Bất chấp dịch bệnh, kim ngạch dệt may năm 2021 vẫn có sự tăng trưởng
Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành dệt may trong nước. Đặc biệt, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, nhiều nhà máy phải tạm ngừng hoạt động, hoặc sản xuất cầm chừng để đảm bảo an toàn chống dịch. Thế nhưng, việc không được hoạt động hết công suất đã kìm hãm đà tăng trưởng của dệt may Việt Nam.
Tại Hội nghị Tổng kết ngành dệt may năm 2021 hôm nay (7/12), ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết: Trong 2 năm đối mặt với đại dịch, ngành dệt may đã vướng phải rất nhiều khó khăn.
Trong năm 2020, lần đầu tiên trong lịch sử kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tăng trưởng âm.
“COVID-19 tác động tới toàn cầu, các thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn của Việt Nam, như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc đều bị ảnh hưởng, sức mua thấp, nên xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường này giảm mạnh”, ông Cẩm phân tích.
Sang năm 2021, trước 2 đợt bùng phát, nhất là đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 đã cản trở sự hồi phục của ngành dệt may. Tuy nhiên, so với năm ngoái, năm 2021 tương đối “dễ thở” hơn và trải qua nhiều cảm xúc.
Ông Cẩm phân tích: Trong quý I/2021, các doanh nghiệp dệt may rất phấn khởi, vì ký được nhiều hợp đồng “khủng” cho cả năm. Sang quý II, dịch bệnh bắt đầu bùng phát. Trong đó, tâm điểm của đợt bùng phát dịch bệnh là Bắc Giang và Bắc Ninh, nơi có rất nhiều doanh nghiệp đặt nhà máy.
Sang quý III, giai đoạn quan ngại nhất trong năm, khi hàng loạt các địa phương trọng điểm của ngành dệt may phía Nam đã bị ảnh hưởng. Tính đến tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu đã giảm 8% so với tháng 7. Sang tới tháng 9 tiếp tục giảm 9,2%.
Đây là 2 tháng các tỉnh, thành phố phía Nam phải giãn cách xã hội, một số doanh nghiệp phải chuyển đổi sang mô hình “3 tại chỗ” hoặc “2 cung đường, một điểm đến”..
Nhớ lại thời điểm này, ông Cẩm chia sẻ: “Các doanh nghiệp dệt may trong giai đoạn giãn cách đã phải đối mặt với làn sóng nghỉ việc ồ ạt. Do đó, để giữ chân người lao động, nhiều doanh nghiệp đã phải bỏ tiền dự trữ ra hỗ trợ người lao động, để đảm bảo thu nhập cho họ ở mức tối thiểu. Ví dụ như Việt Tiến bỏ ra 600 tỷ đồng để hỗ trợ 25.000 - 26.000 lao động”.
Sang tháng 10, kể từ khi có Nghị quyết 128, ngành dệt may mới khá khẩm hơn một chút, do các địa phương bắt đầu nới lỏng các quy định giãn cách xã hội. Theo ước tính của VITAS, bất chấp những tác động của đại dịch, thế nhưng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng tốt trong năm 2021, ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019.
“Đây có thể xem là một nỗ lực tuyệt vời của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại”, ông Cẩm nói.
3 kịch bản của ngành dệt may trong năm 2022
Năm 2022, ông Cẩm dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam vẫn diến biến rất phức tạp, khó lường. Song tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, EU… đã mở cửa trở lại và nhất là Việt Nam đã thay đổi chính sách từ zero Covid-19 sang vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 128/NQ-CP.
Trê cơ sở đó, VITAS xây dựng mục tiêu cho năm 2022 theo 3 kịch bản: Thứ nhất, kịch bản tích cực nhất phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 42,5 – 43,5 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I/2022.
Thứ hai, kịch bản trung bình đạt 40 – 41 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm. Cuối cùng, kịch bản thấp nhất đạt 38 – 39 tỷ USD, trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022.
“Một trong những xung lực sẽ giúp dệt may Việt Nam tăng trưởng mạnh trong thời gian tới chính là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tuy nhiên, các hiệp định này có yêu cầu rất cao về các quy tắc xuất xứ và môi trường. Do đó, có đà tăng trưởng, doanh nghiệp trong nước cũng cẩn chủ động tuân thủ các quy định mới chuẩn quốc tế”, Tổng thư ký VITAS nói.
Nguồn: https://congluan.vn/uoc-tinh-kim-ngach-xuat-khau-det-may-nam-2021-dat-39-ty-usd-tang-112-post170908.html