TP.HCM nỗ lực khép kín Vành đai 2 vào năm 2026

Mới đây, Văn phòng UBND TP.HCM có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, tại cuộc họp lần thứ 2 của Thường trực Ban chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm TP.HCM diễn ra ngày 3/4. Theo đó, người đứng đầu UBND TP.HCM chỉ đạo, với dự án Vành đai 2 (đoạn 1 và đoạn 2), Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông khẩn trương thực hiện chỉ đạo của UBND TP, đảm bảo tiến độ khởi công trong tháng 12/2024.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM được giao chủ trì, phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất liên quan đến ranh dự án đoạn 1, 2 đường Vành đai 2.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Vành đai 2 đoạn từ đường Võ Nguyên giáp đến đường Phạm Văn Đồng (Tp.Thủ Đức) của Sở Giao thông vận tải trình UBND TP.HCM, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 4.543 tỉ đồng cho đoạn này. Dự án được đề xuất triển khai từ năm 2023 - 2027.

Theo quy hoạch, Vành đai 2 TP.HCM dài khoảng 64km với 6-10 làn xe. Tuyến đường này đi qua thành phố Dĩ An (Bình Dương) và các quận Bình Tân, quận 7, quận 8, quận 12, huyện Bình Chánh và TP. Thủ Đức.

Theo UBND TP.HCM, đường Vành đai 2 là tuyến đường quan trọng của TP.HCM, kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị và các tuyến đường trục xuyên tâm, nhằm giảm tải cho khu vực nội đô, nhằm kết nối giao thông vùng.

Việc khép kín đường Vành đai 2 là hết sức cần thiết, cần triển khai ngay nhằm giải quyết việc vận chuyển hàng hóa qua các cảng phía Đông, Đông Bắc, phía Nam Thành phố như cảng Cát Lái, cảng Phú Hữu…

Sơ đồ các đoạn đường Vành đai 2 TPHCM (Đồ họa: Minh Hoàng)

Dự án này sẽ được chia thành 2 dự án thành phần, gồm dự án xây dựng và dự án bồi thường giải phóng mặt bằng. Thành phần 1 là xây dựng đường Vành đai 2 Thành phố, đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư.

Dự án thành phần 2 là bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư để phục vụ đầu tư xây dựng Vành đai 2 Thành phố, đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng do Ban Bồi thường giải phóng mặt bừng TP. Thủ Đức làm chủ đầu tư.

Thời gian qua, TP.HCM đã đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn tuyến với tổng chiều dài hơn 50km. Vì vậy, việc ưu tiên nguồn vốn để khép kín toàn bộ con đường này nhằm điều phối xe ở khu vực nội thành là vấn đề hết sức cấp bách. Dự án này nếu được kết nối đồng bộ với các tuyến đường trong khu vực sẽ giúp thúc đẩy phát triển hạ tầng khu Đông.

Diện mạo khu Đông thay đổi từng ngày

Việc khởi công dự án Vành đai 2 và dự kiến thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2026 đang giúp diện mạo bất động sản khu Đông TP.HCM thay đổi từng ngày. Gần đây, thông tin hai đoạn dự án Vành đai 2 chuẩn bị khởi công không chỉ được nhà đầu tư quan tâm, mà người mua ở thực cũng để ý do tính kết nối giữa các khu vực sẽ được tăng cường khi dự án hình thành. Vì vậy, các dự án bất động sản có vị trí gần tuyến Vành đai 2 đang có lợi thế ở giai đoạn này.

Ghi nhận cho thấy, thị trường đã xuất hiện trạng thái nhà đầu tư vào "đón đầu" hạ tầng nhằm kì vọng lợi nhuận bật tăng khi dự án hoàn thiện. Với người mua ở thực tâm lý "sợ bỏ lỡ" cơ hội giá tốt ở thời điểm này cũng bắt đầu hình thành. Họ đi tìm hiểu dự án và ra quyết định nhanh hơn.

