Du lịch là ngành hết sức nhạy cảm, rất dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, ngành Du lịch cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về cơ cấu lại thị trường khách. Trong những năm gần đây, khách nội địa chiếm 82,5%, khách quốc tế chiếm 17,5% tổng lượng khách du lịch đến Việt Nam; tỷ lệ tổng thu từ khách quốc tế và nội địa hầu như không thay đổi với 55,7% thu từ khách quốc tế và 44,3% thu từ khách nội địa.

Về khách quốc tế, thị trường Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan) luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, khoảng 66,8% năm 2019; thị trường ASEAN có tỷ trọng ổn định, khoảng 11,3% khách quốc tế đến Việt Nam; các thị trường truyền thống như Tây Âu, Bắc Mỹ, Australia vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng.

Theo báo cáo, khách du lịch nội địa đã tăng từ 57 triệu lượt người năm 2015 lên hơn 85 triệu lượt năm 2019, đóng góp đáng kể vào tổng thu của ngành Du lịch, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành Hàng không và nhiều ngành kinh tế khác.

Thiệt hại đối với ngành du lịch Việt Nam khoảng 23 tỷ USD

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thời gian qua, du lịch Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Giai đoạn 2015-2019, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 2,3 lần (từ 7,9 triệu lên 18 triệu) với tốc độ 22,7%/năm; khách nội địa tăng từ 57 lên 85 triệu lượt với tốc độ 10,5%/năm. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam được xếp hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019 (tăng 12 bậc so năm 2015).

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch trong thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch thế giới nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng sụt giảm nghiêm trọng. Dự báo hết năm 2020, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm hơn 80%, khách du lịch nội địa ước giảm khoảng 50% so năm 2019. Thiệt hại từ dịch Covid-19 đối với ngành du lịch nước ta ước tính lên đến 23 tỷ USD trong năm 2020.

Theo Báo Dân Sinh