Theo đó, những hồ sơ có dấu hiệu lừa đảo, phải xem xét chuyển ngay cơ quan điều tra để rà soát, khởi tố theo quy định của pháp luật. Đối với những hồ sơ đang xảy ra tranh chấp, cơ quan chức năng phải giải thích hướng dẫn các bên liên quan gửi đơn khiếu kiện đến tòa án để xét xử, làm rõ các vấn đề tranh chấp.
Đối với các hồ sơ thuộc trách nhiệm giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước, UBND các quận - huyện có trách nhiệm chủ động đẩy nhanh tiến độ giải quyết.
Trong trường hợp vượt thẩm quyền giải quyết, phải báo cáo, đề xuất cho UBND thành phố xem xét, giải quyết .Đồng thời, yêu cầu UBND các quận - huyện định kỳ hằng tuần phải báo cáo những nội dung như trên cho Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, tổng hợp, đề xuất UBND TP.HCM nắm được thông tin đểgiải quyết các vướng mắc,nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.
UBND TP.HCM cũng giao Sở Tài nguyên - Môi trường khẩn trương rà soát, tổng hợp các trường hợp tòa án đang xét xử các tranh chấp về quyền sở hữu căn hộ tại các chung cư tham mưu cho UBND TP.HCM có văn bản gửi tòa án để đôn đốc sớm đưa ra xét xử và báo cáo UBND thành phố biết và kiểm tra đôn đốc chỉ đạo.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM còn đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM trong giao ban với các ngân hàng phải có khuyến cáo về việc khi cho các chủ đầu tư dự án vay vốn, để thực hiện dự án đầu tư xây dựng chung cư phải hết sức chặt chẽ và cần công khai các thông tin thế chấp để người dân được biết; tránh phát sinh tranh chấp phức tạp, gây ảnh hưởng tình hình trật tự xã hội, gia tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.
Hiện nay, tốc độ đô thị hóa ở TP.HCM đang diễn ra nhanh chóng. Hàng nghìn dự án nhà chung cư được hình thành.
Bên cạnh sự phát triển như “vũ bão” đó, thời gian gần đây, nhiều chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo khi dự án chỉ nằm trên giấy cũng mang ra rao bán, dự án đang thế chấp vẫn mang ra giao dịch, thậm chí bán 1 căn hộ cho nhiều khách hàng,… tình trạng phổ biến nhất vẫn là mua căn hộ nhưng không được cấp giấy chứng nhận.