Hình ảnh của Trường THPT chuyên Lam Sơn, ít nhiều bị ảnh hưởng khi những vi phạm tại cơ sở giáo dục này vừa được phát giác. Ngôi trường danh tiếng từng là niềm tự hào, là cái nôi nuôi dưỡng, chắp cánh cho nhiều nhân tài đất nước bỗng chốc trở nên tai tiếng chỉ vì một số cá nhân bất chấp quy định, thiếu dân chủ trong điều hành, quản lý trong đó trách nhiệm trực tiếp thuộc về ông Chu Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường.
“Khối u” vi phạm tại trường THPT chuyên Lam Sơn đã được mổ xẻ và dư luận chờ đợi sự công minh của cơ quan quản lý trong việc xử lý trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường và các cá nhân có liên quan trong vụ việc nói trên.
Xung quanh câu chuyện này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Mai Sỹ Diến, Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.
PV: Quan điểm của ông như thế nào trước những vi phạm vừa được phát giác tại trường THPT chuyên Lam Sơn, trong đó có trách nhiệm trực tiếp của ông Chu Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường?
Đại biểu Mai Sỹ Diến: Nhân vô thập toàn. Mỗi cá nhân trong quá trình được giao nhiệm vụ phải cố gắng tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn bản thân, tránh xảy ra sai sót trong công việc.
Những vi phạm tại trường THPT chuyên Lam Sơn có liên quan trực tiếp tới trách nhiệm người đứng đầu nhà trường, đã được cơ quan có thẩm quyền phát giác ảnh hưởng tới niềm tin của phụ huynh, học sinh giáo viên nhà trường...
Chuyện xảy khiến ra nhiều người dân, lãnh đạo tỉnh cũng rất buồn. Nhưng không phải vì buồn mà không làm (không kiểm tra phát hiện vi phạm).
PV: Trách nhiệm của người đứng đầu (Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lam Sơn) sẽ được xử lý ra sao trong vụ việc này, thưa ông?
Đại biểu Mai Sỹ Diến: Trung ương đã có văn bản cụ thể quy định về trách nhiệm của người đứng đầu. Theo đó, khi cơ quan có thẩm quyền kết luận những vi phạm tại cơ sở giáo dục này thì ông Chu Anh Tuấn là người phải chịu trách nhiệm trực tiếp về những vi phạm đó với vai trò quản lý.
Khi có kết luận của thanh tra chỉ rõ vi phạm thì hồ sơ này phải chuyển cho UBKT Đảng, kiểm tra trách nhiệm của Đảng viên, lãnh đạo quản lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Như vậy, khi có kết luận cán bộ vi phạm về mặt Đảng, thì phải xử lý theo quy định. Việc xử lý trách nhiệm về mặt Đảng và chính quyền phải tương đương, đồng bộ.
PV: Vụ việc này đang được giới truyền thông hết sức quan tâm bởi những vi phạm đó lại xảy ra tại trường THPT chuyên Lam Sơn - ngôi trường có truyền thống, thành tích bậc nhất xứ Thanh. Như vậy, với trách nhiệm được xác định là có liên quan trực tiếp tới những vi phạm thì Hiệu trưởng trường Lam Sơn liệu có còn đủ uy tín để giữ cương vị lãnh đạo nhà trường hay không, thưa ông?
Đại biểu Mai Sỹ Diến: Việc xử lý trách nhiệm Hiệu trưởng như thế nào thì bên Đảng và chính quyền đều có những quy định cụ thể. Nếu vi phạm ở mức độ nào thì xử lý đến mức độ đó.
Nếu cơ quan có thẩm quyền kết luận anh có vi phạm nhưng cán bộ đó không thành khẩn thì sẽ là tình tiết tăng nặng mức xử lý trách nhiệm và ngược lại. Trường hợp họ thành khẩn, cầu thị biết sai trái và khắc phục hậu quả thì áp dụng hình thức giảm nhẹ. Việc này sẽ do tổ chức quyết định.
Nếu vi phạm này vì cá nhân ông ấy mà không vì tập thể, nhà trường thì sai phạm phải xử lý nghiêm theo quy định. Trường hợp uy tín của cá nhân đó trong tập thể không còn nữa thì phải xem xét, xử lý. Việc này Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ sẽ đánh giá khách quan.
Cơ quan có thẩm quyền cũng có thể họp bàn lấy ý kiến, thậm chí phiếu tín nhiệm để đánh giá cán bộ đó. Việc này phải làm chặt chẽ để làm đúng người đúng tội, tránh oan sai.
Đối tượng bị xử lý kỷ luật (nếu có) có quyền khiếu nại về hình thức kỷ luật của mình tới cơ quan cao hơn. Nhưng tất cả đều phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Tôi tin cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý nghiêm túc việc này.
