Ngày 11/6, UBND TP.HCM có chỉ đạo về việc tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn. Cụ thể, UBND TP.HCM yêu cầu Sở TN&MT, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện, lực lượng công an, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý khu công nghệ cao tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cho người dân và doanh nghiệp.
Mặt khác, ban hành kết luận kiểm tra doanh nghiệp sau khi kết thúc đoàn kiểm tra, để doanh nghiệp biết, thực hiện và làm cơ sở để người dân, cơ quan chức năng giám sát. Bên cạnh đó, giải quyết hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Đồng thời để đẩy mạnh việc tuyên truyền về bảo vệ môi trường Sở GTVT TP.HCM cũng có văn bản gửi Sở Xây dựng, UBND TP. Thủ Đức và một số quận, huyện liên quan về việc đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống trên nhà tạm ven sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Sở GTVT TP.HCM đề nghị UBND TP.Thủ Đức, quận 4, 8; huyện Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ và các quận, huyện có liên quan chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp xây dựng công trình không phép, trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ sông, kênh, rạch thuộc địa bàn quản lý.
Thống kê cho thấy, chỉ năm tuyến kênh chính khu vực nội thành đã có hơn 20 nghìn hộ dân đóng cọc, lấn chiếm lòng kênh làm nhà ở. Các hộ này mỗi ngày thải vào hệ thống kênh, rạch của thành phố hàng trăm tấn rác và 70.000m3 nước thải các loại chưa qua xử lý. Ngoài ra, còn 90% trong số 1,2 triệu m3 nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp chưa qua xử lý xả trực tiếp vào hệ thống kênh, rạch.
Trước đó, qua kiểm tra, tuần tuyến trên các tuyến đường thủy nội địa, Trung tâm Quản lý dường thủy - Sở GTVT TP.HCM phát hiện nhiều trường hợp người dân, doanh nghiệp xây dựng nhà tạm trên nền kết cấu cừ tràm, cừ dừa, cột bê tông, tồn tại từ lâu, cột móng bị xuống cấp, có nguy cơ bị sụp đổ xuống sông rất cao, ảnh hưởng an toàn tính mạng, tải sản của người dân trong mùa mưa bão.
Qua đó, để xảy ra tình trạng ô nhiễm kênh, rạch trầm trọng như hiện nay là do hàng trăm nghìn hộ dân sinh sống hai bên bờ kênh, rạch, hàng nghìn doanh nghiệp, xưởng sản xuất nhỏ, hàng trăm bệnh viện, hàng chục khu công nghiệp... đều thải rác sinh hoạt, nước chưa qua xử lý trực tiếp xuống kênh, rạch.
Như vậy, có thể thấy việc tự ý xây dựng nhà không được cấp phép, không đúng kế cấu của các hộ dân tại đây không chỉ ảnh hưởng đến an toàn về tính mạng và tài sản của họ mà còn là nguyên nhân trực tiếp gây ra ôi nhiễm môi trường. Ðể làm sạch hệ thống kênh, rạch trước mắt thành phố cần kiên quyết giải tỏa các hộ dân sống hai bờ kênh. Khẩn trương xây dựng quy chế rõ ràng và thành lập một bộ phận đủ mạnh, có thực quyền để xử lý các hành vi vi phạm.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/tphcm-tang-cuong-xu-ly-vi-pham-moi-truong-56351.html