Thanh minh cũng là đầu năm mới nên người dân không nên đập phá hay xây mới gì ở nơi mộ phần mà chỉ nên nhổ cỏ và tôn đắp mộ phần (nếu bị chuột, rắn… xâm phạm). Nếu cây cỏ nào bị chết khô thì cần tạ mộ xin chặt/nhổ cây đó đi để gia đạo an lành...
Nên thay cây nhỏ trên mặt mộ phần trong tiết Thanh minh
Các nhà phong thủy cho biết, người xưa quan niệm, cây cối tiếp linh khí trời đất, cây tươi tốt tức là đất lành, hậu nhân vận thế tốt. Do đó, khi xây mộ người ta thường để một ô đất nhỏ trên mặt mộ để trồng cỏ, cây hoa nhỏ nhằm tạo sinh khí, cảnh quan đẹp, mong con cháu cũng được hưởng phúc lành. Vì vậy, cứ tới tiết Thanh minh hàng năm, mọi người lại thay cây mới trên mộ phần.
Tuy nhiên, không phải loài cây nào cũng có thể trồng được ở khu mộ mà chỉ có một số loài cây hợp phong thủy mới nên chọn trồng.
Theo phong thủy âm trạch, việc trồng cây ở khu mộ phần tạo không gian thoáng, đẹp. Nhiều nhà có điều kiện đã thuê thầy kiến trúc quy tập mộ của dòng họ về cùng một mảnh đất để làm khu lăng mộ gia đình. Cây trồng ở mộ cần chọn những loài có ý nghĩa tốt lành.
Có thể trồng một cụm hoa thân cỏ hay cây có tuổi đời ngắn như hoa cúc, dạ yến thảo, cỏ bụi nhỏ… trên bề mặt mộ bởi đây đều là những loại cây sống được nơi đất khô, ít phải chăm tưới, vừa không rậm rạp, tránh được rắn chuột đào hang vừa tạo phong thủy tốt.
- Cây hoa cúc vàng đẹp mắt lại có mùi thơm phảng phất, có ý nghĩa kính trọng, biết ơn với thế hệ đi trước.
- Dạ yến thảo đa sắc màu, thân mềm yếu nên nếu chọn trồng trên mặt mộ phải năng ngắt ngọn để cây không bị già cỗi, lá nhỏ, cành gầy hoặc hoa không được thắm.
Các cây hoa thân cỏ nhập ngoại như hoa tóc tiên đều có vẻ đẹp mảnh mai, màu xanh tươi mát, sinh động và dễ sống nơi đất cát, lạnh giá. Nhược điểm của chúng là không sống chịu được nóng, nên chỉ sống được 3 mùa trong năm, tới mùa hè là cây tự lụi, năm sau bạn sẽ phải trồng lại.
Lưu ý chọn cây to trồng quanh khu mộ hợp phong thủy
Cũng theo phong thủy âm trạch, nếu khu mộ chỉ toàn cỏ dại thì không “cát”, còn khiến con cháu tới viếng có cảm giác cô đơn, hiu quạnh nên càng thương xót người đã mất. Vì thế mà ở khu vực này cần trồng cây to để tạo cảnh quan đẹp, tươi mát cho người mất an yên, người sống cũng được hưởng lộc, hưởng phúc.
Một số lưu ý quan trọng khi chọn cây to trồng quanh khu mộ:
- Nên chọn loài cây rễ cọc (rễ thẳng), tránh trồng cây rễ chùm bởi rễ ăn sâu, lan rộng có thể ăn vào xương cốt, hoặc nước, rắn theo rễ xâm nhập vào mộ khiến con cháu bất ổn, là đại hung. Nên có khoảng cách để đất dư trồng thêm một số loại cây hoa nhỏ, hoặc hoa thân cỏ.
- Nên trồng những cây hợp phong thủy, có hình dáng đẹp, tươi tốt.
- Không nên trồng bất cứ cây gì to (cây lâu năm) quá gần mộ phần để hạn chế những ảnh hưởng xấu tới mộ phần. Không nên chọn những cây thân lớn, cành tán xum xuê vì sẽ ảnh hưởng tới sinh khí ngôi mộ. Cũng không nên trồng những cây phát triển nhanh, cây thân leo ở mộ.
- Khi trồng cây phải đối xứng hai bên, trái phải đều nhau, tượng trưng cho âm dương hòa hợp, phúc lộc song toàn, như hai đại tướng trấn giữ bình an cho mộ phần. Nếu trồng cây lệch trái, hoặc lệch phải thì gia đạo có sự kỳ lạ, khó lý giải.
