Bộ NN&PTNT nhận định, nông sản và thuỷ sản xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn khi dịch viêm phổi cấp do virus cúm corona lan rộng cần đưa ra phương án để tháo gỡ khó khăn.

Xuất khẩu rau quả gặp khó

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 8,47 tỷ USD. Song, với diễn biến phức tạp, khó lường của bệnh viêm phổi do virus corona gây ra và những động thái của Chính phủ Trung Quốc trong việc hạn chế giao dịch hàng hoá ở các cửa khẩu để phòng ngừa dịch bệnh. Ông Nam dự báo sẽ tác động tiêu cực đến thương mại nông lâm thủy sản hai nước. Như thanh long và dưa hấu là những mặt hàng trái cây xuất khẩu tươi đang bước vào vụ thu hoạch với sản lượng cực kỳ lớn, song, tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ đang diễn ra. Tương tự, trong quý 1/2020, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tạm dừng việc giao hàng cho đến hết ngày 9/2 hoặc đến khi có thông tin bình thường hóa các hoạt động trở lại từ Chính phủ Trung Quốc.

Ảnh minh họa.

Ông Phạm Văn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An thừa nhận, 75% sản lượng thanh long của tỉnh này xuất sang Trung Quốc, nhưng hiện không thể đi hàng do ảnh hưởng từ dịch bệnh corona. Từ tháng 1 đến nay, doanh nghiệp Hồng Thái Dương của Trung Quốc đặt cọc 300 container với giá mua 40.000-50.000 đồng/kg nhưng đã ngưng không mua, hứa hỗ trợ cho nông dân 4.000 đồng/kg. Ngoài ra, doanh nghiệp Phú Quý hủy 200 container, nhưng phát giá mua 5.000 đồng/kg. Một số công ty cũng đặt cọc giống như vậy giờ trả nông dân 5.000 đồng/kg. Do tiêu thụ khó khăn, bà con nông dân quyết định chặt bỏ cây dù trái thanh long gần chín. Việc này dẫn đến thiệt hại rất lớn.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, dịch viêm phổi do virus corona gây ra ngay lập tức đã tác động mạnh đến giá nhiều loại nông sản; trong đó, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đi Trung Quốc đã bị tê liệt. Các thương lái đã đặt cọc mua để xuất khẩu sang Trung Quốc phục vụ Rằm tháng Giêng cũng bỏ luôn do giá xuống quá thấp, kéo theo nông dân thiệt hại nặng nề.

Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam cho biết, tác động hủy đơn hàng với mặt hàng thủy sản do dịch cúm do virus corona chưa có, nhưng có tình trạng chậm đơn hàng, điều chỉnh đơn hàng. Một số hãng tàu biển lớn ngưng nhận các container hàng chở đi Trung Quốc. Các khách hàng lớn ở Nhật Bản cũng đề nghị không đưa hàng qua Trung Quốc. Đối với EU, Mỹ, đầu năm họ sang đánh giá nhà máy, thăm nhà máy nhưng hiện nay ngưng hết. Những doanh nghiệp có hàng xuất sang Trung Quốc sản lượng lớn đang tồn kho, chi phí tồn kho lớn, khoảng 0,9-1,1 USD/pallet, ông Nam thông tin.

Xây dựng 2 kịch bản ứng phó

Trên cơ sở nhận định dịch Viêm phổi cấp có diễn biến ngày càng phức tạp, khó dự đoán về thời điểm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị 2 kịch bản ứng phó với dịch bệnh.

Phương án trước mắt, sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý đến 9/2/2020, nếu dịch Viêm phổi cấp không được kiểm soát hiệu quả, lây lan trên diện rộng thì không loại trừ Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục phải áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn lây lan dịch bệnh, dẫn tới tình hình xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam có nguy cơ chịu tác động ảnh hưởng rất cao.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản và các cục chuyên ngành, chủ động phối hợp với cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm. Khai thác tiềm năng và thị trường ngách ngay từ đầu năm 2020, tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam cử đoàn công tác sang Dubai (UAE) từ 15/2 để mở rộng thị trường Trung Đông, sang Hoa Kỳ từ 22/2, sang Brazil trong tháng 3/2020. Tổ chức các đoàn công tác mở rộng thị trường sang Nhật Bản (tháng 3/2020) Liên bang Nga (tháng 6/2020) Úc và NewZealand (tháng 7/2020)…

Thường xuyên trao đổi thông tin với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để liên hệ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc thu xếp các chuyến công tác của chuyên gia Trung Quốc sang Việt Nam trong quý 1 và quý 2 năm 2020 để tháo gỡ khó khăn. Tiếp tục phối hợp với cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc triển khai các Đoàn công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc tại thời điểm phù hợp nhất ngay sau khi phía Trung Quốc kiểm soát dịch viêm phổi cấp và công bố mở cửa lại bình thường.

Phương án bùng phát dịch kéo dài nhiều tháng, phối hợp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, các đơn vị ngành Công thương các địa phương đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; ưu tiên thị trường nội địa; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản.

Các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở NN&PTNT và sở Công thương thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản ở địa phương, không bị ứ đọng cục bộ, kịp thời thông báo tình hình đến các doanh nghiệp và người sản xuất để chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất và nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, với các địa phương có diện tích trồng thanh long lớn, cần có kế hoạch điều chỉnh sản lượng sản phẩm trái vụ để thích ứng với tình hình hiện nay, tập trung quy hoạch đầu tư vùng trồng để nâng cao chất lượng sản phẩm…

Theo Báo Dân Sinh