Bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 (Covid-19) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan nhanh từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết từ mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.

Đến nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, vì vậy tổ chức cách ly y tế triệt để và tuân thủ các quy định về cách ly là một trong những biện pháp căn bản, quan trọng để phòng, chống sự lây lan của bệnh Covid-19 trong cộng đồng.

Ảnh internet

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một số loại virus Corona có thể truyền từ người sang người, thường là sau khi tiếp xúc gần với bệnh nhân bị nhiễm bệnh.

Bác sỹ Geng Rong (Giám đốc Nhi khoa và Trợ lý Trưởng khoa của Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Shunyi, Bệnh viện Nhi đồng Bắc Kinh - Trung Quốc) cho biết, các con đường lây nhiễm chính của loại virus mới này có thể bao gồm:

- Việc tiếp xúc với các loại dịch (nước mũi, nước bọt, dịch mụn nước…).

- Đường hô hấp.

Thông tin do Ủy ban Y tế và Sức khỏe thành phố Vũ Hán công bố cho thấy những người tiếp xúc gần gũi như người thân, bạn học, đồng nghiệp, nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân đều có nguy cơ lây lan bệnh dịch.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, các giọt bắn nước bọt có thể văng xa tối đa là 2m. Do đó, nếu muốn bảo vệ bản thân trước bệnh dịch COVID-19, WHO và CDC khuyến cáo chúng ta nên giữ khoảng cách an toàn với người có biểu hiện ho, hắt hơi, ho sốt (nghi nhiễm virus corona) là 2m để hạn chế hít phải hoặc bị dính các giọt bắn đó. Trong trường hợp tiếp xúc với những người không có biểu hiện ho, hắt hơi hay sốt, chúng ta vẫn nên giữ khoảng cách an toàn là tối thiểu 1m bởi có thể người đó đang trong giai đoạn ủ bệnh. Điều này là bởi giọt bắn của người bình thường khi nói chuyện cũng không văng xa quá.

Ảnh minh hoạ (Nguồn:internet)

Trong cuộc họp chiều ngày 25/3/2020, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá từ khi TP tổ chức phòng chống dịch đến nay, hiện nguy cơ lây nhiễm đã cao hơn, cửa an toàn đã hẹp hơn, nguy cơ trên địa bàn TP có những ổ dịch bệnh có tính chất rất phức tạp. Nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng lớn do người dân vẫn không thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, đã ghi nhận rằng nhiều người ra ngoài đường nhưng không đeo khẩu trang; nhiều người dân vẫn cúng lễ ngày đầu tháng; nhiều người vẫn tập trung đông người ở các quán cà phê...

TP Hà Nội tiếp tục khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà, nếu không có việc gì cần thiết thì ở trong nhà, nếu đã ra ngoài thì phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn từ 2 - 3 m. TP sẽ hạn chế xuống chỉ còn 20% xe buýt công cộng, chủ yếu phục vụ công chức, viên chức đi làm, người dân không nên sử dụng xe công cộng thời điểm này.

“Tất cả mọi người nên ở nhà, trừ việc ra ngoài mua lương thực thực phẩm. Tất cả quán cà phê, quán bar, nhà hàng, tập gym phải dừng toàn bộ, không kể nội thành, ngoại thành. Các nơi làm việc phải đo thân nhiệt và khử khuẩn”, ông Chung nêu rõ.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến cáo các biện pháp phòng lây nhiễm virus nCoV ở các chợ dân sinh là nơi hoạt động giao tiếp nhiều, tiếp xúc trực tiếp với nhiều vật dụng, đặc biệt là tiền – vật lưu hành qua tay nhiều người, nhiều nơi nhất. Nhiều người dân lo ngại vấn đề này nên nghĩ đến việc mua sẵn thức ăn và các nhu yếu phẩm cần thiết nhiều hơn hằng ngày để giảm thiểu số lần đi chợ, siêu thị. 

Theo Hàn Vi/ Đô thị mới