Những rào cản tăng trưởng kinh tế trong năm 2022
Tại Hội thảo Đại dịch COVID-19: Kinh tế Việt Nam và đối sách diễn ra vào sáng 29/11, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng, Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đánh giá, có thể coi năm 2020, Việt Nam nằm trong số ít “ngôi sao” trong một thế giới suy thoái nặng nề. Tuy nhiên, năm 2021, tình thế đảo chiều, Việt Nam lại nằm ở dưới mức trung bình của thế giới.
“Nguyên nhân vì sao đảo chiều thì có rất nhiều. Tôi cho rằng, Việt Nam chống dịch khá thành công đến tháng 3/2021, song khi bước vào đợt bùng phát thứ 4, quá trình giãn cách xã hội kéo dài, phong tỏa thực hiện ngặt nghèo, thiếu nhất quán giữa các địa phương đã gây ra rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế”, TS Võ Trí Thành nói.
Trong thời gian qua, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục kinh tế, như các chính sách tài khóa giảm thuế, miễn một số loại phí, hoặc chính sách tiền tệ, giảm lãi suất. Đồng thời, Chính phủ cũng đưa ra các gói hỗ trợ an sinh xã hội.
Thế nhưng, TS Võ Trí Thành đánh giá, các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ có quy mô khá nhỏ so với mặt bằng chung của thế giới. Liều lượng chi ngân sách thấp; dựa nhiều vào chính sách tiền tệ.
“Nhìn chung, mặc dù năm 2021 có cải thiện đôi chút trong việc thực thi thiếu quyết liệt các chính sách của Chính phủ, tuy nhiên tỷ lệ tiếp cận được của người thụ hường khá thấp”, ông Thành thẳng thắn chia sẻ.
Trước những thách thức trong việc phục hồi kinh tế, ông Thành nhận định: Hiện có 4 yếu tố ảnh hưởng tới câu chuyện phục hồi và tăng trưởng kinh tế năm 2022. Thứ nhất, về câu chuyện dịch bệnh Covid-19, hiện chưa có dự báo nào nhận định được dịch sẽ đi tới đâu, hiện chỉ mong chờ vào vaccine, hay sự “đột biến hỏng” của Covid như tại Nhật Bản. “Còn tại Việt Nam, chúng ta đã thay đổi chiến lược chống dịch, theo đó xác định thích ứng với dịch và chung sống an toàn với dịch”, ông Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Thứ hai là đà phục hồi kinh tế, cho đến nay, các dự báo tăng trưởng 2 năm tới của thế giới có thể chậm lại và không đồng đều giữa các quốc gia nhưng đà phục hồi khá rõ ràng.
Theo đó, các thị trường mạnh về đầu tư, lớn về thị trường là các đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam từ châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ đều cho thấy dấu hiệu phục hồi, TS Võ Trí Thành nhận định đây là dấu hiệu lạc quan.
Tuy nhiên, bởi sự phục hồi không đồng đều và rủi ro quá lớn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh chỉ rõ những rủi ro gồm dịch bệnh; sự thu hẹp hoặc dừng lại của các gói hỗ trợ khiến các gói lãi suất, ưu đãi giảm… khiến quá trình phục hồi khó khăn hơn. Bên cạnh đó là rủi ro tài chính như sự tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán, bất động sản và rủi ro nợ của thế giới lớn hơn bao giờ hết.
Ông Thành cũng cho rằng có tin tốt là các ngân hàng trung ương cũng như hệ thống ngân hàng thương mại cũng đã có kinh nghiệm xử lý nợ xấu tốt hơn giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008.
Nói về yếu tố thứ ba là các gói hỗ trợ chưa có tiền lệ về quy mô, cách thức, đối tượng, trao quyền…, ông Thành cho rằng, sự hỗ trợ là cần thiết mà tất cả các quốc gia đều cần áp dụng.
“Nhưng rủi ro là cũng chưa có tiền lệ. Do đó mà có nhiều điều chưa phù hợp ngay trong thiết kế và thực thi chính sách ví dụ những gói hỗ trợ ban đầu có quy mô quá nhỏ và thực thi thiếu hiệu quả, khả năng tiếp cận của người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt là trách nhiệm của công chức trong thiết kế và thực thi chính sách chưa phù hợp”, TS Võ Trí Thành phân tích.
Thứ tư, với xu thế thế giới, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết ví dụ tại APEC, các dự báo gần đây đều nhấn mạnh gắn phục hồi với xu thế mới là phục hồi xanh, phục hồi số và chuyển đổi số.
“Đây là 2 điểm mấu chốt thực hiện phát triển bền vững bao trùm sáng tạo. tại Việt Nam cũng đã có nhiều quyết định ủng hộ cũng như đưa ra kế hoạch thực hiện các xu thế này”, TS Võ Trí Thành cho biết.
Doanh nghiệp cần làm gì để vượt dịch
Trước những khó khăn trên, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, doanh nghiệp dù kinh doanh gì không được quên quản trị rủi ro - bắt nhịp đà phục hồi - bắt nhịp xu hướng mới.
Phân tích rõ hơn về điều này, ông Thành nói: Doanh nghiệp cần phải cắt giảm những chi phí không cần thiết. Đồng thời chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang kinh tế số, chuyển đổi sản phẩm sang các mặt hàng cần thiết, thiết yếu. Đặc biệt phải có “phòng tác chiến” xử lý nhanh.
“Tôi cho rằng, các doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh liên kết đối tác, bằng cách cho đối tác trả chậm; chia sẻ đơn hàng; hàng đổi hàng.... Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tận dụng cs hỗ trợ nhà nước tiếp cận các gói hỗ trợ + đầu tư phát triển hạ tầng”, ông Thành nói.
Về xu hướng đầu tư, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phân tích nhìn lại xu hướng trong vòng 5-7 năm lại đây trên thế giới, dù lĩnh vực đầu tư nào cũng gắn với ba từ “xanh – thông minh – nhân văn/văn hoá “ đây là xu thế, là sân chơi, cách kiếm tiền, lợi nhuận và ý thức cần được chú trọng.
Nguồn: https://congluan.vn/thach-thuc-moi-cho-qua-trinh-phuc-hoi-tang-truong-kinh-te-trong-nam-2022-post169468.html