Buộc xe công nghệ "gắn mào" làm biến đổi bản chất dịch vụ
Từ khi Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô được đưa thảo luận, chủ đề về cách quản lý xe công nghệ đã tạo thành cuộc tranh luận chưa có hồi kết. Nhất là mới đây, khi mà Bộ GTVT trình dự thảo lần thứ 6, trong đó có điểm thay đổi đáng chú ý là định danh Grab, Uber như xe taxi và buộc phải dán logo "taxi", "gắn mào"... càngtạo ra nhiều ý kiến phản hồi hơn. Một khi đã là doanh nghiệp vận tải, đương nhiên các hãng xe công nghệ sẽ phải đáp ứng hàng loạt các điều kiện kinh doanh mà luật pháp đang quy định.
Hồi tháng 7/2018, tại buổi họp lấy ý kiến về dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định bản chất hoạt động của loại hình xe công nghệ giống taxi truyền thống nên cần có những quy định tương đồng nhằm tạo sân chơi bình đẳng. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định rất khuyến khích phát triển phần mềm công nghệ, ứng dụng công nghệ trong quản lý. Tuy nhiên, nếu đơn vị tham gia vào các hoạt động vận tải cần được hiểu là đơn vị kinh doanh vận tải. "Ví dụ như loại hình Uber, Grab, anh tham gia, quản lý, điều hành, quyết định giá cước… Đặc biệt, khi xảy ra tai nạn cho hành khách anh "phủi" trách nhiệm đâu được. Còn nếu anh bán phần mềm cho doanh nghiệp, sau đó doanh nghiệp họ kinh doanh, tính tiền không thể xem là đơn vị vận tải được", ông Thể nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nhận định này của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã nhận lại sự phản đối từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Trong một văn bản gửi Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, VCCI cho rằng, những quy định như dự kiến tại Dự thảo chưa cho phép điều chỉnh loại hình mang tính nền tảng mở như Grab, đồng thời chưa đặt ra được cơ chế thích hợp cho mô hình mới này. Về nội dung "tham gia, quản lý, điều hành, quyết định giá cước" như Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề cập, VCCI bày tỏ không rõ khái niệm “điều hành”, “quyết định giá” trong trường hợp này được hiểu như thế nào? Bởi về bản chất thì các hãng xe công nghệ như Grab, Uber, Fastgo... không thể quyết định điều xe hay giá cước mà chỉ có thể kết nối, cung cấp thông tin hành khách cho bên vận chuyển. “Mặc dù có rất nhiều tranh cãi, tất cả đều đồng thuận quan điểm cho rằng những công ty công nghệ, cung cấp ứng dụng kết nối như Grab là hình thức kinh doanh mới, không giống với các hình thức kinh doanh đã có trước đây. Do đó, việc áp đặt cơ chế quản lý cũ cho một hình thái kinh doanh mới là không hợp lý”, đại diện VCCI bày tỏ.
Do đó, có thể thấy, dù Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể luôn nói rằng Bộ GTVT sẽ cắt giảm tối đa các điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhưng trong thực tế, Dự thảo Nghị định 86 lại đang can thiệp quá sâu vào việc kinh doanh của doanh nghiệp. Thay vì chấp nhận một loại hình dịch vụ mới là xe công nghệ, Bộ GTVT lại muốn trói buộc, đưa về loại hình kinh doanh vận tải để dễ bề quản lý, cũng nhằm tránh phiền phức với các hãng taxi truyền thống.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Ngô Trí Long, loại hình hoạt động như Grab, Uber có thế mạnh là phát triển công nghệ phần mềm hiện đại, xử lý hệ thống dữ liệu lớn, kết hợp trí tuệ nhân tạo để đưa ra đề xuất kết nối giữa hành khách với phương tiện, tính hiệu quả rất cao. Từ đó, giúp hành khách và người lái xe tiết kiệm thời gian trong các cuộc trao đổi về giá cả, đồng thời góp phần tiết kiệm điều tiết giao thông vận tải trong giờ cao điểm. Do đó, nếu buộc xe công nghệ phải chịu sự quản lý như taxi truyền thống, điều đó sẽ làm biến đổi bản chất của hoạt động của đơn vị cung cấp hoạt động và triệt tiêu lợi thế, "hay nói cách khác bắt doanh nghiệp phải làm việc bằng tay trái, trong khi lợi thế của họ là tay phải" - TS. Ngô Trí Long bày tỏ.
