Năm 2002, tôi mua đất, xây nhà và chuyển về sinh sống tại một xóm nhỏ thuộc xã Lĩnh Nam (nay là phường Lĩnh Nam). Nếu đời tôi có chút gì gọi là “có hậu” thì chính là cuối đời được sống với những người dân hiền lành, chăm chỉ, tiết kiệm và rất giầu lòng tự trọng. Những đứa trẻ lớn lên đều ảnh hưởng và biết giữ truyền thống chịu thương chịu khó mà tiền nhân của họ đã gây dựng qua hàng trăm năm.
Giáp ranh với nhà tôi có bốn hàng xóm. Ngoài hàng xóm liền kề, vốn là chủ cũ mảnh đất mà tôi đang sinh sống, mặc nhiên coi như anh em và mọi tết giỗ của nhà này chúng tôi đều coi như việc nhà mình, còn lại ba nhà kia đều luôn ở mức thân thiết dù mỗi người một lối sống, một cách thức sinh hoạt. Cũng từ khi tôi chuyển đến làm hàng xóm với họ, tôi tự đặt ra lệ “tết dân” cho riêng mình.
Tôi đố ai tìm ra có lần nào tôi đến lễ tết nhà quan, từ nhỏ đến lớn. Tôi chỉ đi tết bố mẹ, thầy cô, bạn bè và từ năm 2002, thêm tết hàng xóm. Suốt 20 năm nay, cứ đến gần tết, tôi lại có túi quà nhỏ nhưng đủ trang trọng đến tết bốn nhà hàng xóm. Cũng đủ rượu, mứt, trà, bánh kẹo và có thể thêm một quyển lịch, vài tờ báo có đăng bài của tôi vào số tết, hoặc đôi khi có cả túi “đặc sản” từ quê vợ trên Cao Bằng gửi xuống mà tôi luôn phải hướng dẫn họ cách dùng! Vui nhất là thấy vợ và các con hào hứng, tíu tít chuẩn bị, tìm cách trang trí sao cho túi quà biếu hàng xóm phải đậm hương vị và hương sắc tết. Những lúc đó tôi thầm nghĩ, hình như giáo dục trẻ con quan trọng nhất là làm gương bằng các hành vi sống của người lớn?
Một năm với biết bao biến cố, vui buồn, hạnh phúc, đau khổ… chúng tôi đều để lại phía sau. Thay vào đó là những lời tốt đẹp mang tính cầu chúc. Cũng có khi là lời thanh minh, giãi bày về một việc gì đó trong năm chưa tiện nói. Quà chỉ mang tính tượng trưng, nhưng tình cảm thì không chỉ thật mà còn vô cùng hào phóng.
Năm đầu tiên tôi chuyển đến và có quà cho hàng xóm, mọi người vui vẻ nhận. Họ nhận theo lối “chấp nhận” sống cùng với tôi như anh em. Sang năm sau, khi tôi lại đến “lễ”, mọi người cũng giãy nảy cả lên. Nhưng năm nào tôi cũng có cách để cuối cùng các vị hàng xóm đều vui vẻ chiếu cố. Giờ, sau 20 năm, thì “tục” đó của tiêng tôi đã thành lệ. Không ai còn khách khí với tôi nữa. Trừ năm đầu tiên quá đường đột, còn từ bấy đến nay, mỗi nhà một thứ, họ lại mang sang “nhờ” tôi đặt lên thắp hương các cụ! Không gì nói nhiều về ân nghĩa, về sự đùm bọc, về tình yêu thương… hơn được ánh mắt nhìn nhau những chiều cuối năm. Bao giờ lòng tôi cũng tràn ngập cảm giác hạnh phúc. Và tôi tin những hàng xóm của tôi cũng thế.
Cũng suốt ngần ấy năm, dù thỉnh thoảng khó tránh khỏi có chuyện gây phiền muộn cho nhau do việc xây nhà cửa, cưới xin, hay do làm nghề sinh nhai mà gây tiếng động, làm nghẽn lối đi, con chó con mèo nhà này ỉa bậy vào ngõ nhà kia… Nhưng chưa bao giờ chúng tôi có chút gì gọi là nặng lời với nhau.
Nhà văn Tạ Duy Anh.
Nguồn: https://reatimes.vn/tet-dan-20201224000001134.html