"Nếu hệ thống tín dụng, các công ty tài chính chính thống không đáp ứng được thì buộc người dân phải tìm đến tín dụng đen", Đại biểu Bùi Văn Xuyền chia sẻ.

- Xin ông đánh giá về tình hình tín dụng đen và nguyên nhân nở rộ loại hình này ở Việt Nam thời gian qua?

ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Thực chất, người dân luôn có nhu cầu vay vốn để sinh hoạt, làm ăn. Khi đó, tín dụng đen xuất hiện là do có nhu cầu từ thực tiễn. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu đó, từ thủ tục, quy trình, sản phẩm còn những hạn chế nhất định. Do đó, Ngân hàng Nhà nước nên phát triển các dịch vụ đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân như: Vay những món vay nhỏ, nhanh, cấp bách.

Mặt khác, trong hoạt động quản lý Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã có những giải pháp tham mưu, cơ quan công an đã triệt phá nhiều vụ việc cho vay nặng lãi nghiêm trọng gây ra mất ổn định xã hội.


Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền.

Nhưng, mấu chốt là phải giải quyết được nhu cầu của người dân. Hiện nay, chưa có những báo cáo, phân tích đánh giá nhu cầu đó ra sao, có chính đáng hay không, cấp bách như thế nào…

Hiện nay, vay ngân hàng phần lớn là phải có thể chấp, nhưng với tín dụng đen thì đơn giản hơn nhiều, rất nhanh nhạy, chỉ cần chứng minh thư nhân dân hoặc một giấy tờ tuỳ thân là có thể vay tiền.

Tôi biết hiện nay, người dân đi vay tiền ngân hàng cũng phải mất thời gian. Nhu cầu vay tiêu dùng có đặc điểm là cần nhanh trong ngày. Ví dụ như con cái bị tai nạn, ốm đau hoặc nhà phát sinh việc gấp… Cần đến tín dụng tiêu dùng rất nhanh nhậy đáp ứng được nhu cầu đó, bởi đây là điều mà những người đang cho vay tín dụng đen nắm được và đáp ứng được.

Khi dính vào tín dụng đen, lãi suất sẽ không thể kiểm soát được, khi phát sinh những vấn đề vay nợ, đòi nợ thuê sẽ dẫn đến nguy cơ mất ổn định xã hội.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg, về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Theo đó, cần có các chính sách mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; phát triển các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng, miền với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân để góp phần ngăn chặn tín dụng đen. Ông đánh giá ra sao về ý nghĩa của Chỉ thị này?

ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Đó là định hướng rất đúng đắn, đáp ứng nhu cầu của số đông người dân. Đó là nhu cầu vay tiền tiêu dùng trong thời gian ngắn, cấp bách và không cần thiết phải có tài sản thế chấp, với những khoản vay nhỏ chỉ vài triệu đồng cho đến vài chục triệu đồng.

Tôi cho rằng, cần phát triển mạnh hơn nữa tín dụng tiêu dùng tại vùng nông thôn. Một số ít đối tượng lợi dụng vay tiêu dùng nhưng phục vụ mục đích không chính đáng, nhưng điều này không đáng ngại. Khi cho vay, sẽ có những rủi ro nhất định như nợ xấu, cần xem xét, tính toán ở mức độ nhất định.

Điều quan trọng nhất hiện nay là đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống tín dụng tiêu dùng, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân, sẽ góp phần hạn chế tín dụng đen. Cùng với đó là rà soát, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về xử lý các hoạt động tín dụng đen.

- Theo quan sát của ông, thị trường tài chính tiêu dùng trên thế giới phát triển ra sao?

ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Đó là một thị trường rộng lớn và ổn định. Vay tiêu dùng ở nước ngoài chủ yếu giao dịch qua thẻ, hạn chế dùng tiền mặt nên minh bạch hơn. Ở các nước khác, những giao dịch phi pháp, không lành mạnh không nhiều, bởi khi vay và trả đều rõ ràng, căn cứ theo lương và thu nhập để vay mua nhà, mua xe, mua các sản phẩm…

Ở các nước khác, thị trường cho vay tiêu dùng được khích lệ, rất đa dạng, cạnh tranh và trật tự hơn Việt Nam, khi thông qua hệ thống tín dụng mạnh.

- Đang có nhu cầu vay tiêu dùng nhanh và cấp bách ở Việt Nam, thưa ông?

ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Rõ ràng nhu cầu các gói tín dụng nhỏ, cấp bách, phục vụ cho đời sống, mua sắm, tiêu dùng, khám chữa bệnh, thậm chí giải quyết các rủi ro trong cuộc sống là rất nhiều.

Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu đó, cần phát huy vai trò và đổi mới hoạt động của các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính. Khi đó, hoạt động của hệ thống tài chính mới vươn xa được, đảo bảo an toàn về nguồn tiền cho xã hội, không xảy ra nợ xấu.

Tôi biết, Ngân hàng Nhà nước cũng mong muốn làm được điều đó, nhưng phải mạnh dạn đề ra cơ chế, chính sách hợp lý để khuyến khích cho vay tiêu dùng.

Tôi cho rằng, người dân vay tiêu dùng không phải là nguyên nhân chính dẫn đến nợ xấu. Vấn đề là Nhà nước phải mạnh dạn và có thiết chế phù hợp.

