1. Vậy thì trí thông minh cảm xúc là gì?
Peter Salovey và John D.Mayer – được coi là cha đẻ của khung lý thuyết về trí thông minh cảm xúc. Họ định nghĩa như sau:
“Khả năng theo dõi cảm giác và cảm xúc của mình cũng như của người khác, phân biệt chúng, và sử dụng thông tin này để dẫn dắt tư duy và hành động của mình”
5 phần của trí thông minh cảm xúc:
Khả năng am hiểu bản thân: Kiến thức về các trạng thái bên trong, sở thích, nguồn lực và trực giác của chính mình.
Khả năng kiểm soát bản thân: Khả năng quản lý các trạng thái bên trong, các xung động, và nguồn lực của chính mình.
Động lực: Những xu hướng cảm xúc dẫn dắt hoặc hỗ trợ việc đạt được mục tiêu
Cảm thông: Khả năng am hiểu cảm xúc, nhu cầu và mối quan tâm của người khác
Kỹ năng xã hội: Sự thành thạo trong việc gợi ra những phản ứng mong muốn bên trong người khác.
5 phần nhỏ thôi nhưng có ảnh hướng đến gần hết mọi mặt để thành công trong cuộc sống, EQ này tham lam thật.
“Vâng, rất hay nhưng thế thì trí thông minh cảm xúc có tác dụng gì cho tôi?”
Ảnh minh họa |
2. Những lợi ích của trí thông minh cảm xúc
Trong bối cảnh công sở, trí thông minh giúp trang bị ba bộ kỹ năng quan trọng: Hiệu suất làm việc nổi bật, năng lực lãnh đạo xuất sắc và khả năng tạo ra các điều kiện cho hạnh phúc.
a. Hiệu suất làm việc nổi bật
Các nghiên cứu đã cho thấy năng lực cảm xúc quan trọng gấp đôi chuyên môn và kiến thức thuần túy trong việc tạo ra sự hoàn hảo.
Theo một nghiên cứu thì sáu năng lực đứng đầu giúp phân biệt những người làm việc hiệu suất cao với những người làm việc bình thường trong khu vực kỹ thuật là:
Khát khao đạt được thành tựu và tiêu chuẩn thành tựu cao
Khả năng gây ảnh hưởng
Tư duy khái niệm
Khả năng phân tích
Chủ động chấp nhận thử thách
Tự tin
Trong 6 năng lực này, chỉ có hai năng lực (Khả năng phân tích và tư duy khái niệm) là những năng lực thuộc về trí thông minh thuần túy. Bốn năng lực kia, kể cả hai năng lực đứng đầu là năng lực thuộc về trí thông minh cảm xúc.
Trí thông minh cảm xúc cao có thể giúp cho bất kỳ ai trở nên xuất sắc trong công việc, thậm chí cả kỹ sư.
b. Năng lực lãnh đạo xuất sắc
Daniel Goleman đã nêu ra một phân tích cho thấy năng lực cảm xúc chiếm từ 80 đến 100% những năng lực đặc trưng của những nhà lãnh đạo xuất sắc.
Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi chuyên gia lãnh đạo Wallace Bachman cho thấy:
Những Trung tá Hải quân Mỹ nổi bật thường “Tích cực hơn, cởi mở hơn, biểu cảm hơn, ấn tượng hơn, ấm áp hơn, hòa đồng hơn(bao gồm cả cười nhiều hơn), thân thiện hơn, dân chủ hơn, hợp tác hơn, dễ thương hơn, ở cạnh vui hơn, khen nhiều hơn, đáng tin cậy hơn và thậm chí nhẹ nhàng hơn những người chỉ ở mức trung bình”
Khi nghĩ về những lãnh đạo trong quân đội, tôi nghĩ họ là những người cứng rắn thích hét vang quân lệnh và muốn được tuân lệnh, vì vậy, tôi thấy thật thú vị khi biết trong môi trường quân đội, thứ phân biệt nhà lãnh đạo tốt nhất với những người chỉ ở mức trung bình cũng là trí thông minh cảm xúc.
