Sáng nay 21/01, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức họp báo thông tin về việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng chủ trì buổi họp báo.
Tại buổi họp báo, đại diện Bộ Xây dựng đã thông tin biến động giá đất và đánh giá về nguy cơ sốt đất tại nhiều địa phương, cũng như giải pháp để quản lý tài chính - tín dụng trong phát triển nhà ở xã hội.
Đánh giá về nguy cơ sốt đất tại nhiều địa phương, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà & thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời có văn bản gửi UBND các tỉnh đề nghị có đánh giá cụ thể về giá đất.
Từ các cuộc đấu giá tại nhiều địa phương, Bộ Xây dựng cho biết, biến động giá đất có nhiều yếu tố thông qua các hoạt động giao dịch về nguồn cung, phát triển hạ tầng, vì vậy cần phải có đánh giá bài bản.
Thông tin về việc thời gian qua có hiện tượng sốt đất ảnh hưởng đến giá nhà ở thu nhập thấp, ông Khởi nhận định: “Trước đó, trong giai đoạn 2018 - 2019 thị trường có đi xuống. Đặc biệt đến năm 2020 có một số cơ chế Chính phủ, Quốc hội tháo gỡ cho doanh nghiệp như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, các Nghị định liên quan tới Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản nên thị trường bất động sản có phát triển hơn.
Cụ thể, theo thống kê giá căn hộ nhà ở cao cấp tăng 0,5%, giá căn hộ nhà ở chung cấp tăng 2 - 3%, đất nền tăng 3 - 5% (có một số nơi tăng 10%). Năm 2019 - 2020 nguồn cung thị trường hạn chế do dịch Covid-19, nhiều dự án bất động sản chưa hoàn thành sản phẩm nên chưa bán được hàng. Trong đó, nhu cầu về đầu tư phát triển vẫn nhiều nên nguồn cung chưa đầy đủ, cầu tăng nên ảnh hưởng đến chính sách về phát triển nhà ở thu nhập thấp.
Vì vậy, Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng nghiên cứu chính sách, cơ chế để phát triển nhà ở thương mại giá thấp, hiện nay Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để lồng ghép sửa Luật Nhà ở trong thời gian tới, nếu được Quốc hội thông qua sẽ có cơ chế để giúp phát triển nhà ở giá thấp.
Về giải pháp để quản lý chặt chẽ vấn đề tài chính - tín dụng, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà & thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, cần tăng nguồn cung nhà ở xã hội, quản lý phát hành trái phiếu bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.
Giải pháp Quốc hội thông qua trong thời gian vừa rồi là Nghị quyết 43, Nhà nước sẽ cấp nguồn tài chính nhất định để phát triển nhà ở xã hội trong năm 2022 và 2023. Ưu đãi tín dụng cho vay, đặc biệt là hoàn thiện Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Đồng thời, đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra các thông tin về quy hoạch, các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện bán hàng, quản lý môi giới để tránh hiện tượng nâng giá đất.
“Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã đề xuất hỗ trợ trực tiếp cho ngân hàng xã hội để cho các đối tượng mua, thuê mua nhà vay với dự kiến đề xuất là 15.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ trong gói 40.000 tỷ đồng.
Gói chính sách này sẽ được hỗ trợ trong hai năm 2022 và 2023. Bộ Xây dựng đang có ý kiến yêu cầu các địa phương rà soát lại các dự án. Muốn chính sách hỗ trợ đi vào cuộc sống một cách hiệu quả thì phải thực hiện nhanh các dự án để các doanh nghiệp được vay và phải có nguồn cung nhà ở xã hội để người mua, thuê mua vay. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng sẽ tập trung vào các địa phương có nhu cầu về nhà ở công nhân, yêu cầu các địa phương lập danh mục phối hợp với ngân hàng để triển khai hỗ trợ đảm bảo yêu cầu”, Ông Khởi cho biết thêm.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng thông tin, mục đích của gói kích cầu hỗ trợ phát triển kinh tế năm 2022 và 2023, không phải cho phát triển thị trường bất động sản mà để hỗ trợ cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tuy nhiên, thị trường bất động sản phải luôn luôn được kiểm soát để phát triển ổn định và lành mạnh.
Nguồn: https://reatimes.vn/thi-truong-bds-phai-duoc-kiem-soat-de-phat-trien-on-dinh-20201224000009697.html