Bất chấp không khí vội vã của những ngày Tết Nguyên Đán cận kề, anh Tuấn Anh (Hà Nội) vẫn quyết định "chốt" lô đất hơn 100m2 tại huyện Đông Anh với mức giá 39 triệu đồng/m2. Đây là mức giá đã tăng khoảng 30% so với thời điểm giữa năm 2021.
Anh Tuấn Anh chia sẻ, trong những ngày cuối tháng 12/2021 đầu năm 2022 anh và bạn bè đã mua vào hàng chục lô đất với diện tích từ vài chục mét đến vài trăm mét vuông của người dân tại các xã thuộc huyện Đông Anh để chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư năm 2022.
Không chỉ tại Đông Anh, nhiều quận huyện vùng ven Hà Nội khác như Hà Đông, Gia Lâm, Ba Vì, Quốc Oai... vẫn ghi nhận mức tăng cao từ 15% đến 30%, có nới lên đến 50% như Mê Linh, Sóc Sơn... Tuy nhiên, nhà đầu tư có nguồn tài chính mạnh vẫn tiếp tục đổ về gom mua những mảnh đất đẹp, thậm chí sẵn sàng trả hoa hồng cao cho những người giới thiệu được những mảnh đáp ứng được tiêu chí đưa ra.
Diễn biến này khiến nhiều chuyên gia, nhà quản lý phải ngỡ ngàng. Nguyên nhân ban đầu được cho là đến từ nguồn thông tin từ huyện lên quận, từ quận lên thành phố khiến những khu vực này trở thành tâm điểm của các nhà đầu tư lớn, nhỏ, trên thị trường.
Bên cạnh đó, còn là thông tin về việc hàng loạt kế hoạch đầu tư các nút giao thông trọng điểm của TP Hà Nội, hàng loạt dự án hạ tầng liên tục được quy hoạch và xây dựng. Trong khi nguồn cung đang co hẹp do những vướng mắc pháp lý nên chậm phê duyệt dự án đầu tư. Các dự án đã được phê duyệt cũng khó tham gia thị trường vì vướng đền bù giải phóng mặt bằng do giá đất tăng cao.
Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), năm 2021 không có dự án bất động sản mới nào về đô thị và nhà ở được phê duyệt. Sản phẩm mới được chào bán chủ yếu là các dự án đã được phê duyệt từ giai đoạn trước.
Phân khúc căn hộ chủ yếu được chào bán là phân khúc trung và cao cấp, phân khúc binh dân hiện chỉ còn chiếm tỉ trọng rất nhỏ, dưới 5% và nằm ở các vùng ven của Thủ đô.
Mặt khác, nhiều bất động sản tự do tham gia thị trường và hiện tượng đầu tư đổ xô tìm kiếm bất động sản để đầu tư đã làm nóng thị trường bất động sản ven Hà Nội. Nhìn vào diễn biến của thị phần các vùng ven với mức giá tăng nhanh chóng, nhiều nhà đầu tư cho rằng dư địa tăng trưởng khu vực này còn lớn khi cơ sở hạ tầng đang được cải thiện.
Đáng chú ý, tại khu vực đất đai tự phân lô bán nền của dân, hiện tượng giao bán nhiều, có thời điểm nóng, chủ yếu là giữa các nhà đầu tư với nhau. Ước lượng giao dịch thực chỉ đạt 10-15% lượng chào bán.
Mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, theo báo cáo của các địa phương thì hiện tượng tăng giá đất nền đã hạ nhiệt, nguy cơ xảy ra "bong bóng" bất động sản là khó xảy ra. Tuy nhiên, đây vẫn có thể là sự khởi phát của hiện tượng "sốt giá" bất động sản trong năm 2022.
Đặc biệt, khi Nhà nước sử dụng các giải pháp kích cầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau giai đoạn giảm phát cũng có thể tác động làm thị trường bất động sản phát triển nóng nếu không được kiểm soát tốt, kinh nghiệm cho thấy từ gói kích thích kinh tế năm 2008 – 2009.
Nguồn: https://reatimes.vn/vi-sao-dat-nen-vung-ven-thu-do-van-sot-20201224000009872.html?fbclid=IwAR2siNfEWZQj0NETczNNBdHWfB7yVeeQz0XAtWBbXr-iofGAvPfP2FdYym8