Những trung tá quân đội giỏi nhất về cơ bản à những người tốt và ở cạnh rất vui. Một điều khá hài hước là tên nghiên cứu của Bachman là “Người tốt về đích trước”
c. Khả năng tạo ra các điều kiện cho hạnh phúc
Có lẽ điều quan trọng nhất là trí thông minh cảm xúc đem lại các kỹ năng giúp chúng ta tạo ra các điều kiện cho hạnh phúc lâu dài của mình.
Matthieu Ricard – Người được mệnh danh là người hạnh phúc nhất thế giới khi một nghiên cứu đo chỉ số não bộ, chỉ số của ông vượt qua ngưỡng đo được của máy.
Ông định nghĩa hạnh phúc là “Một cảm giác viên mãn sâu sắc xuất phát từ một cái tâm lành mạnh tuyệt vời… không phải là một cảm giác vui vẻ đơn thuần, một cảm xúc thoáng qua, hay một tâm trạng, mà là trạng thái hiện hữu trọn vẹn”
Và trạng thái hiện hữu trọn vẹn đó là “Sự cân bằng cảm xúc sâu sắc được đạt đến thông qua việc am hiểu tinh tế cách hoạt động của tâm”.
Theo kinh nghiệm của Mathieu, hạnh phúc là một kỹ năng có thể rèn luyện được. Việc rèn luyện đó bắt đầu bằng sự nhận thức sâu sắc tâm trí, cảm xúc và kinh nghiệm của chúng ta về hiện tượng.
Sau đó, nó sẽ tạo điều kiện cho những phương pháp giúp tối đa hóa hạnh phúc bên trong của chúng ta ở một mức độ sâu rồi cuối cùng tạo ra hạnh phúc lâu dài.
3. Làm sao để tăng cường trí thông minh cảm xúc?
Thiền định: Không chỉ là phương pháp để rèn luyện trí thông minh cảm xúc tốt nhất. Thiền định còn đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe và trí tuệ.
Một nghiên cứu của ĐH Harvard tại Bệnh viện tổng hợp Massachusetts đã cho ra kết quả đáng kinh ngạc về hiệu quả hữu hình của thiền định lên cấu trúc não người. Chỉ sau 8 tuần tập luyện thiền định, kết quả chụp MRI cho thấy chất xám trong não những tình nguyện viên đã tăng lên rõ rệt.
Những người thành công trên thế giới cũng thiền định, bạn có thể tìm hiểu nhiều bài báo nói về Steve Jobs thiền định, Khóa học Search Inside Yourself nổi tiếng của Google, Tập đoàn FPT cũng đang đưa thiền định vào áp dụng cho nhân viên của mình,…
Nhật ký theo dõi cảm xúc: Một bài tập dễ dàng là viết nhật ký theo dõi cảm xúc mỗi ngày. Có thể viết trên file excel theo mẫu trong ảnh dưới hoặc viết vào sổ tay nếu thích. Một bài tập khá dễ để để hiểu cảm xúc, hành động của chính mình và cách làm chủ bản thân khi gặp phải trường hợp tương tự.
Cầu nguyện và biết ơn mỗi ngày: Mỗi sáng thức giậy hoặc lúc rảnh rỗi, hãy thử cầu nguyện hoặc cảm ơn những gì mình đang có. Đơn giản đúng không nào, hãy thử và bạn sẽ có thể hạnh phúc ngay tức thì mà không cần kiếm tìm ở đâu.
Rèn luyện kỹ năng lắng nghe thấu cảm: là một phương pháp lắng nghe và đặt câu hỏi giúp bạn không chỉ thấu hiểu thông tin mà còn cả cảm xúc của đối phương.
Nguyễn Sinh