PV: Có ý kiến cho rằng, những phản ánh của báo chí thời gian vừa qua cũng là cách giúp nhà trường, người có trách nhiệm quản lý, xây dựng trường tốt hơn chứ không phải vì giữ danh tiếng cho trường mà ỉm đi sai phạm? Quan điểm của ông về việc này thế nào?
Đại biểu Mai Sỹ Diến: Phải khẳng định lại rằng, truyền thống, thành tích, kết quả dạy và học của trường THPT chuyên Lam Sơn là niềm tự hào của tỉnh, của các thế hệ học sinh và các thầy cô giáo. Một cá nhân không thể làm nên thành tích đó. Hiệu trưởng bị xử lý vi phạm cũng là một nỗi đau, nhưng điều này không phủ định được kết quả, thành tích của bao thế hệ thầy và trò trường chuyên Lam Sơn đã, đang cố gắng, nỗ lực hết mình cho sự nghiệp trồng người.
Tôi nghĩ không ai dám bao che khi có bằng chứng vi phạm của cán bộ. Việc xử lý cá nhân có vi phạm không ảnh hưởng tới thành tích chung của nhà trường.
Chi bộ Đảng giám sát thế nào?
Theo ông, những vi phạm liên quan tới lãnh đạo trường THPT chuyên Lam Sơn có hay không trách nhiệm của chi bộ Đảng cơ sở?
Đại biểu Mai Sỹ Diến: Việc kiểm tra, giám sát, kiểm điểm tự phê bình và phê bình, phát hiện vi phạm của Đảng viên trong các cơ quan hành chính nói chung còn tồn tại một số hạn chế nhất định, mặc dù cấp trên đã có nhiều văn bản chỉ đạo, nâng cao sức chiến đấu của chi bộ Đảng cơ sở.
Đối với các vụ việc vi phạm của người đứng đầu đã xảy ra thời gian vừa qua phải chăng cấp ủy trực tiếp quản lý Đảng viên có sự lỏng lẻo, buông lỏng quản lý, thậm chí biết sai nhưng không dám đấu tranh?
Trách nhiệm của Chi bộ Đảng trong tổ chức còn nằm ở chỗ, không phát hiện, chậm phát hiện, hoặc biết không dám nói vi phạm của Đảng viên, hoặc thậm chí có sự bao che. Chuyện này vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi. Những vi phạm trên cũng đặt ra vấn đề giám sát của của Đảng bộ cấp trên, bởi có rất nhiều câu chuyện có dấu hiệu tiêu cực chỉ được phanh phui khi dân tố cáo, báo chí phát hiện.
Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết: Vi phạm tại trường THPT chuyên Lam Sơn có trách nhiệm của cấp ủy Đảng nhà trường
“Trong trường hợp Hiệu trưởng vi phạm thì Bí thư chi bộ nhà trường cũng phải chịu trách nhiệm vì theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối hệ thống chính trị. Trong trường hợp những vi phạm đã tồn tại nhưng không được phát giác (tính đến thời điểm đoàn công tác vào cuộc xác minh) thì rõ ràng họ có dấu hiệu bao che hoặc nể nang nên những dấu hiệu vi phạm không không được phanh phui sớm.
Đáng lẽ trước những dấu hiệu vi phạm các Đảng viên cần có tiếng nói để phanh phui vi phạm, nhưng họ lại lờ đi?Cũng có thể tính đấu tranh của các Đảng viên trước những vi phạm trong trường hợp này là có vấn đề. Họ có thể không dám phanh phui trước những tiêu cực của Hiệu trưởng. Nếu ông thấy hiện tượng (tiêu cực), dám lên tiếng đấu tranh thì làm sao để xảy ra chuyện vi phạm được?
Do đó, bên cạnh vi phạm của Hiệu trưởng nhà trường, cần kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của Bí thư chi bộ nhà trường trước những vi phạm của Hiệu trưởng.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (khóa XIII) cho rằng: Đây là chuyện hết sức đáng buồn
Những vi phạm trong môi trường giáo dục đặc biệt là đối với giáo viên sẽ ảnh hưởng không hề nhỏ tới vấn đề quản lý, dạy và học tại nhà trường. Người thầy – gương sáng về phẩm cách, tư cách để học sinh noi theo nhưng lại vi phạm thì sẽ như thế nào?
Về mặt Đảng, Hiệu trưởng có làm chức gì đi nữa thì vẫn là Đảng viên trong Chi bộ. Như vậy, vai trò của chi bộ cơ sở (Trường THPT chuyên Lam Sơn) ở đâu? Họ đã hoàn thành nhiệm vụ chưa? Vai trò của Bí thư chi bộ thế nào? Anh quản lý Đảng viên như ra sao? Có sự nể nang, né tránh trong đấu tranh trước những vi phạm hay không? Như vậy, Hiệu trưởng vi phạm không thể không có trách nhiệm của cấp ủy nhà trường.