Thời gian gần đây, khi thời tiết thay đổi liên tục làm cho trẻ nhỏ các nơi rất dễ bị nhiễm bệnh về đường hô hấp. Riêng tại TP. HCM, trẻ nhập viện tăng đột biến với các bệnh chủ yếu như viêm phổi, viêm phế quản... TP. Hồ Chí Minh: Bệnh hô hấp gia tăng đột biến (Ảnh TL) TP. Hồ Chí Minh: Bệnh hô hấp gia tăng đột biến 

Thông tin mới nhất của Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tháng 4/2019 cho biết, tỷ lệ trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết trong tháng 4 cao hơn so với cùng kỳ năm 2018 và tương đương so với tỷ lệ trung bình trong 5 năm vừa qua.

Đặc biệt hơn cả là tỷ lệ trẻ viêm tiểu phế quản, viêm phổi tăng rõ rệt trong tháng 4. Và tỷ lệ này có khuynh hướng tiếp tục gia tăng trong tháng tới. Theo thông tin từ phía Bệnh viện Nhi đồng 1, thời điểm hiện tại mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 5.000 bệnh nhi đến khám, phần lớn trẻ có triệu chứng mắc bệnh viêm đường hô hấp, viêm phổi và rối loạn tiêu hóa...

Kết quả khám bệnh cho thấy, trung bình mỗi ngày có khoảng 50 trẻ bị các bệnh lý như viêm phổi, viêm phế quản. Có khoảng 30 trẻ mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa phải nhập viện điều trị.

Theo thống kê tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, số bệnh nhi đến khám và nhập viện những ngày qua cũng tăng không ngừng. Đáng chú ý là số trẻ mắc bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, nôn ói tăng cao. Đáng kể, còn hàng nghìn trẻ điều trị ngoại trú do mắc các bệnh khác như viêm họng, viêm phế quản do nhiễm siêu virus.

Thông tin từ Phòng Kế hoạch tổng hợp của Bệnh viện Nhi đồng 2 cho thấy, trong tuần giữa tháng 4, bệnh viện tiếp nhận khoảng 3.500 đến 7.000 bệnh nhi đến khám. Trong số này có khoảng 7% phải nhập viện nội trú. Hiện số lượng bệnh nhi khám, chữa bệnh về đường hô hấp đang đứng đầu tại bệnh viện.

Số liệu trên còn chưa kể đến bệnh tay chân miệng ở trẻ cũng tăng 47%, các bệnh tiêu hóa tăng từ gần 15% so tháng trước. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này do nắng nóng và tia cực tím khiến sức đề kháng của trẻ em giảm. Tình trạng thiếu nước dẫn đến rối loạn điện giải, nguy cơ mắc các bệnh lý hô hấp. Ngoài ra, nhiệt độ tăng cao khiến thực phẩm dễ ôi thiu gây bệnh tiêu hóa.

Theo đó, để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sởi trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh mùa nắng nóng cao điểm, UBND thành phố vừa có công văn khẩn giao Sở Y tế phối hợp UBND các quận, huyện tiến hành rà soát, thống kê đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng bao gồm tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng chiến dịch phải triển khai tiêm đủ mũi vaccine phòng sởi cho trẻ em đạt tỷ lệ ít nhất 95% theo quy mô xã, phường, thị trấn.

Song song với công tác này, UBND TP. HCM cũng yêu cầu Sở Y tế tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ tình hình, diễn biến của bệnh sởi, phát hiện sớm các ổ dịch, tổ chức cách ly, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch, ngăn chặn không để dịch lây lan rộng. Triển khai hiệu quả tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 9 tháng và 18 tháng tuổi, đặc biệt thực hiện chiến dịch tiêm chủng phòng, chống bệnh sởi.

Cùng với đó là thực hiện tốt việc khám sàng lọc, phân luồng, thu dung, cách ly bệnh nhân, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo. Phát hiện sớm và điều trị tích cực các trường hợp diễn tiến nặng, chú ý các đối tượng có bệnh nền, giảm tối đa các trường hợp tử vong do mắc bệnh sởi đưa lại. Từ đó, có biện pháp tuyên truyền, ngăn chặn và phòng chống bệnh từ ngay ý thức giữ gìn vệ sinh, ăn uống, sinh hoạt của người dân.

Theo congluan.vn