Tài chính tiêu dùng là sản phẩm thiết kế để đông đảo khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh cá thể có thể nhanh chóng và dễ dàng vay. Tuy nhiên, là những người đang khá khó khăn về tài chính nên khách hàng cần phải xác định rõ mục tiêu đi vay, khả năng tài chính để trả nợ đúng hạn, …

Vay tiêu dùng tăng nhanh

Phan Hoài N, sinh viên năm hai trường Cao đẳng y tế Đồng Tháp có nhu cầu sắm một chiếc laptop mới. Anh cho biết “Khi đến cửa hàng tôi có 10 triệu đồng, nhưng lại muốn mua chiếc laptop 14 triệu. Nhân viên tư vấn của công ty tài chính (CTTC) tại cửa hàng điện máy đã hỗ trợ tôi làm hồ sơ vay 4 triệu đồng, trả góp 600 ngàn/tháng. Số tiền này hoàn toàn trong khả năng chi trả nhờ việc đi làm thêm”.

Một trường hợp khác, Như M (phường Hòa Thuận, TP Cao Lãnh) dự định làm đám cưới vào giữa năm nay cho biết: “Tôi muốn sắm sửa máy giặt, ti vi, tủ lạnh. Với số tiền tiết kiệm ít ỏi, chắc sẽ chọn phương án mua đồ trả góp thông qua các CTTC tiêu dùng. Đấy là cách tốt để có đồ dùng luôn và hai vợ chồng sẽ trả nợ dần”.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết: “Tài chính tiêu dùng ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, giúp làm tăng khả năng tiếp cận tài chính đối với khách hàng không đủ điều kiện tín dụng của ngân hàng. Đặc biệt, đối với những khách hàng không có tài sản thế chấp, vay nhỏ lẻ, vay gấp, vay nóng vì quy trình thủ tục vay tài chính tiêu dùng khá đơn giản. Thứ hai, tài chính tiêu dùng góp phần thúc đẩy hoạt động tiêu dùng nền kinh tế, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển. Nếu người vay quản lý tốt tài chính, nhờ khoản vay từ các CTTC tiêu dùng, họ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Thứ ba, tín dụng tiêu dùng góp phần đẩy lùi tín dụng đen”.

Tại Việt Nam, vẫn còn hàng triệu người dân có nhu cầu về tài chính cá nhân nhưng gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay chính thống.

Đó là lý do các CTTC không ngừng phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng tín chấp đơn giản và hiệu quả - các giải pháp tài chính bền vững, an toàn, được pháp luật bảo vệ nhằm giúp người Việt tháo gỡ khó khăn tài chính và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Những điều cân nhắc khi vay tài chính tiêu dùng

Vì cho vay tiêu dùng là sản phẩm thiết kế để đông đảo khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh cá thể có thể nhanh chóng và dễ dàng vay, nhưng vốn là những người đang khá khó khăn về tài chính nên khách hàng cần phải xác định mục tiêu đi vay, khả năng tài chính để trả nợ đúng hạn.

TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho biết: “Nhiều bạn trẻ hiện nay có nhu cầu tiêu dùng cao, thậm chí mua mặt hàng quá thu nhập và đã tìm đến hình thức vay tín dụng tiêu dùng. Việc vay bao nhiêu tiền cần cân nhắc để tính tỉ lệ an toàn, tuyệt đối không nên vay tiền mới trả nợ cũ”.

Vậy vay tiền theo tỉ lệ nào là hợp lý?

TS. Lê Đăng Doanh cho rằng: “Khó có lời khuyên chung cho tất cả vì điều này còn phụ thuộc vào thu nhập từng người. Người vay có hợp đồng lao động dài hạn, nguồn thu nhập ổn định đảm bảo việc trả nợ và trang trải sinh hoạt trong tương lai là tốt nhất. Ở Mỹ, tỉ lệ vay tiêu dùng rất lớn, người dân gần như ai cũng vay nợ nhưng họ có thu nhập ổn định”.

Còn theo quan điểm của chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, người đi vay nên tính toán khoản trả nợ chỉ nên chiếm tối đa khoảng 30 - 50% thu nhập hàng tháng. Ví dụ: Một người có thu nhập 10 triệu đồng/ tháng, thì khoản vay nợ chỉ nên dao động từ 3 tới 5 triệu đồng. Bởi số tiền còn lại sẽ được chi trả cho các nhu cầu khác như ăn uống, học tập, đi lại…Người đi vay sẽ vừa trả nợ được đúng hạn, vừa không bị khoản trả nợ làm ảnh hưởng tới cuộc sống.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng giám đốc FE Credit nói: “Quan trọng nhất, người đi vay cần có kỷ luật và quyết tâm trong việc cân đối chi tiêu để thanh toán các khoản vay mỗi tháng, trả đúng hạn nhằm tránh việc trả nợ quá hạn và các khoản lãi phát sinh hay nghiêm trọng hơn là mất khả năng thanh toán nợ.

Các CTTC thường cho vay trên cơ sở tín chấp, chủ yếu chỉ cần CMND hoặc CCCD + Sổ hộ khẩu/Bằng lái xe của khách hàng. Người vay càng minh bạch thông tin và đầy đủ giấy tờ chính chủ, lại có lịch sử trả nợ tốt, càng được vay với số tiền lớn hơn, lãi suất thấp hơn.

Theo Mi Trần/Đô Thị Mới