Cái lạnh hanh hao của tiết trời đông đất Bắc cũng khiến cho ai đó, mỗi sớm mai thức dậy không khỏi suýt xoa khi khẽ đẩy cửa ra. Bên khóm mai già, những nụ hoa bé tí đã bắt đầu lấm tấm chồi lên, chờ dịp Xuân về đua nhau khoe sắc. Tết ngấp nghé bên hiên nhà, lòng tôi lại nao nao nhớ về Tết xưa...

Không biết tự bao giờ, trong ký ức của tôi luôn hằn sâu những cái Tết của thuở thiếu thời. Sau này, khi đã trưởng thành: Ra trường, đi làm rồi lập gia đình, sinh con, đẻ cái... tôi thấy Tết không còn thi vị và ngọt ngào như ngày thơ ấu nữa. Đôi lúc, tôi tự hỏi: Có phải tâm hồn mình già cỗi hay Tết nay không còn giống Tết xưa? Và, tôi lại thèm được một lần quay trở về với cái Tết tuổi thơ...

Tết của miền ký ức

Tôi sinh ra lúc đất nước vừa hoàn toàn giải phóng. Ba tôi là người lính, ông vẫn phải đóng quân xa nhà, mẹ đi dạy học xa, tôi sống với bà ngoại là chủ yếu. Ông ngoại tôi chẳng may mất sớm, bà chịu cảnh góa bụa khi còn rất trẻ. Vậy nhưng, bà không đi bước nữa mà ở vậy thờ chồng, nuôi con. Bà ngoại tôi hiền lắm! Trong ký ức của tôi, bà giống như một bà Tiên vậy, lưng bà còng, tóc bạc phơ... Bà chăm tôi từ lúc tôi còn chập chững biết đi cho tới năm tôi lên 10.

Những ngày giáp Tết, tôi thường được bà cho đi chợ phiên. Gánh hàng phiên chợ Tết của bà đôi khi chỉ là dăm nải chuối, vài buồng cau. Ấy vậy mà bà gánh bộ đi xa gần 10 cây số mới đến chợ. Bà hứa với tôi từ chiều hôm trước, tối ngủ sớm đi, sáng bà cho đi chợ cùng. Một đứa trẻ lên 5, lên 6 như tôi chưa bao giờ được đi chợ xa như thế nên hí hửng cả buổi tối. Tôi nằm cầu cho giấc ngủ đến nhanh và mong trời mau sáng để được đến chợ cùng bà.

Vậy là, sáng sớm hôm sau, khi tôi còn ngái ngủ, bà lật chăn ra khẽ lay tôi dậy. Đang say giấc nồng, tôi nghe tiếng bà thì thầm bên tai: “Dậy đi chợ con ơi!”. Tôi lập tức bật dậy, đưa tay dụi mắt và vội vàng khua dép chạy theo bà. Bờ đê già trước nhà vẫn còn tối om. Hai bà cháu lầm lũi men từ đường làng lên đê, hòa vào đoàn người cũng đang đổ về phiên chợ Tết.

Chợ họp trên bãi đất trống, ngay cạnh gốc đa cổ thụ. Tôi ngồi trông hàng giúp bà, để bà tranh thủ chạy đi mua sắm vài thứ lặt vặt. Gánh hàng còm cõi của bà cũng chỉ một loáng là bán hết. Bà dúi vào tay tôi cái bánh rán đường. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không quên nổi vị thơm ngon của cái bánh rán bà cho khi xưa: Thơm mùi gạo nếp mới, quyện trong vị ngọt của đường mía...

Chiều 29 Tết, bà lôi tập lá dong đã rửa sạch, được buộc lên trên cột nhà cho ráo nước ra lau khô từng cái một, chuẩn bị cho sáng 30 Tết gói bánh chưng. Tôi lăng xăng bên cạnh, chờ được bà sai vặt. Chỉ cần bà cất tiếng gọi: “Vân ơi!” là tôi chạy đến nhanh lắm, vì sợ các anh, chị con nhà bác tranh mất phần việc bà sai. Xong việc, bao giờ tôi cũng được bà thưởng cho một chút gì đó, khi là thanh kẹo lạc, lúc lại viên kẹo bột. Đôi khi, phần thưởng này theo tôi cả vào trong những giấc mơ...