- Nhà nước nên khuyến khích thị trường tài chính tiêu dùng như thế nào để đáp ứng nhu cầu của người dân, thưa Đại biểu?

ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Rõ ràng ở góc độ Chính phủ, khi có nhu cầu chính đáng của người dân phục vụ cho đời sống, cho tiêu dùng thì buộc cần phải có nguồn đáp ứng. Nếu hệ thống tín dụng, các công ty tài chính chính thống không đáp ứng được thì buộc họ phải đi ra ngoài, tìm đến tín dụng đen, bởi có cung và có cầu thì sẽ phát sinh.

Tôi cho rằng, Chính phủ phải chủ động tạo nguồn cung tốt cho người dân, và định hướng người dân sử dụng nguồn cung ấy. Khi đó, không ai tìm đến tín dụng đen để phải chịu lãi suất cắt cổ.

Đã có nhu cầu rất lớn và thiết yếu của người dân thì phải có điều tra và đánh giá toàn diện đề đưa ra chính sách hợp lý. Tôi cho rằng, đây là phương thức đổi mới hoạt động của hệ thống tín dụng, chứ không chỉ tập trung cho vay doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh mà phải tập trung đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Bởi đây là thị trường rất rộng, nếu bỏ ngỏ thì tội phạm tín dụng đen sẽ còn gây ra những phiền toái, hệ luỵ cho xã hội.

Chính phủ cần phải quan tâm hơn nữa đến hoạt động này để đáp ứng nhu cầu của người dân.

- Hơn nữa, như ông vừa phân tích, nếu như phát triển được thị trường tài chính tiêu dùng mạnh, sẽ góp phần kích cầu và phát triển nền kinh tế tốt hơn?

ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Để phát triển kinh tế phải phát huy vai trò của tiêu dùng. Bây giờ, Chính phủ còn phải khuyến khích người dân tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Rồi trong những thời kỳ lạm phát, kinh tế gặp khó khăn, xuất khẩu ách tắc, như một số quốc gia như Trung Quốc đang khuyến khích và phát động tiêu dùng trong nước.

Tiêu dùng là động lực của sản xuất, sản xuất ra không có tiêu dùng thì không có tái sản xuất. Đó là chu trình tác động lẫn nhau. Hệ thống tài chính tiêu dùng cũng phải mở rộng doanh số, doanh thu, địa bàn hoạt động.

Tôi không có đánh giá chính xác nhưng chắc chắn, thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam rất rộng lớn.

Khi cho vay tiêu dùng, cho vay cá nhân chắc chắn sẽ gặp phải những rủi ro, khó khăn nhất định. Nhưng khó khăn là điều tất yếu, việc của Nhà nước là làm sao hạn chế được rủi ro đó và phát huy vai trò của tài chính tiêu dùng: Vừa góp phần phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an ninh, an sinh xã hội cho người dân.

- Suy cho cùng vẫn là việc cần nhìn nhận, đánh giá, khảo sát kỹ càng và khách quan hơn nhu cầu tín dụng tiêu dùng trong xã hội, thưa ông?

ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Rất nhiều người cho rằng, mảng tiêu dùng vẫn còn dư địa rất tốt để phát triển. Tại sao các tổ chức tín dụng đen phát triển được như vậy? Bởi có nhu cầu. Tất nhiên, nhu cầu bất hợp pháp của người dân thì không tổ chức tín dụng hay công ty tài chính nào cho vay.

Nhưng ở khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hay công nhân, người lao động… luôn có những nhu cầu thường trực như sinh con, ốm đau, mua nhà, mua xe, mua ti vi, tủ lạnh… Người ta cần vay những khoản vay không quá lớn để tiêu dùng trước mắt.

Nhu cầu rất nhiều, rất lớn, Nhà nước và cơ quan chức năng cần vào cuộc chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính chính thống vào cuộc, để đảm bảo được mục tiêu kép, vừa hạn chế được tín dụng đen, đảm bảo an ninh xã hội, khu vực dịch vụ phát triển, kích cầu tiêu dùng, nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn.

- Ông có thể phân tích, nhận diện bản chất, sự khác biệt cơ bản nhất giữa tín dụng đen và cho vay tiêu dùng chính thống?

ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Trước hết, cho vay tiêu dùng ở các tổ chức tín dụng, công ty tài chính chính thống được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, hoạt động trên cơ sở của pháp luật.

Cho vay tín dụng đen hoạt động trá hình, luồn lách và rất tinh vi, nhanh nhạy. Chúng ta đã nhiều lần cảnh báo người dân, nhưng trước nhu cầu thực tiễn, họ vẫn phải tìm đến tín dụng đen. Rõ ràng ở chừng mực nào đó, người dân vẫn chưa phân biệt được hai loại hình này, nên cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền để người dân không vướng phải tín dụng đen.

Nếu có các nhu cầu chính đáng, người dân nên tìm đến các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính đang cho vay tín chấp theo quy định của pháp luật và phải nghiên cứu, tuân thủ quy trình, thủ tục, cam kết vay tiền và trả nợ.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Theo Mộc Anh/Đô Thị Mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/tin-dung-tieu-dung-con-bo-ngo-se-khong-day-lui-duoc-tin-dung-den-20201231000000611.html