Bất động sản cho thuê thoát cảnh “ngủ đông”
Suốt hơn 2 năm qua, diễn biến dịch Covid-19 đã có những tác động trực tiếp đến nhu cầu tìm kiếm, mức độ quan tâm bất động sản, đặc biệt là bất động sản cho thuê khiến cho nhu cầu sụt giảm.
Hàng loại hoạt động bị ngưng trệ vì lệnh giãn cách đã đẩy cả người thuê và người cho thuê lâm vào cảnh “éo le”. Bước sang năm 2022, khi dịch bệnh dần được kiểm soát đã kéo theo phân khúc này dần phục hồi, nhiều mặt bằng bỏ trống đang dần được lấp đầy với các quán xá và cửa hàng.
Dạo quanh nhiều tuyến đường tại Hà Nội như: Trần Xuân Soạn, Phạm Ngọc Thạch, Võ Thị Sáu, Bạch Mai… sau một thời gian yên ắng, những con đường này giờ đây đã tràn đầy sức sống khi những dịch vụ, tiện ích đời sống được phép hoạt động trở lại.
Anh Ngô Mạnh (môi giới mặt bằng cho thuê tại Hà Nội) cho biết, đơn đặt hàng tìm mặt bằng làm quán ăn, nhà hàng, quán cà phê, tiệm thuốc, siêu thị mini, đặt trụ sở ngân hàng… thời gian gần đây đang tăng trở lại.
Theo anh Mạnh, giá cho thuê so với thời điểm năm ngoái đã nhỉnh hơn khoảng 5 - 10%. Lượng khách có nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh tăng rất mạnh vào thời điểm này. Đặc biệt, khu vực trung tâm tuy có giá thuê cao nhưng tỷ lệ khách tìm thuê mặt bằng vẫn rất lớn.
Theo báo cáo thị trường những tháng đầu năm của batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm của hầu hết các loại hình bất động sản cho thuê tại Hà Nội đều tăng mạnh trở lại. Cụ thể, lượng tin rao cho thuê cửa hàng, ki-ốt tăng 46%, tin rao cho thuê nhà mặt phố tăng 62% so với tháng 1/2022. Điều này cho thấy, các chủ mặt bằng cho thuê đã nhanh nhạy khi nhìn thấy xu hướng người lao động quay trở lại các thành phố lớn tìm việc, từ đó chuẩn bị sẵn mặt bằng và chào thuê để kịp đón khách.
Theo các chuyên gia bất động sản, con số tăng đột biến về loại hình bất động sản cho thuê thể hiện việc người lao động từ các tỉnh thành đã quay trở lại thành phố lớn, họ tìm chỗ ở để tiếp tục guồng quay mưu sinh vốn đã bị gián đoạn bởi dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, công ty cũng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhu cầu tìm kiếm các bất động sản cho thuê thương mại cũng đang tăng mạnh trở lại do họ đã có nhiều thời gian chuẩn bị cho kinh doanh.
Bên cạnh đó, các loại hình nhà trọ, phòng trọ cho thuê cũng tăng đột biến lên tới 237%. Lượng tìm kiếm nhà riêng cho thuê cũng tăng 77%, căn hộ cho thuê tăng 73%. Đáng chú ý, mức độ quan tâm văn phòng cho thuê cũng tăng 17% trong khi trước đó gần như "đi ngang".
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang đánh giá, khi kinh tế lấy lại đà phục hồi và người dân có việc làm ổn định thì thị trường mặt bằng nhà phố cho thuê sẽ sôi động theo. Có thể đến cuối quý I, đầu quý II/2022, thị trường này sẽ kín chỗ.
Kỳ vọng phục hồi
Đánh giá về phân khúc bất động sản cho thuê trong thời gian tới, ông David Jackson - Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam phân tích, cùng với đà hồi phục của các hoạt động kinh tế, nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh cũng dần tăng trở lại. Nhiều chủ nhà vẫn áp dụng giảm giá trung bình khoảng 10 - 15% so với trước dịch. Như vậy, đây là thời điểm khá tốt để tìm kiếm mặt bằng khi mà giá vẫn còn tương đối rẻ và có nhiều lựa chọn cho người thuê.
Nếu đại dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát và không gây nên nhiều tác động tiêu cực thì khoảng vài tháng nữa, phân khúc mặt bằng cho thuê sẽ có mức giá tương đương giai đoạn trước dịch.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh - Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn phát triển CBRE Việt Nam nhận định, giá thuê dự tính hồi phục từ 1,5 - 3,5%. Tỷ lệ trống tại khu ngoài trung tâm tăng nhẹ do có nguồn cung mới và tỷ lệ trống tại khu trung tâm "đi ngang". Tới năm 2023, giá thuê dự tính sẽ tăng cao hơn nữa cùng với các nguồn cung mới tại khu trung tâm.
Để cải thiện tình hình cho thuê và tỷ lệ lấp đầy trong tương lai, bà Hoàng Nguyệt Minh - Giám đốc Cấp cao Bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội đã đưa ra các giải pháp dành cho nhà phát triển bất động sản để kịp thời đáp ứng nhu cầu của khách thuê và giải quyết bài toán về mặt bằng.
Thứ nhất, các đơn vị cho thuê bán lẻ nên cân nhắc điều chỉnh lại phương án giá thuê và thời hạn thanh toán tiền thuê trong thời gian dịch bệnh. Ví dụ, các hộ kinh doanh có thể được phép thanh toán hàng tháng, thay vì đóng gộp 3 tháng như trước đây. Để giảm áp lực tài chính cho các nhãn hàng trong giai đoạn phục hồi hoạt động kinh doanh, giá thuê có thể giảm từ 20 - 30% và sẽ được thanh toán bù vào các năm sau của hợp đồng.
Thứ hai, hoạt động truyền thông marketing cũng cần được các nhà phát triển chủ động xem xét và thực hiện để tăng nhận diện cũng như kéo nhiều nhãn hàng bán lẻ về thuê để đảm bảo tỷ lệ lấp đầy tốt và ổn định. Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh khó khăn, rất nhiều hộ kinh doanh, tuy bày tỏ nguyện vọng và thiện chí nhưng vẫn có thái độ dè dặt trong việc đi thuê cửa hàng trực tiếp. Vì vậy, bản thân các đơn vị cho thuê cần tạo ra những chương trình marketing nhấn mạnh về ưu đãi, tiện ích và chính sách hỗ trợ để thu hút không chỉ khách thuê mà cả người mua sắm đến với dự án trong khoảng thời gian hồi phục như hiện nay.
Thứ ba, diễn biến dịch bệnh khó dự đoán cũng yêu cầu nhà phát triển bất động sản phải luôn chuẩn bị phương án dự phòng để sẵn sàng thích nghi. Một phương án tiềm năng mà đơn vị cho thuê có thể cân nhắc là việc phân bổ hoặc tái cơ cấu mặt bằng./.
Nguồn: https://reatimes.vn/thi-truong-bat-dong-san-cho-thue-tinh-giac--20201224000010703.html