GS.TS Từ Sỹ Sùa, Trường Đại học GTVT, cho rằng, dịch vụ vận tải hành khách rất phổ biến, có những yêu cầu nhất định về giá thành. Xe công nghệ có những lợi thế về giá, thậm chí thường xuyên khuyến mãi giảm giá nên khách hàng đón nhận rất nồng nhiệt. Với lợi thế ứng dụng công nghệ 4.0 và tận dụng lợi thế của kinh tế chia sẻ, xe công nghệ có nhiều ưu điểm nổi trội hơn taxi truyền thống. Theo ông Sùa, muốn quản lý xe công nghệ, hãy quản lý về nhận diện thương hiệu, cũng như cần có chế tài để buộc các đơn vị cung cấp dịch vụ này phải tôn trọng pháp luật giá của Việt Nam, phải có bảo hiểm cho hành khách và đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh. “Các doanh nghiệp cần lấy khách hàng làm trung tâm, phát triển hài hoà các lợi ích, hoạt động minh bạch công khai” – TS. Sùa nhận định.
Chủ động đổi mới trong thời kỳ hội nhập
Khi mà dự thảo Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô còn chưa biết có được thông qua hay không thì các hãng taxi truyền thống hay xe công nghệ chắc hẳn vẫn phải quan tâm đến một vấn đề: Nâng cao chất lượng phục vụ. Bởi chung quy, đó mới là điều đảm bảo một dịch vụ có tồn tại được lâu dài hay không.
Dù đang đứng trước nguy cơ trở thành xe taxi “gắn mào” ở Việt Nam nhưng Grab vẫn không vì thế mà “chững” lại các hoạt động. Mới đây, hãng đã công bố cam kết “Safe Everyday” cho toàn khu vực Đông Nam Á. Đại diện của Grab cho biết, sắp tới hãng sẽ phối hợp với Bộ Y tế để cung cấp các buổi khám sức khỏe, các buổi huấn luyện nhằm hạn chế những vấn đề thường xảy ra với lái xe như mệt mỏi, căng thẳng và các bệnh mãn tính. Ông Lim Kell Jay - Giám đốc Grab tại Singapore - cho biết, “sự an toàn trên từng cung đường bắt đầu bằng một sức khỏe tốt. Chúng tôi hiểu các tài xế mệt mỏi thế nào khi phải chạy trên đường cả ngày. Bằng việc đảm bảo sức khỏe, chúng tôi hy vọng các tài xế có thể thoải mái làm việc để kiếm thêm thu nhập cho gia đình họ”.
Bên cạnh đó, Grab cũng sẽ xây dựng một mô hình trình điều khiển lái xe thông minh bằng cách sử dụng một thuật toán để phát hiện khi nào lái xe quá mệt mỏi và căng thẳng. Sau đó, tổng đài sẽ tự động gửi một tin nhắn để nhắc nhở lái xe đã đến lúc cần nghỉ ngơi. Thuật toán này sẽ dựa vào không chỉ số giờ lái xe trên đường mà còn cả hồ sơ cá nhân, thời gian nghỉ giữa ca, tổng số cuốc đã nhận… Hãng gọi xe công nghệ hiện có thị phần lớn nhất tại Việt Nam cũng dự định sẽ thực hiện những buổi đào tạo các đối tác giao hàng về luật hoạt động điện thoại di động và lái xe an toàn.
Còn về Dự thảo Nghị định 86 đang gây tranh cãi, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam, khẳng định chắc chắn các đối tác tài xế không bao giờ muốn quay lại cảnh phải mua lốt của hãng taxi, bị bó buộc về thời gian, bị khoán doanh thu và bị ép chia doanh số với hãng như đã từng chịu trước đây. "Người dân cũng sẽ bị thiệt thòi lớn nếu cả xã hội bị kéo lùi về phía sau", ông Jerry Lim nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho rằng: “Bên nào nào ứng dụng khoa học công nghệ tốt thì bên đấy phát triển và có lợi nhuận cao. Tất cả các doanh nghiệp phải chủ động đổi mới trong thời kỳ hội nhập, cả kể những hãng taxi nhỏ nhất của Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng đang kiến nghị đưa ra một app chung để hoạt động và đề nghị Hiệp hội xây dựng một thể chế để hướng dẫn cho các doanh nghiệp. Như vậy có nghĩa là họ sẵn sàng đổi mới. Bởi vì trong chiến lược kinh doanh, nếu không đổi mới thì tất nhiên sẽ bị đào thải”.
Người đại diện của taxi Hà Nội cũng chia sẻ, hiện các đơn vị taxi truyền thống cũng “không chịu ngồi chờ chính sách”. “Trong thời gian vừa qua, UBND Thành phố và Sở GTVT Hà Nội đã và đang xây dựng quy chế quản lý taxi và giao cho Hiệp hội Taxi Hà Nội xây dựng ra một app để điều hành chung cho tất cả các xe. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang chủ động xây dựng cho mình một kế hoạch kinh doanh trong đó việc đầu tiên là xây dựng, củng cố lại chất lượng phương tiện, đào tạo lại lái xe đảm bảo chất lượng phục vụ. Sau đó là đoàn kết lại và đưa ra một khung giá chung, vừa phải, để cho khách hàng chấp nhận được và để đảm bảo tốt nhất cho quyền lợi của khách hàng”, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết.