Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Trên cơ sở này, các cơ quan tố tụng đã có phương tiện để xử lý các hành vi sử dụng phương thức kinh doanh đa cấp để huy động vốn trái phép.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 217a về tội danh Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp, người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc hoạt động không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký có thể bị phạt tiền tối đa đến 5 tỷ đồng, phạt tù tối đa đến 5 năm tù.

Trường hợp phạm tội có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý theo Điều 174 Bộ luật Hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đối với trường hợp phạm tội có yếu tố sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thì bị xử lý theo Điều 290 Bộ luật Hình sự về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh đa cấp không có giấy phép có thể bị phạt tiền tối đa lên đến 5 tỷ, phạt tù tối đa đến 5 năm.

Theo số liệu thống kê, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp tính đến cuối năm 2016 là 637.637, giảm 25% so với cuối năm 2015.

Tính đến hết tháng 4/2017, sau khi cơ quan chức năng chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, số lượng người tham gia giảm xuống còn 472.000 người, giảm 44% so với cuối năm 2015.

Cũng theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2016 đạt khoảng 7.800 tỷ đồng, giảm gần 200 tỷ đồng so với năm 2015 (giảm 2,5%).

Trong thời gian qua, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã liên tục xử phạt và thu hồi giấy phép hoạt động của hàng loạt các công ty đa cấp với lý do hoạt động không đúng với nội dung xin cấp phép, quảng cáo sai quy định,...

Phần lớn các đơn thư khiếu nại mà Cục Quản lý cạnh tranh cũng như nhiều cơ quan quản lý khác nhận được đều là từ những người tham gia vào hệ thống bán hàng đa cấp nhưng lại không hề có hoạt động bán hàng, chỉ đơn giản là trao đổi tiền qua các nhân nhân và hi vọng sinh lời từ đó.

Hiện tại, trong số gần 640 ngàn người tham gia bán hàng đa cấp, chỉ có một phần nhỏ đang bán hàng thực sự, còn lại hầu như không tham gia bán hàng.

Hoạt động bán hàng đa cấp dựa rất mạnh vào thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, chiếm 83% doanh thu, trong đó thực phẩm chức năng chiếm tới 59%.

Theo Vân Hà/Reatimes