Chuyến bay càng dài thì việc này càng vất vả.
Những nguy cơ trẻ có thể gặp phải khi đi máy bay
Mới đây, một cặp vợ chồng trẻ người Arab Saudi đã đưa theo con gái 2 tháng tuổi của mình lên chuyến bay từ Malaysia tới Australia để bắt đầu cuộc sống mới.
Tuy nhiên, sau khi lên máy bay, cô bé tỏ ra khó chịu và liên tục quấy khóc. Sau đó, dù được nhân viên y tế trên máy bay cố gắng hồi sức cấp cứu nhưng bé đã không qua khỏi.
Dù chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân dẫn đến cái chết của bé gái này nhưng nhiều bố mẹ dự định cho con đi du lịch xa dịp nghỉ lễ 30/4 sắp tới đang tỏ ra khá lo lắng về những nguy cơ mà trẻ có thể gặp phải khi di chuyển bằng máy bay.
Theo BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng (TP HCM), khi đi máy bay, một số người sẽ cảm thấy khó chịu, ù tai là do hệ thống vòi nhĩ bị tắc lại gây áp lực lên màng nhĩ khi có sự thay đổi áp suất, đặc biệt là khi máy bay hạ cánh.
Đối với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, nguy cơ này càng dễ xảy ra do trẻ còn nhỏ, hệ thống vòi nhĩ, tuyến lệ, mũi… chưa hoàn thiện nên dễ bị tắc gây đau khiến trẻ bứt rứt, khó chịu, thậm chí khóc ré lên.
Theo các chuyên gia, trẻ từ 6 tháng tuổi mới nên cho đi máy bay để tránh xảy ra những vấn đề đáng tiếc. Ảnh minh họa
Khi bị đau, nếu là người lớn hoặc trẻ lớn, có thể làm động tác nuốt xuống hoặc nhai kẹo cao su để làm thông suốt các hệ thống nói trên. Thế nhưng, đối với một đứa trẻ sơ sinh vài tháng tuổi, chúng chưa thể tự làm được việc này.
Bên cạnh việc hay bị ù tai, một số trẻ cũng có thể bị say máy bay dẫn đến tình trạng nôn ói trên máy bay. Khi bị mệt, trẻ lại thường hay bỏ bú hoặc chán ăn khiến cơ thể bị mất sức gây lả hoặc ốm sau khi xuống máy bay.
Khi nào mới nên cho trẻ đi máy bay?
Hiện nay, theo quy định của Hàng không Việt Nam, chỉ nhận vận chuyển cho những trẻ sơ sinh trên 2 tuần tuổi. Do vậy, những trẻ sơ sinh dưới khoảng quy định này, không được chấp nhận cho lên máy bay.
Theo các bác sĩ, bố mẹ không nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi đi máy bay, nhất là những chặng bay kéo dài vì khi ấy, trẻ còn nhỏ, sức đề kháng yếu, nếu không kịp thích nghi với sự chênh lệch áp suất khi lên cao, trẻ rất dễ bị ốm.
Trong trường hợp thật sự cần thiết, trẻ dưới 6 tháng tuổi buộc phải đi máy bay cùng bố mẹ, nên cho bé đi khám sức khỏe để đảm bảo trẻ thích ứng được với những tác động khi đi máy bay.
Với những trẻ mắc các bệnh lý đặc biệt (bị bệnh bẩm sinh, suy hô hấp, sinh non, trọng lượng không đảm bảo hoặc phải sống phụ thuộc các thiết bị hỗ trợ…) nếu muốn di chuyển bằng máy bay, bố mẹ cần báo cho nhân viên các hãng hàng không biết để có những hỗ trợ cụ thể.
Chuẩn bị những gì khi cho trẻ nhỏ đi máy bay?
Việc đi máy bay với trẻ nhỏ, nhất là với trẻ sơ sinh trong độ tuổi còn bế ẵm là một việc khá vất vả cho cả mẹ và bé. Chuyến bay càng dài thì việc này càng vất vả. Vì vậy, việc đầu tiên là phải chuẩn bị sức khỏe cũng như tinh thần thật tốt, tránh tình trạng quá lo lắng căng thẳng về chuyến bay.
Đêm trước khi bay, bố mẹ nên cho trẻ ngủ sớm, ngủ đủ giấc để có “năng lượng” tốt nhất cho chuyến bay. Bố mẹ cũng nên đưa trẻ đến sân bay sớm để làm thủ tục, nếu có vấn đề nào liên quan đến trẻ được phát sinh, sẽ có thời gian để xử lý.
Một số đồ dùng cần thiết cho trẻ cần mang theo như:
- Giấy tờ tùy thân của cả gia đình, với trẻ sơ sinh, bố mẹ cần phải mang theo Giấy khai sinh
- Vali đựng quần áo, tã bỉm, bình sữa, sữa, ti giả… cho trẻ
- Một vài món đồ chơi mà trẻ có thể cầm trên tay để thu hút sự chú ý của trẻ
- Với những trẻ đã biết nhai, có thể mang theo một ít kẹo hoặc bim bim để trẻ có thể nhấm nháp trên máy bay
- Chai nước lọc hoặc bình uống nước chuyên dụng để cho trẻ uống khi khát
- Khăn giấy, khăn ướt, túi nilon đựng rác, bỉm
- Một, hai bộ quần áo để bên ngoài phòng khi trẻ bị nôn trớ, có thể lấy thay luôn
- Một chiếc chăn mỏng để đắp cho trẻ nếu nhiệt độ xuống thấp.
N.Mai