Một số dự án căn hộ hay nhà phố ở khu vực này sức cầu đã rục rịch trở lại. Trong bối cảnh nguồn cung nhà ở sơ cấp, giá hợp lý tại khu vực khu Đông ngày càng nhỏ giọt thì sức cầu có dấu hiệu tăng nhịp trong các tháng đầu năm 2024.

Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông được đẩy nhanh tiến độ thi công, đang góp phần hoàn thiện kết nối khu Đông TP.HCM và tạo đòn bẩy cho thị trường bất động sản khu vực này phát triển mạnh thời gian tới

Theo các chuyên gia, việc thị trường bất động sản khu Đông sôi động trở lại trong thời gian gần đây là điều không quá khó hiểu. Bởi lẽ, thực tế khu vực này đang được trợ lực rất lớn về nền tảng kinh tế, cơ sở hạ tầng và chính sách, quy hoạch.

Cửa ngõ phía Đông TP.HCM nằm trong khu vực liên kết các tuyến, dự án giao thông trọng điểm quốc gia nên trong tương lai gần khi các công trình hoàn thành, không chỉ diện mạo hạ tầng thay đổi mà đây cũng sẽ là khu vực đóng vai trò trung chuyển, tâm điểm liên kết các đầu tàu kinh tế.

Trong đó, cụm liên kết đang hình thành bao gồm: liên kết Đông Nam Bộ - Tây Nam Bộ thông qua Vành đai 3, cao tốc Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức - Long Thành; liên kết TP.HCM - Đông Nam Bộ qua Vành đai 3, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; liên kết TP.HCM - Nam Trung Bộ qua cao tốc Long Thành - Dầu Giây, Phan Thiết - Dầu Giây… Tất cả tạo nên bức tranh hạ tầng giao thông đa tầng, khép kín, hiện đại bậc nhất cả nước.

Đường Vành đai 2 TP.HCM khép kín cùng loạt hạ tầng đã hiện hữu hoặc đang đẩy mạnh đầu tư tại khu vực phía Đông như Vành đai 3, cao tốc TP.HCM – Dầu Giây – Phan Thiết, nút giao Mỹ Thủy, cầu Cát Lái, cao tốc Bến Lức – Long Thành, Biên Hòa – Vũng Tàu, Sân bay Quốc tế Long Thành, Metro số 4… đang tạo thành chuỗi giao thông liên kết vùng cho khu vực này.

Chưa kể, khu Đông còn là khu vực có tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên. Đây là công trình đường sắt đô thị đầu tiên ở TP.HCM dự kiến thi công xong cuối năm nay, vận hành tháng 6/2024. Theo đó, mô hình quy hoạch đô thị TOD (Transit Oriented Development) cũng có tiềm lực phát triển tại đây khi có lợi thế về hệ thống đường sắt đô thị.

"Bệ phóng" cho thị trường bất động sản

Theo dự báo của Cushman & Wakefield Việt Nam, nguồn cung nhà ở, bao gồm cả căn hộ chung cư và nhà liền thổ tại TP.HCM giai đoạn 2024 – 2026 sẽ chủ yếu nằm tại khu vực phía Đông. Nhờ hấp lực từ hạ tầng và xu hướng "ly tâm" của giới đầu tư, bất động sản khu vực phía Đông có điều kiện thuận lợi để hồi phục và phát triển tích cực.

Ghi nhận thực tế cũng cho thấy, trong những tháng đầu năm 2024, các dự án tại khu Đông TP.HCM đang lần lượt được công bố triển khai trở lại. Ở phân khúc căn hộ, dự án Eaton Park toạ lạc ngay mặt tiền đại lộ Mai Chí Thọ, quận 2 cũ (nay thuộc TP Thủ Đức) là một trong những dự án được khởi công rầm rộ thời gian qua bởi chủ đầu tư Gamuda Land. Dự án gần 3,8 ha này đang được quy hoạch thành 6 tòa tháp cao 29-39 tầng, cung cấp ra thị trường hơn 2.000 sản phẩm với tổng giá trị phát triển ước tính hơn 1,1 tỷ USD. Dự án gây chú ý khi các căn hộ tại đây có giá lên tới 130-135 triệu đồng/m2.