Chiều 30 Tết, bà bắc nồi nấu bánh chưng. Bên cạnh là một cái bếp khác, bà nấu nồi nước to, trong nồi là vài bó mùi già. Bà lôi lần lượt từng đứa cháu ra tắm, gội. Hết lượt nước nóng này, bà tiếp thêm nước khác. Cứ thế, từng đứa cháu trở nên thơm tho, sạch sẽ dưới bàn tay chăm sóc của bà. Giờ mỗi khi đi chợ, trông thấy cây mùi già, tôi lại nhớ bà đến nao lòng. Tôi nhớ hương mùi già lưu trên tóc tôi suốt ba ngày Tết. Mới đó thôi mà bà đã rời xa chúng tôi 15 cái Tết. Đôi lúc nhớ đến bà, mắt tôi lại nhòe đi...

Sáng mồng Một, bà khua hết lũ trẻ trong nhà dậy sớm để theo bà lên chùa hái lộc đầu năm. Trước khi đi, bà lần xà cạp lôi ra một xấp tiền lẻ và tiền xu mừng tuổi cho từng cháu, theo thứ tự từ bé đến lớn, mà phong tục này quê tôi gọi là “phát vốn”. Tôi được bà may cho cái túi nhỏ, có dây rút ở miệng túi. Ai “phát vốn”, tôi lại cho vào túi và buộc chặt miệng, giữ khư khư trong tay, kể cả khi đi ngủ. Hết Tết, bà gom số tiền mừng tuổi của tôi nhét đầy vào ống tre. Bà giấu cẩn thận vào một chỗ, gần Tết năm sau, bà gọi riêng tôi ra, chẻ đôi ống tre và đưa tiền, bảo tôi đếm. Nhìn tôi thích thú với những đồng tiền lẻ tích cóp trong một năm, bà vừa móm mém nhai trầu, vừa cốc vào đầu tôi âu yếm: “Có cho bà vay không?”.

Ngày Tết ở quê tôi rộn ràng, náo nức suốt từ ngày 23 tháng Chạp. Những người con xa quê cũng lần lượt trở về. Tối đến, nhà nhà đều sẵn sàng mở cửa đón khách đến chơi. Vui nhất là đám thanh niên đi học hoặc đi làm ăn xa trở về. Bạn bè lâu ngày gặp lại, họ cười đùa rôm rả vang cả xóm. Lũ trẻ con chúng tôi không bị bắt đi ngủ sớm như mọi ngày, cũng hùa theo các anh chị lớn tuổi, chạy nhảy nô đùa khắp xóm.

Vui nhất là đêm Giao thừa, khi chuông đồng hồ chạm mốc 24 giờ, tiếng pháo trong xóm bắt đầu râm ran. Tôi thích thú nhìn từng quả pháo nổ tung giòn giã. Đến khi quả pháo cối phát nổ, tôi lấy tay bịt tai lại để tránh tiếng nổ lớn nhưng mắt thì không rời bánh pháo đang cháy dở. Sáng ra, tôi lẻn dậy sớm đi nhặt quả pháo đêm qua còn chưa kịp nổ, mà đám trẻ chúng tôi gọi là “mót pháo”. Nhặt được quả nào, tôi cất kỹ trong túi áo, đem ra nhờ anh họ châm ngòi đốt. Quả nào còn nổ, tôi thích chí cười nhe cả hàm răng sún, coi đó là “chiến tích” mà mình “mót” được.

Mấy năm sau, Nhà nước cấm đốt pháo. Đêm Giao thừa không còn được nghe tiếng pháo vang bên hiên nhà, lòng tôi lại thấy như thiếu thiếu một chút gì đó. Mặc dù tôi biết, cấm đốt pháo là một quyết sách đúng, vừa tiết kiệm tiền, lại an toàn cho tính mạng và sức khỏe của tất cả mọi người. Song, thảng hoặc mỗi lần nhớ về Tết xưa, văng vẳng bên tai tôi vẫn nghe đì đùng tiếng pháo, hình ảnh xác pháo rơi đỏ một góc thềm cũng khiến ngày Tết trở nên ấm áp lạ thường...

Giờ đây, mỗi lần Tết đến, Xuân về, tôi chỉ mong kiếm được nhiều tiền lo cho con cái có một cái Tết đủ đầy, sung túc. Đêm Giao thừa, lòng mình lắng lại sau một năm vất vả, bộn bề, những ngày Tết xa xưa lại chợt dội về trong ký ức. Tết này, lòng tôi lại nhớ Tết xưa...

Theo Công lý