Nhiều loại trái cây được mùa, tăng giá

Thời tiết nắng nóng, sức mua các loại trái cây giải nhiệt trong nước tăng lên và thị trường Trung Quốc ấm trở lại là nguyên nhân lại khiến nhiều loại trái cây tăng giá.

Theo doanh nghiệp sản xuất chuối tại Long An, giá chuối hiện tốt hơn hẳn so với năm ngoái. Nguyên nhân là do sản lượng chuối của Philippines sụt giảm mạnh, vùng Quảng Tây (Trung Quốc) mất mùa nên thị trường này tăng lượng nhập từ Việt Nam, đẩy giá tăng cao.

Mặt khác, hiện lượng chuối cung ứng cho thị trường giảm nên cầu vượt cung khiến sản phẩm "sốt" giá. Cũng nhờ giá cao nên vụ chuối năm nay người dân có lãi khá.

Bên cạnh đó, vụ mít Thái năm nay, nông dân ở Tiền Giang lãi lớn nhờ giá tăng 40% so với mọi năm. Theo người dân trồng mít ở đây, mít tại vườn nhà được thương lái tới hỏi mua liên tục. Nếu năm ngoái ông bán giá 45.000 đồng một kg thì năm nay thương lái trả 65.000 đồng. Đa phần hàng đạt chuẩn xuất qua Trung Quốc nên hiện trong nước không còn nhiều. Nếu có thì cũng chỉ toàn là loại 2, 3 và hàng dạt.

trung quoc tang mua nhieu loai trai cay duoc gia
Nhiều loại trái cây được giá so với năm ngoái.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, mít Thái đang được thu mua với giá 60.000 - 65.000 đồng một kg. Toàn tỉnh có khoảng 3.700 ha mít Thái và còn đang tăng mạnh bởi bà con tranh thủ thời cơ mít có giá đua nhau cải tạo đất đai, mở rộng diện tích theo mô hình chuyên canh hoặc xen canh trong vườn trồng các cây ăn quả khác.

Không chỉ chuối, mít Thái, mùa này sầu riêng ở Lâm Đồng cũng là loại quả tăng giá mạnh. Theo đó, giá sầu riêng tại địa phương này tăng lên mức 65.000 - 70.000 đồng một kg, tức tăng thêm khoảng 20.000 - 25.000 đồng một kg so với năm ngoái.

Trao đổi với báo chí, đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết, giá sầu riêng đầu vụ năm nay tăng cao hơn so với mọi năm. Giống Monthong giá bán tại vườn 70.000 - 75.000 đồng một kg, còn Ri 6 có giá 50.000 - 65.000 đồng. Nguồn cung ít, đây lại là đầu vụ nên sản lượng thấp khiến giá đội lên cao. Năm nay thương lái đi thu gom mạnh hơn so với mọi năm.

Nếu các năm trước, mùa này giá thanh long giảm, nhưng năm nay, các nhà vườn trồng thanh long được dịp bội thu vì giá loại quả này đang tăng mạnh.

Đơn cử, thanh long ruột trắng loại tuyển tại Bình Thuận, giá cũng tăng thêm 40% so với vụ năm ngoái, lên 16.000 - 18.000 đồng một kg. Còn tại Long An, giá thanh long ruột đỏ loại 1 đang được thương lái thu mua ở mức 35.000 - 40.000 đồng một kg, trong khi vào thời điểm năm ngoái giá thanh long giảm xuống còn chưa đầy 10.000 đồng.

Cần tăng cường chế biến, nâng cao giá trị nông sản

Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp, trái cây Việt Nam chủ yếu được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ở dạng tươi (khoảng trên 90%), còn lại để chế biến. Điều này tạo ra một sức ép tiêu thụ lớn trong thời gian ngắn khi rau quả đến kỳ thu hoạch khiến tình trạng giải cứu nông sản liên tục lặp lại.

Cả nước hiện chỉ có khoảng 145 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp, với tổng công suất thiết kế trên 800.000 tấn sản phẩm/năm nhưng hầu hết các nhà máy đều trong tình trạng thiếu nguyên liệu, công suất thực tế chỉ đạt khoảng 50% công suất thiết kế. Các sản phẩm quả chế biến hiện nay chủ yếu gồm: đồ hộp (dứa, nước quả... - chiếm khoảng 50%), đông lạnh (dứa, sầu riêng…), nước quả, sấy chiên chân không, sấy dẻo, muối,…

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm gần đây, doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn trong nước, đã quan tâm đầu tư mạnh vào lĩnh vực chế biến rau quả. Nhiều công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại đã được sử dụng - như thiết bị đóng gói của Tetra Pak; công nghệ và thiết bị cô đặc có thu hồi hương; công nghệ và thiết bị sấy lạnh, sấy bơm nhiệt... - kỳ vọng sẽ giúp gia tăng giá trị rau quả, hỗ trợ tiêu thụ cho các vùng trồng.

Nguyễn My

Theo tbck.vn