Quá trình điều tra vụ án tranh liên quan tới việc chấp đất đai tại huyện Triệu Sơn, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Triệu Sơn liên tục thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, quyết định tạm đình chỉ điều tra, quyết định phục hồi điều tra. Sự việc sau gần 3 năm vẫn chưa được kết luận. Trong khi đó bị hại vẫn “miệt mài” khiếu nại để đòi công bằng.
Ban Nội chính yêu cầu làm rõ
Ban Nội chính Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị Công an huyện Triệu Sơn báo cáo vụ án "Cố ý gây thương tích" đối với ông Lê Văn Thanh trước ngày 10/5/2019: “Để tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp gây mất ổn định tình hình, Ban Nội chính Tỉnh ủy đề nghị Trưởng Công an huyện chỉ đạo giải quyết vụ án kịp thời, đúng quy định của pháp luật, trả lời công dân theo quy định”, công văn của Ban Nội chính Tỉnh ủy nêu rõ.
Trước đó, ông Lê Văn Thanh trú tại phố Nưa, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, là người bị hại trong vụ án hình sự “Cố ý gây thương tích” liên quan tới tranh chấp đất đai đã có đơn đề nghị Công an huyện Triệu Sơn xem xét, giải quyết công tâm, khách quan vụ việc.
Trong đơn phản ánh, ông Thanh nêu rõ: “Khoảng 7 giờ ngày 20/11/2016, trong khi tôi đang cùng công nhân tiến hành thu hoạch cây keo trồng trên khu đất của gia đình thì bất ngờ ông Hoàng Viết Đoàn chạy tới dùng dao quắm chém vào chân, lấy cán dao đập liên tiếp vào đầu khiến tôi bị chấn thương nặng.
Sau khi tôi gục xuống ông Hoàng Minh Tình (cháu ruột Đoàn) tiếp tục lao tới dùng kiếm chém vào hông tôi. Do vết thương quá nặng, tôi phải đi cấp cứu tại Hà Nội”, ông Thanh cho biết.
Theo Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 463/2016/TTPY ngày 30/12/2016 của Trung tâm pháp y tỉnh, tỷ lệ tổn thương cơ thể của các thương tích do Hoàng Minh Đoàn và Hoàng Minh Tình gây ra cho ông Thanh là 37%.
Bức xúc với những hành vi do ông Đoàn và Tình đã gây ra cho mình, ông Thanh đã làm đơn tố cáo sự việc đến Công an huyện Triệu Sơn. Ngày 16/01/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Triệu Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và Quyết định khởi tố bị can Hoàng Viết Đoàn với tội danh “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 104 Bộ Luật hình sự.
Sau khi Công an huyện khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hoàng Viết Đoàn và Hoàng Minh Tình, bất ngờ cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Triệu Sơn đã yêu cầu bị hại đi giám định lại vết thương, mà theo ông Thanh điều này là không đúng quy định.
"Việc giám định vết thương phải được thực hiện sau khi có thương tích. Vụ việc đã xảy ra quá lâu, tổn hại cơ thể tôi nay đã lành lại. Do đó, việc cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bị hại đi giám định vết thương lúc này là không đúng, không khách quan", ông Thanh nói.
Sau khi có kết luận giám định lần hai, tỷ lệ thương tật của ông Thanh bỗng còn 19%. Bất ngờ trước kết quả này, ông Thanh tiếp tục có đơn khiếu nại đề nghị làm rõ kết quả giám định thương tích lần 2. Kết quả kiểm tra cho thấy, tỷ lệ thương tật của ông Thanh được xác định (lần 2) còn 19% là sai sót vì lỗi đánh máy, đồng thời hủy kết quả giám định lần 2 và công nhận kết quả thương tật ban đầu của ông Thanh (37%).
Ông Lê Văn Thanh cũng cho hay: “Mặc dù đã có giám định pháp y, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Triệu Sơn vẫn không kết luận vụ án mà lại tiếp tục ra Quyết định Thay đổi Quyết định khởi tố vụ án hình sự, thay đổi Quyết định khởi tố bị can đối với các bị can từ “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 104 Bộ Luật hình sự sang tội “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo quy định tại Điều 105 Bộ Luật hình sự”, ông Thanh cho biết.
Không đồng tình với các Quyết định nêu trên của cơ quan Cảnh sát điều tra, ông Thanh tiếp tục có đơn khiếu nại tới thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Triệu Sơn và Viện kiểm sát nhân dân huyện Triệu Sơn và cơ quan tố tụng cấp tỉnh.
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của cấp trên, Công an huyện Triệu Sơn và Viện kiểm sát nhân dân huyện Triệu Sơn đã quyết định thay đổi Quyết định khởi tố vụ án hình sự và Quyết định khởi tố bị can đối với các bị can từ tội “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo quy định tại Điều 105 Bộ Luật hình sự” về tội danh cũ (tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 104 Bộ Luật hình sự).
Tuy nhiên, đến lúc này cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Triệu Sơn một lần nữa vẫn không kết luận vụ án, đồng thời đề nghị ông Thanh đi giám định lại để tách tỷ lệ thương tật, làm căn cứ kết luận nhưng bị hại không đồng ý.
Ngày 15/11/2017, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Triệu Sơn đã ra Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự số 25, tạm đình chỉ điều tra đối với các bị can số 33, 34 với lý do bị hại không đi giám định lại theo yêu cầu của Công an huyện Triệu Sơn.
Tuy nhiên, sau khi ông Thanh có đơn khiếu nại và đề nghị hủy bỏ các quyết định nêu trên cũng như đề nghị được thay đổi điều tra viên điều tra vụ án và đề nghị cơ quan Cảnh sát điều tra cấp trên xem xét rút hồ sơ vụ án lên tỉnh để điều tra nhằm đảm bảo tính khách quan trung thực thì cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Triệu Sơn đã ra quyết định phục hồi điều tra vụ án, phục hồi điều tra đối với các bị can vào ngày 09/10/2018.
Theo ông Thanh: “Sau khi phục hồi điều tra Cơ quan Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Triệu Sơn chỉ mời tôi lên lấy lời khai và yêu cầu tôi viết tự khai đúng một lần để yêu cầu tôi nêu quan điểm về việc tôi có đi giám định lại hay không.
Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm là không đi giám định lại mà chỉ đồng ý đi giám định bổ sung. Tiếp đó, ngày 10/03/2018 (10/03/2019) đúng 5 tháng hết thời hạn phục hồi điều tra theo quy định tại Điều 174 Bộ Luật tố tụng hình sự thì cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Triệu Sơn lại tiếp tục ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án lần thứ 2 số 09 với lý do như quyết định Tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự số 25/CSĐT ngày 25/11/2017”, ông Thanh cho biết.
Bị hại cũng cho rằng, việc cơ quan điều tra Công an huyện Triệu Sơn kéo dài thời gian kết luận vụ án với những lý do không thuyết phục là hành vi có dấu hiệu xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông.
Cơ quan điều tra nói gì?
Trao đổi với phóng viên về vụ việc nêu trên, hôm 11/4, ông Lê Nguyên Sáng, Phó Công an huyện Triệu Sơn cho rằng, đây là vụ việc phức tạp, nên việc kéo dài thời gian điều tra hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật.
Giải đáp thắc mắc về việc cơ quan tố tụng liên tục thay đổi tội danh trong vụ án, Phó trưởng Công an huyện Triệu Sơn cho rằng: “Việc này chúng tôi làm theo yêu cầu của Viện kiểm sát huyện Triệu Sơn”.
“Cơ quan điều tra đã khởi tố đối tượng có liên quan về tội “cố ý gây thương tích”, nhưng sau đó phải thay đổi tội danh “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” vì lý do Viện kiểm sát nhân dân huyện Triệu Sơn yêu cầu. Như vậy, theo yêu cầu này, chúng tôi buộc phải thay đổi tội danh. Tuy nhiên, sau khi “trưng cầu” ý kiến từ Viện kiểm sát tỉnh Thanh Hóa về vụ án này, cơ quan điều tra quyết định giữ nguyên tội danh ban đầu là “Cố ý gây thương tích” theo Điều 104, Bộ Luật hình sự”, ông Sáng nói.
Trả lời phóng viên về việc sau nhiều năm vụ án được khởi tố nhưng vẫn chưa thể kết luận điều tra, ông Sáng cho biết, quá trình điều tra vụ án có nhiều diễn biến, tình tiết phức tạp cho nên cần thời gian để điều tra thêm.
“Đây là vụ án phức tạp, do vậy, nếu trong vòng 3 tháng mà cơ quan điều tra chưa thể chứng minh được hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra phải gia hạn để làm rõ những tình tình chưa sáng tỏ có liên quan tới vụ án.
Sau khi xảy ra vụ việc, chúng tôi đã tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra chúng tôi phát hiện, đối tượng gây nên thương tích cho anh Thanh không phải là một người mà là hai người nhưng không phải là đồng phạm. Do vậy, cần thiết phải giám định để tách phần trăm thương tích của bị hại để làm rõ hành vi của từng đối tượng.
Ví dụ, hai người gây thương tích cho một người nếu có sự đồng phạm với nhau thì mới chịu chung về tổng thương tích của người bị hại. Tuy nhiên, nếu hai người gây thương tích cho một người nhưng không có sự đồng phạm trong vụ án, thì cần phải tách tỷ lệ thương tích của từng người một để xác định rõ hành vi phạm tội của từng đối tượng.
Tuy nhiên, người bị hại không đồng ý thực hiện phương án này, cho nên vụ án đến nay vẫn kéo dài, chưa thể kết luận”, ông Sáng nói.
Trả lời câu hỏi, vì sao đối tượng Đoàn và Tình gây án cùng thời điểm, cùng một vụ việc... tại sao không được xác định là đồng phạm, ông Sáng lý giải: “Ông Đoàn cãi nhau với ông Thanh, chém ông Thanh rồi sau đó đi về. Ông Tình là cháu ông Đoàn nghe thấy tiếng của ông Đoàn nên chạy ra sau vườn để xem. Lúc này, ông Tình không gặp ông Đoàn, không xúi giục, kích động hay sai khiến ông Tình. Ông Tình thấy rằng, hành vi của ông Thanh khai thác cây lấn vào đất của người thân nên cầm giao chém ông Thanh.
Trường hợp ông Đoàn và ông Tình có sự bàn bạc, thống nhất để thực hiện hành vi phạm tội hoặc trong quá trình xảy ra vụ việc, ông Tình tiếp nhận “ý chí” của ông Đoàn để gây án thì mới có thể coi là đồng phạm. Chúng tôi cũng muốn chứng minh hai đối tượng là đồng phạm lắm để xử lý nhưng không có căn cứ.
Vì không chứng minh được hành vi đồng phạm nên cần phải tách tỷ lệ thương tích của bị hại để điều tra làm rõ vấn đề”, ông Sáng nói.
Nguồn tin của phóng viên cho hay, hiện tại vụ án đã được phục hồi điều tra để làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng có liên quan.