Thời gian qua, một số cá nhân thiếu ý thức không khai báo về tình hình sức khỏe. Thậm chí có người còn trốn khỏi nơi đang được yêu cầu cách ly. Hành vi này gây ảnh hưởng xấu và nguy hiểm đối với công tác phòng chống dịch Covid-19. Mới đây, Bộ Công an đã chỉ đạo sẽ xử lý nghiêm những cá nhân có hành vi trên.
Chủ trì Hội nghị trực tuyến của Bộ Công an về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 diễn ra mới đây, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã nhấn mạnh việc phải xử lý nghiêm các trường hợp khai báo gian dối, không chấp hành cách ly.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, hiện nay dịch đã diễn biến hoàn toàn khác theo chiều hướng phức tạp, khó lường, do đó cần rà soát kế hoạch, kịch bản, quy trình công tác phối hợp phòng, chống dịch với các cơ quan chức năng ngành y tế và quân đội nhân dân để đảm bảo chặt chẽ, không bỏ trống nhiệm vụ, không trùng dẫm. Phối hợp với các đơn vị chức năng đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời ổ dịch, giảm lây lan trong cộng đồng. Thực hiện các biện pháp bảo vệ con người nhằm hạn chế thấp nhất tử vong.
Đối với các hoạt động của lực lượng công an cần tính toán phương án đảm bảo dư địa quân số thực hiện nhiệm vụ. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng y tế và các lực lượng chức năng liên quan khác nhằm làm tốt công tác kiểm dịch y tế, kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ tăng cường các biện pháp sàng lọc, quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu, biên giới và thực hiện nghiêm việc khai báo y tế bắt buộc theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19. Phối hợp các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp không khai báo, khai báo gian dối và không chấp hành cách ly theo quy định.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang trở thành đại dịch ở nhiều nước trên thế giới, quy định khách nhập cảnh vào Việt Nam bắt buộc phải khai báo y tế là phù hợp hoàn cảnh khách quan của quốc gia, thế giới và với cá nhân mỗi người. Người nhập cảnh vào Việt Nam cần khai báo y tế trung thực, thể hiện trách nhiệm với chính bản thân mình, với gia đình và đây là nghĩa vụ bắt buộc với xã hội để phòng, chống dịch bệnh. Các trường hợp đi qua vùng dịch không khai báo hoặc khai báo y tế gian dối để trốn tránh cách ly có thể gây ra hậu quả khôn lường trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đối với trường hợp khai báo y tế gian dối để trốn tránh cách ly y tế, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự. Tại Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định, người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, sẽ bị phạt tiền 5 - 10 triệu đồng.
Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị các cơ quan truyền thông trong công an nhân dân tích cực tuyên truyền, phổ biến về các biện pháp, giải pháp của lực lượng công an nhân dân trong phối hợp với các đơn vị chức năng ngành y tế và quân đội tổ chức phòng, chống dịch bệnh… “Mỗi cán bộ chiến sĩ trong thời gian tới phải xung kích với ngành y tế và chính quyền địa phương trở thành một kênh thông tin tuyên truyền tại cơ sở để người dân nắm và thực hiện tốt” – Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, yêu cầu Ban chỉ đạo của Bộ Công an phối hợp công an các đơn vị, địa phương nghiên cứu, triển khai thực hiện; tạo tâm lý bình tĩnh, không hoang mang trong nhân dân. “Công an nhân dân phải là một trong những điểm tựa vững vàng về tinh thần cho quần chúng nhân dân trong thời điểm này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu toàn lực lượng công an hoàn thành khai báo y tế, báo cáo kết quả lãnh đạo Bộ. Đồng thời, chủ động tuyên truyền để người thân, gia đình cán bộ chiến sĩ hoàn thành khai báo y tế trong thời gian sớm nhất. Bộ Công an đã có điện chỉ đạo, yêu cầu các lực lượng công an nhân dân đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hoạt động chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động, khủng bố; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các tổ chức phản động, khủng bố; số chống đối trong nước và hoạt động chống phá trên không gian mạng.
Yêu cầu tập trung nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi buôn lậu, đầu cơ, sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng đối với các mặt hàng là vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường quản lý người nước ngoài; tăng cường quản lý địa bàn để chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện các nguyên tắc của phòng dịch là: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng sớm...
Đồng thời đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo trên cơ sở bám sát các yêu cầu, nhiệm vụ, thể hiện vai trò của người lãnh đạo đơn vị, chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ về tiến độ, chất lượng công tác; quyết liệt chạy đua với thời gian, tận dụng tối đa những điều kiện thuận lợi để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; thực hiện thật cụ thể, thiết thực mà kết quả cuối cùng là khống chế thành công dịch bệnh Covid-19, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khoẻ cho cán bộ chiến sĩ công an nhân dân gia đình thân nhân và nhân dân.
Đề nghị lãnh đạo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh và lãnh đạo Bộ Y tế quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc tích cực phối hợp với các đơn vị công an trong phòng, chống dịch và công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, đặc biệt là tại các địa bàn có người nhiễm bệnh; quan tâm trang bị trang thiết bị y tế, hoá chất phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới...
Cụ thể, Nhà nước phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Biện pháp khắc phục hậu quả: Nhà nước buộc đối tượng vi phạm thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với hành vi khai báo y tế gian dối. Bên cạnh đó, cần lưu ý nếu người có hành vi trốn khỏi nơi cách ly mà mang mầm bệnh, lây nhiễm cho người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Nếu bị truy tố, tùy theo mức độ gây thiệt hại mà đối tượng phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 12 năm và có thể bị phạt tiền 20 - 100 triệu đồng.