Trước hết là sự hiện diện của nó. Từ một nước, sau hơn 2 tháng rưỡi con vi rút quái ác đã có mặt tại 64 quốc gia và vùng lãnh thổ. Là nước chậm phát triển như Nigeria ở châu Phi, hay các cường quốc có trình độ phát triển cao hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Singapore, Hàn Quốc… đều chung mối lo trước sự gia tăng rất nhanh số lượng người nhiễm Covid-19 mỗi ngày. Trong khi nơi khởi bệnh là Trung Quốc đang giảm dần mức nhiễm, thì Hàn Quốc tuy mới có dịch, lại đang dẫn đầu về tốc độ lây lan.

Người nhiễm bệnh là người già yếu, nhưng có cả thanh niên. Vi rút không chỉ gieo bệnh ở nhà hàng, siêu thị, nơi công cộng, mà còn lan vào công sở, bệnh viện. Con số 3.300 nhân viên y tế của Trung Quốc bị nhiễm bệnh, có những bác sĩ đang tuổi thanh niên sung sức đã phải giã biệt cõi đời; một nghị sĩ ở Iran cũng bị tử vong vì Covid-19… phần nào nói lên sự nguy hiểm, khó lường của dịch bệnh mới này.

Đến ngày 1-3-2020, toàn thế giới đã có 86.602 người nhiễm và gần 3.000 người tử vong. So với nhiều loại dịch bệnh khác, tỷ lệ tử vong khoảng 3,46% số ca mắc Covid-19 không cao bằng. Song trước kiểu xuất hiện và lan đi rất nhanh vượt qua mọi biên giới các quốc gia, vượt trên mọi dự đoán, thì việc Tổ chức Y tế thế giới vừa quyết định nâng mức cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm và ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên mức “rất cao” ở cấp độ toàn cầu, là điều dễ hiểu.

Cả thế giới đang nín thở trước câu hỏi: Con đường đi của con vi rút “họ corona” này còn kéo dài đến đâu, bao giờ mới chịu chấm dứt?

Không dễ để trả lời một vấn đề lớn mang tính toàn cầu. Nhưng mỗi quốc gia có người bị nhiễm bệnh đều hành động hết sức khẩn trương, quyết liệt. Xác định nguồn lây bệnh, thực hiện phong tỏa khu vực, cách ly những người nghi ngờ để chặn sự lây lan; thực hiện khai báo y tế đối với người từ vùng dịch nhập cảnh vào; cho học sinh nghỉ học; tạm ngừng các hoạt động đông người… tất cả đều nhằm từng bước hóa giải câu hỏi lớn.

Và trong hành trình nỗ lực ấy, đã có nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc.

Trong khi Covid-19 lây lan nhanh tại Hàn Quốc do có sự “tiếp sức” của một số người dân đã chủ quan và không tuân thủ việc cách ly y tế, thì ở nước ta, nhờ thực hiện tốt việc cách ly tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc hơn 2 tuần qua đã giúp khoanh vùng, dập tắt kịp thời một ổ dịch. Hơn 10.500 người dân trong xã Sơn Lôi vui mừng. Tỉnh Vĩnh Phúc vui mừng. Đất nước cũng có một kết quả mừng vui trước “cơn bão” Covid-19: 16 ngày liên tiếp Việt Nam không có người mắc Covid-19 mới! Và cũng có thể nói không quá rằng, ngăn không cho dịch bệnh lây lan - kết quả này còn là đóng góp của đất nước với cộng đồng thế giới.

Giờ đây, các địa phương trong cả nước đang thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, triển khai đồng bộ 4 biện pháp cách ly y tế (cách ly tạm thời tại các cảng hàng không quốc tế; tại bệnh viện; tại khu cách ly tập trung; tại nhà và nơi cư trú).

Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về việc cách ly, ấy là trách nhiệm công dân của mỗi người trước bản thân mình, với người thân và với cả cộng đồng.

Dịch bệnh không chỉ là dịch bệnh.

Dịch SARS năm 2003 gây thiệt hại cho thế giới 40 tỷ USD. Giờ đây, các chuyên gia kinh tế của một cơ quan dự báo và phân tích kinh tế hàng đầu toàn cầu là Hãng Tư vấn Oxford Economics dự báo: Nếu trở thành đại dịch, Covid-19 có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 1.100 tỷ USD. Trong nền kinh tế mở toàn cầu với sự gắn kết, ràng buộc lẫn nhau khá sâu sắc, những con số này không thể không “vận” vào thiệt hại của mỗi quốc gia.

Sự hiện diện của Covid-19 còn đã và đang tác động mạnh tới nhiều vấn đề xã hội khác. Ở nhiều quốc gia, những trường học phải đóng cửa, đường phố vắng vẻ, những chuyến tàu, chuyến xe, chuyến bay vắng hẳn khách… Những trung tâm thương mại, siêu thị giảm hẳn doanh số bán hàng vì ít người đi mua sắm.

Rất nhiều sự kiện của nhiều nước và cả tầm thế giới phải tạm hoãn.

Con vi rút đã làm cuộc sống cộng đồng giảm hẳn nhịp sống động, hướng con người quay về lo cho mình, nghĩ cho người thân nhiều hơn.

Và cũng là lúc suy nghĩ về trách nhiệm cá nhân trong cộng đồng nhiều hơn.

Đó là chuyện của một số “anh hùng bàn phím” tung tin thất thiệt, bịa đặt và tạo ra sự hoang mang trong xã hội. Ấy là những nhận thức sai lệch kéo theo phát ngôn sai lệch và hành động sai lệch - chủ quan trước dịch bệnh. Ấy là thói quen cá nhân ích kỷ, coi thường các biện pháp chống dịch, không hợp tác trong cách ly y tế… Tất cả, từ nhỏ tới lớn, từ vô tình tới cố ý - đều đã và sẽ phải chịu sự phán xét, điều chỉnh của pháp luật cũng như đạo đức xã hội.

Dịch Covid-19 đang là vấn đề lớn mang tính toàn cầu. Dập dịch không thể chỉ là công việc của riêng ngành Y tế, hay chính quyền một địa phương, một quốc gia. Nhận thức đúng về dịch, nhất là cách để phòng tránh, sẽ cho niềm tin mới vào tương lai và tạo ra hành động mới, sự gắn kết mới trong mối quan hệ giữa người với người, giữa các quốc gia trên toàn cầu.

Đó là mối quan hệ sẻ chia cùng nhau nhiều hơn để cùng sinh tồn!

Theo Hà Nội Mới