Vay tiêu dùng được coi là cứu cánh với những người có thu nhập thấp muốn nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, người đi vay hãy cân nhắc thật kỹ, cân đối nguồn thu nhập, thận trọng trong chi tiêu để có nguồn tiền trả nợ, đặc biệt, với những việc không thật cần thiết thì không nên vay, bởi việc vay gắn liền với nghĩa vụ trả nợ.
Chỉ vay khi cần
Anh Mạnh Hùng (trú tại huyện Châu Thành) cho biết đã vay trả góp một công ty tài chính để mua laptop phục vụ công việc hiện tại. Giá trị chiếc laptop là 24 triệu đồng và vay trả góp 12 triệu trong vòng 8 tháng. Anh cho biết: “Với những người mới đi làm thì nhu cầu mua sắm trang thiết bị điện tử phục vụ công việc rất lớn. Nhưng không phải ai cũng có đủ tiền để mua thẳng, vay trả góp hiện cũng rất phổ biến nên tôi cũng chọn mua theo hình thức này. Trước khi quyết định vay trả góp tôi cũng đã tính đến phương án trả nợ hàng tháng rồi”.
Theo anh Hùng, ngoài việc phải chịu tiền lãi khoảng 200.000 đồng/tháng trong thời gian vay trả góp thì việc vay tiêu dùng của anh tương đối đơn giản do có thu nhập ổn định để trả nợ hàng tháng.
Cũng giống như anh Hùng, chị Thu Liên (Phường 6, TP. Bến Tre) cho biết chị chỉ chọn vay trả góp khi có nguồn thu nhập hàng tháng ổn định và sản phẩm mua thực sự cần thiết.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, quyết định của anh Hùng, chị Liên rất sáng suốt. Bởi thực tế thị trường cho vay tiêu dùng thời gian qua đã ghi nhận rất nhiều trường hợp, người đi vay quyết định vay trả góp/ vay tiêu dùng khi không thực sự cần thiết, vay nhưng không xác định được nguồn thu nhập, không cân đối được được nguồn tiền trả nợ hàng tháng, dẫn đến tình cảnh trả chậm, không thể thanh toán các khoản vay khi đến hạn, bị tăng lãi phạt, phát xinh nợ xấu.
Số tiền trả nợ không nên vượt quá 40% tổng thu nhập hàng tháng
Để tránh rủi ro đáng tiếc khi thực hiện các khoản vay tiêu dùng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trước khi ký hợp đồng, khách hàng nên lựa chọn các tổ chức cung cấp dịch vụ cho vay uy tín. Song song đó, người đi vay cần tính toán thật cẩn thận khả năng trả nợ, cũng như sự cần thiết của khoản vay.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền phân tích: “Tuyệt đối không nên để sự dễ dàng của việc đi vay làm mình thiếu cân nhắc, vay khi không thật sự cần thiết hoặc vay quá khả năng chi trả. Đây chính là kỹ năng quản trị tài chính cá nhân mà lâu nay hầu như chúng ta rất yếu và thiếu. Thêm vào đó, trước khi đặt bút ký, khách hàng nên đọc thật kỹ hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn làm rõ nội dung hợp đồng, đặc biệt lưu ý các điều khoản về lãi suất, thời hạn và phương thức trả nợ, cách tính tiền phạt, cơ quan tài phán cho các tranh chấp, điều kiện để chấm dứt trước thời hạn, các trường hợp bất khả kháng... và trong quá trình thực hiện hợp đồng, nên lưu giữ tất cả hóa đơn, tài liệu liên quan”.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, để đảm bảo được nguồn tiền trả nợ, người đi vay nên cân đối để số tiền trả nợ không vượt quá 40% tổng thu nhập mỗi tháng. Bởi 60% còn lại sẽ dành để chi trả các nhu cầu khác của cuộc sống như ăn, ở, đi lại,…
Ngoài ra, người đi vay cũng nên theo dõi các chương trình ưu đãi, khuyến mãi tại các công ty tài chính, ví dụ như các chương trình mua điện thoại hay đồ điện tử lãi suất 0%... nhằm tận dụng tối đa các lợi ích do vay tiêu dùng tín chấp đem lại.
“Quan trọng nhất, người đi vay cần có kỷ luật và quyết tâm trong việc cân đối chi tiêu để thanh toán các khoản vay mỗi tháng, trả đúng hạn nhằm tránh việc trả nợ quá hạn và các khoản lãi phát sinh hay nghiêm trọng hơn là mất khả năng thanh toán nợ”, Luật sư Nguyễn Thế Truyền nhấn mạnh.
Có thể nói, trong các trường hợp người vay vì một lý do nào đó không hoàn tất nghĩa vụ trả nợ, người chịu thiệt đầu tiên chính là người đi vay. Bởi nếu không trả được nợ đúng hạn hoặc mất khả năng trả nợ thì bên cho vay sẽ khởi kiện người vay ra tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Việc không cân đối dòng thu nhập để bù đắp vào tiền đi vay cũng sẽ ảnh hưởng đến hồ sơ tín dụng của người vay sau này. Nếu khoản vay bị nợ quá hạn trả lãi và gốc từ 90 ngày trở lên thì người vay sẽ rất khó khăn để tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng lần sau.