Cạnh tranh khốc liệt
Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, nếu như năm 2010, giá trị thị trường đạt 88 tỷ USD thì đến năm 2017 là 130 tỷ USD, dự báo năm 2020 là 179 tỷ USD. Với tiềm năng lớn và sự phát triển nhanh, Việt Nam trở thành điểm đến cho các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực bán lẻ.
Hiện thị trường Việt Nam có 800 siêu thị, 150 trung tâm mua sắm, 9.000 chợ truyền thống và khoảng 2,2 triệu nhà bán lẻ đang hoạt động; trong đó, các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini có tiềm năng phát triển bởi thủ tục đăng ký kinh doanh đơn giản, vốn đầu tư không cao, khả năng thu hồi vốn nhanh.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư hoặc đang xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam như Family Mart (Nhật Bản) đã có tới 130 cửa hàng, dự định mở thêm 700 cửa hàng nữa vào năm 2020. 7-Eleven (Nhật Bản) xuất hiện trên thị trường Việt Nam từ tháng 6/2017 với kế hoạch phát triển 100 cửa hàng trong vòng 3 năm và 1.000 cửa hàng trong vòng 1 thập kỷ tới. Lotte Mart (Hàn Quốc) cũng lên kế hoạch mở 60 cửa hàng tại Việt Nam đến năm 2020.
Cùng với đó, hoạt động thâu tóm các siêu thị lớn của các đại gia nước ngoài cũng không kém phần sôi động. Cụ thể như nhà bán lẻ Thái Lan mua lại Big C, chuyển đổi thương hiệu cho Tập đoàn Central Group, Metro chuyển sang Mega Market.
Việt Nam cũng là thị trường thu hút nhiều đại gia thương mại điện tử nước ngoài như Amazon (Mỹ) đã chính thức đổ bộ vào Việt Nam, thông qua hình thức hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất khẩu trên Amazon. Trước đó là Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) đã mua lại Lazada.
Chiến lược phát triển vô cùng quan trọng
Trước sự phát triển nở rộ của các doanh nghiệp đa ngành quy mô lớn, các doanh nghiệp trong nước đang dần hiểu rõ thị trường bán lẻ trong nước, đưa ra những chiến lược phát triển riêng.
Trong ngành công nghệ Việt nổi bật là hai tên tuổi gồm Công ty cổ phần Thế giới di động và Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT đang là hai doanh nghiệp thành công nhất trong mảng thiết bị công nghệ và có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước.
Ở lĩnh vực sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh và phụ nữ, những tên tuổi như Bibomart, Kids Plaza, Shop trẻ thơ, Tuticare, Con Cưng… đều đang phát triển rất mạnh với tốc độ mở rộng thị trường nhanh chóng trong hai năm trở lại đây.
Mới đây nhất, trong lĩnh vực hàng thiết bị cơ khí và tiện ích gia đình, Công ty trách nhiệm hữu hạn Kowon 100% vốn Việt Nam đã gây sự chú ý khi chính thức gia nhập thị trường với 5 chuỗi cửa hàng bán vật dụng cơ khí như khoan, máy phát điện, dụng cụ khí nén.
Hay vừa qua, Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại VinCommerce, đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup đã mua lại toàn bộ chuỗi Fivimart gồm 23 siêu thị từ Công ty cổ phần Nhất Nam. Đây là cơ hội để hàng Việt có thể phủ sóng rộng hơn trên các kênh bán lẻ của doanh nghiệp trong nước. Tính đến hiện tại, VinGroup có tới khoảng 100 siêu thị Vinmart và 1.400 cửa hàng Vinmart+ trên cả nước.
Cùng với VinGroup, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) hiện là kênh phân phối nội địa luôn trong tâm thế sẵn sàng “chiến đấu” với các nhà bán lẻ ngoại. Đến nay Saigon Co.op đã phát triển thành công gần 100 siêu thị Co.opmart phân bố rộng khắp cả nước, 150 của hàng Co.op Food, 150 cửa hàng Co.op Smile và mới đây là 50 cửa hàng tiện lợi Cheers liên doanh với NTUC Fair Price (Singapore).
Việc Saigon Co.op duy trì tỉ lệ hàng Việt trên 90% không chỉ giúp hàng Việt tiếp cận sâu rộng thị trường trong nước mà còn góp phần dẫn dắt các doanh nghiệp trong nước vững chân hơn trên thị trường bán lẻ.