Trung Quốc đang phải đối mặt với một vấn đề nan giải khi cố gắng quay trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài trong bối cảnh lo ngại nhân viên trên khắp đất nước đi làm sẽ làm lây lan virus chết người Corona.
Theo ông Lu Zhengwei – Chuyên viên Kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Công nghiệp tại Thượng Hải, việc cho phép lực lượng lao động trở lại làm việc là rất quan trọng để duy trì tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ chống lại bùng phát dịch.
Rõ ràng, những người sử dụng lao động hiện đang trả tiền thuê nhà, tiền lương và phúc lợi xã hội cho nhân viên của họ, không gì có thể bù lại được. Ông nói thêm rằng hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc chỉ có thể cầm cự thêm được khoảng một tháng trong tình hình hiện tại.
Sau khi Nhà nước Trung Quốc ban hành chỉ thị kéo dài kỳ nghỉ như một biện pháp ngăn chặn sự bùng phát virus, một số tỉnh và thành phố - bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Chiết Giang và Quảng Đông - đã đẩy lùi hoạt động trở lại đến thứ Hai tuần tới. Một số lượng lớn các công ty Trung Quốc cho nhân viên làm việc tại nhà, kiềm chế sự lây lan của virus.
Các hoạt động kinh doanh bị trì hoãn thời gian dài sẽ tác động đến nền kinh tế của đất nước, vốn đã chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại kéo dài với Mỹ.
Ông Lu cho biết việc sớm đưa mọi người trở lại làm việc là rất quan trọng để hỗ trợ các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh. Tất cả việc cung cấp khẩu trang, quần áo bảo hộ và chất khử trùng sẽ phụ thuộc vào việc bao nhiêu nhân viên trở lại làm việc.
Trung Quốc có khả năng sản xuất 20 triệu chiếc khẩu trang một ngày chỉ với khoảng 60% công suất. Tuy nhiên, tại thời điểm này, các nhà sản xuất thiết bị y tế hoạt động hết công suất cũng chỉ có thể tạo ra khoảng 600.000 chiếc khẩu trang N95 mỗi ngày.
Việc thiếu thốn khẩu trang trên toàn quốc đã khiến một số người Trung Quốc phải tự làm. Như tại làng Puyang thuộc tỉnh Thiểm Tây, một nhóm các bà nội trợ đã thành lập một xưởng may nhỏ để làm ra những chiếc khẩu trang tự chế cung cấp cho dân làng.
Shen Ji, Bí thư đảng ủy của Ủy ban Y tế tỉnh Tứ Xuyên, tuần trước gợi ý người dân có thể tự làm khẩu trang bằng vải và bông bình thường nếu không mua được khẩu trang y tế.
Nỗi lo của người Trung Quốc tăng lên khi truyền thông nước này cho biết hàng triệu khẩu trang giả nhái sản phẩm của công ty thiết bị y tế Henan Piaoan đã tràn ngập thị trường. Những chiếc khẩu trang này được sản xuất bằng vật liệu không đạt chuẩn, mỏng dính và có mùi hôi, nhưng đã được bán ở nhiều tỉnh thành của Trung Quốc. Công ty Henan Piaoan đã lên án hành vi làm nhái khẩu trang này, trong khi dư luận Trung Quốc cũng rất phẫn nộ.
Tại khu tự trị Tây Tạng, nơi không có nhà máy sản xuất khẩu trang nào, chính quyền địa phương cho biết họ chỉ thu thập được 250.000 khẩu trang dùng một lần, cùng khoảng 7.800 khẩu trang N95, trong khi dân số tại đây lên tới 3 triệu người.
"Cơn khát" khẩu trang trầm trọng đến mức ngày 2/2, Chính phủ bất ngờ chỉ định Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) thay thế Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin chịu trách nhiệm việc cung cấp mặt hàng này. Các nguồn tin giấu tên từ Chính phủ cho biết tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng đồ bảo hộ cho nhân viên y tế tuyến đầu, cũng như công dân tại quốc gia 1,4 tỷ người, khiến Bắc Kinh buộc phải mạnh tay.
Nhu cầu quá lớn càng trở nên phức tạp hơn khi nhiều khu vực, dân chúng còn phải nghỉ dài này để tránh dịch bệnh. Nhiều công nhân đã không thể quay lại làm việc tại các nhà sản xuất.
Nhiều nhà máy chạy suốt ngày suốt đêm. Công ty sản xuất sản phẩm y tế Shanghai Dasheng cho biết họ sẽ tăng gấp đôi sản lượng khẩu trang, đạt mức 200.000 chiếc/ngày trong vòng 10 ngày.
Trung Quốc đã dừng xuất khẩu nguyên liệu thô và thiết bị dùng để sản xuất khẩu trang sang các nước, làm gián đoạn chuỗi cung ứng ngay tại thời điểm nỗi lo lắng về dịch viêm phổi cấp bao trùm toàn cầu.
Bắc Kinh cũng đang trông cậy vào nguồn khẩu trang nhập từ nước ngoài. Từ ngày 24/1 đến 2/2, nước này nhập khẩu 220 triệu khẩu trang, trong đó chỉ riêng ngày 3/2 đã nhập 50 triệu chiếc, theo cơ quan hải quan Trung Quốc. Bộ Ngoại giao của nước này cũng cho biết nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Kazakhstan và Hungary đã quyên góp vật tư y tế hỗ trợ họ.
Tình trạng thiếu hụt khẩu trang khiến dân chúng hoảng loạn và những nhân viên y tế tuyến đầu là những người có nguy cơ gặp rủi ro cao nhất. Tuần trước, Hiệp hội Y tế Thế giới (WMA) ra lời kêu gọi khẩn cấp với các chính phủ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề nghị đa dạng hóa chuỗi cung ứng thuốc và vật tư nhằm hỗ trợ các chuyên gia y tế.