- Nên trồng cây phía sau mộ để có chỗ dựa vững chắc, con cháu được nhận phúc ấm của tổ tiên. Cành, lá cây phải xòe trên phần mộ - theo phong thủy như thế là con cháu được che chở, ấm áp.
- Hình dạng, khí chất của từng loại cây cũng cần chọn kỹ. Không trồng những cây có hình thù kì dị vì dễ mang tới cảm giác sợ hãi cho con cháu.
Một số loại cây hợp phong thủy nên trồng
1. Cây thông, cây tùng
Là biểu tượng cho sự hiên ngang, kiên tâm, giữ vững được phẩm chất cao đẹp trước phong ba bão tố, tượng trưng cho người quân tử, học rộng tài cao, cây thông, cây tùng cũng có ý nghĩa tôn sùng người quá cố, ghi nhớ tấm gương người đi trước cho con cháu noi theo. Cây tùng tán cao rộng, thân thẳng, được coi là loại cây cát tường, có ý tứ phúc lộc, trường thọ nên đón tài, đón lộc, tạo cảnh quan đẹp, mang tới phong thủy âm trạch tốt.
2. Cây đại hoa trắng hay đại hoa hồng
Đại hoa trắng và đại hoa hồng cũng là loại cây rất tốt theo phong thủy nên cũng được chọn nhiều nhất, bởi có vẻ đẹp thoát tục, thân cây trụi lá và những chùm hoa trên cao, tạo cảm giác linh thiêng, mênh mang trong không gian.
Người xưa cho rằng, cây hoa đại có thể hút sinh lực từ bầu trời chuyển xuống cho đất và nước để khởi phát một cuộc sống viên mãn. Hoa đại nở quanh năm, biểu tượng mùa xuân tươi mới, nguồn sức sống mới và thanh khiết. Theo nhà Phật thì cây đại là cây thiêng trong hệ cây thiên mệnh (nghĩa là sinh khí, linh hồn của vũ trụ, trời đất).
3. Cây xương rồng
Trong phong thủy, cây xương rồng thuộc vào loại đặc biệt, thân phát triển hướng lên trên, với hình dáng như bộ xương của loài rồng với ý nghĩa là mang đến sức mạnh cũng như có tác dụng dùng để ngăn chặn những hình sát mạnh bên ngoài. Vì vậy, xương rồng là một trong những loại cây có thể hung cao nhưng lại cực kỳ cấm kỵ khi bài trí trong nhà mà chỉ nên để ở ngoài cửa, như vai trò của người canh gác, bảo vệ bạn khỏi những năng lượng xấu, ngăn không cho chúng xâm nhập vào nhà.
Xương rồng có sức sống mãnh liệt, trồng ở nghĩa trang với mong muốn người quá cố ở thế giới bên kia sẽ có cuộc sống khỏe mạnh.
4. Cây hoa gạo
Hoa gạo còn được gọi với những cái tên khác như hoa mộc miên, hoa pơ lang, ban chi hoa... Loài hoa này thường nở rộ vào tháng 3, tháng 4. Người xưa cho rằng, cây hoa gạo có nhiều gai ở thân cây giống như những nấc thang bắc lên trời, là cái gạch nối giao hòa giữa cha trời và mẹ đất.
5. Cây hoa sứ
Hoa sứ vốn là biểu tượng cho sự tinh khiết, trong sáng và còn thể hiện sự yêu thương, tình cảm của mình đối với người khác. Loài cây này mang ý nghĩa phong thủy tốt đẹp, được coi là loài hoa cao quý, có khí chất khác với những loài hoa thông thường nên cũng hay được chọn trồng quanh khu mộ. Nhìn hoa như tưởng nhớ công ơn của người đi trước.
6. Cây thiết mộc lan
Cây thiết mộc lan là loại cây phong thủy, mang đến sự phát tài, may mắn, thuận lợi cho chủ nhân. Đặc điểm nổi bật của cây là khi bị cưa hay cắt thì cây sẽ đâm chồi, nảy lộc xung quanh vị trí bị cắt đi – nhánh mới đó tượng trưng cho lộc mới.
Khi mua thiết mộc lan người ta chọn cây theo lộc với ý nghĩa như sau: 2 – tình duyên; 3 – sự hạnh phúc; 5 – sức khỏe; 8 – tài lộc; 9 – thời vận. Thiết mộc lan còn được ưa chuộng đặc biệt bởi có khả năng thanh lọc, loại bỏ những độc tố trong không khí, đem đến cho chủ nhân cảm giác thoải mái, dễ chịu, tinh thần lạc quan. Với sức sống mãnh liệt và ý nghĩa may mắn cũng hay được trồng ở quanh khu mộ.