Tại khu đô thị Vinhomes Grand Park (quận 9 cũ, nay thuộc TP Thủ Đức), phân khu căn hộ cao cấp The Opus One cũng đang được chủ đầu tư tất bật xây dựng. Theo thông tin từ các đơn vị môi giới, The Opus One dự kiến mở bán đợt 1 trong quý 2 năm nay, với giá rumor từ 5.000 USD/m2 (khoảng 127 triệu đồng/m2).

Trong khi đó, ở phân khúc nhà phố, biệt thự, chủ đầu tư Masterise Homes đang dẫn đầu thị trường về giá bán với dự án The Global City tại đường Đỗ Xuân Hợp với giá bán lên đến hơn 400triệu/m2. Sự ra mắt của cụm tiện tích này cũng đồng thời giúp gia tăng giá trị mạnh mẽ cho nhiều dự án trong cùng khu vực đường Đỗ Xuân Hợp, đường Võ Chí Công… .

Ngoài ra, Vingroup cũng mới công bố sẽ khai trương khu trung tâm thương mại MegaMall và công viên nước VinWonders trong khu đô thị Vinhomes Grand Park. Có thể nói, sự cộng hưởng của hệ thống hạ tầng nội đô lẫn kết nối liên vùng từ các công trình cao tốc đang thúc đẩy mạnh mẽ sự gia tăng giá trị của các dự án khu Đông TP.HCM.

Hạ tầng hoàn thiện sẽ là yếu tố thúc đẩy xu hướng chuyển cư đến khu Đông TP.HCM, tạo sức bật cho thị trường bất động sản

Từng chia sẻ về mặt bằng giá đất TP. Thủ Đức trong tọa đàm "Tương lai của Thành phố Thủ Đức", chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Thế Hiển cho rằng, giá nhà đất khu Đông tăng nhanh là bởi khu vực có tiềm năng nên nhà đầu tư đón đầu, tạo nên làn sóng về giá. Thậm chí, ở giai đoạn sau họ sẵn sàng mua với giá cao. Về mặt hạn chế là giá lên cao sẽ ảnh hưởng đến quá trình tìm kiếm quỹ đất để phát triển dự án tương thích của các chủ đầu tư.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng đánh giá, khu Đông TP.HCM tương lai sẽ có hạ tầng kết nối hiện đại, thông thoáng khi là tâm điểm kết nối giữa hai sân bay quốc tế, cùng tuyến đường sắt trên cao và cảng biển. Tại đây vừa có thành phố xanh, khu trung tâm thể thao, mang dáng dấp một đô thị đua tranh với quốc tế, nơi xứng đáng để sống, để cống hiến trí tuệ và sự sáng tạo.

Cách đây 4 năm, TP.HCM xây dựng chiến lược thành lập thành phố Thủ Đức (khu đô thị sáng tạo phía Đông), trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức. Với tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.000 ha và quy mô dân số hơn một triệu người, Thủ Đức trở thành "thành phố trong thành phố" đầu tiên của Việt Nam.

Vị chuyên gia đánh giá TP.HCM đang được tạo những cơ chế đặc thù, giải pháp chiến lược để bứt phá. Thành phố đang được định hướng là một siêu đô thị, là đầu tàu siêu tốc dẫn dắt sự phát triển của cả phía Nam. Chân dung Đông Nam Bộ và TP.HCM đang ngày một sáng lên, mang tính khát vọng cao.

Với định hướng phát triển là trung tâm kinh tế, tri thức, khoa học – công nghệ, tài chính của TP.HCM, hiện khu vực này đang được kì vọng đầu tư loạt hạ tầng cơ sở, cơ chế chính sách, tài chính…điều này chắc chắn sẽ tác động rõ nét đến thị trường bất động sản khu Đông trong tương lai./

Theo reatimes.vn

Nguồn: https://reatimes.vn/tphcm-no-luc-khep-kin-vanh-dai-2-vao-nam-2026-co-hoi-cho-bat-dong-san-khu-dong-chuyen-minh-20224060412253835.htm