chính quốc tế. Không chỉ đảm bảo uy tín, số liệu công khai, minh bạch, doanh nghiệp còn phải thể hiện được năng lực tài chính vững mạnh, có phương án sử dụng vốn khả thi và đơn vị tư vấn chuyên nghiệp.

Nói về kế hoạch cho một năm đầy thách thức, Ban lãnh đạo FE Credit cho biết, Công ty đã dự đoán trước tình hình và xây dựng giải pháp cho các tình huống xấu nhất có thể xảy ra trong năm nay. Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là tái cấu trúc toàn diện, rà soát lại để chọn lọc phân khúc khách hàng, đồng thời triển khai chương trình thu hồi nợ mang tính hiệu quả cao và tinh chỉnh lại bộ máy. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ gắn với phương châm “tăng trưởng chọn lọc và chất lượng”.

Bên cạnh đó, FE Credit dự kiến tối ưu chi phí đầu tư, gia tăng lợi thế về quy mô, nâng cao hiệu quả sản phẩm và chi phí trên mỗi đơn vị sản phẩm nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Trong bối cảnh vĩ mô gặp nhiều thách thức, FE Credit cũng sẽ ưu tiên việc quản trị rủi ro và cân bằng chất lượng tài sản nhằm hướng đến sự phát triển bền vững.

Cụ thể, đối với công tác thu hồi nợ, Công ty tập trung nâng cao chất lượng xử lý tín dụng thông qua việc xếp loại khách hàng theo từng phân khúc cụ thể và tận dụng lợi thế từ Ngân hàng số Ubank trong việc tiếp cận và hỗ trợ khách hàng thanh toán. Đồng thời, chủ động xây dựng quy trình xử lý nợ lành mạnh bằng những quy chế, quy tắc nghiêm ngặt. Cùng với đó, FE Credit cũng chú trọng nâng cao chất lượng vận hành thông qua các cải tiến tính năng hệ thống, phát triển ứng dụng cho đội ngũ xử lý tín dụng.

Lãnh đạo FE Credit cho biết, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tiềm năng phát triển của ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam là rất cao do nhu cầu từ các cá nhân có thu nhập trung bình và thấp - là những người gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận các khoản vay ngân hàng. Tin rằng, với các giải pháp, chiến lược đưa ra, hoạt động kinh doanh của Công ty sẽ hồi phục trong cuối năm 2023.

Theo Hiểu Lam/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/tap-trung-tai-co-cau-toan-dien-uu-tien-quan-tri-rui-ro-20201231000010268.html