Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện tại, 95% thị phần hàng hoá xuất nhập khẩu của nước ta phụ thuộc vào 38 hãng tàu nước ngoài, chi phí logistics cao một cách vô lý đang gây sức ép và làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường thế giới.

Đặc biệt, từ cuối năm 2021, hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển đã đưa ra cảnh báo việc tăng cước container đường biển có thể khiến giá nhập khẩu toàn cầu tăng 11% và giá tiêu dùng tăng 1,5% từ nay đến năm 2023. Điều này thực sự là thách thức lớn với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Trong khi đó, Việt Nam hiện đang có khoảng 4.000 - 4.500 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trực tiếp và có đến hơn 30.000 công ty liên quan.

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao với số lượng áp đảo mà khối doanh nghiệp logistics nội địa chỉ có được 5% thị phần ngay chính trên "sân nhà", các đơn vị xuất nhập khẩu phải "bạc mặt" vì chi phí vận chuyển? Bởi lẽ với nguồn lực như trên, các doanh nghiệp nội hoàn toàn có thể làm chủ được thị trường.

Lý giải nguyên nhân, các chuyên gia cho biết, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất, nhập khẩu nên không có sức cạnh tranh, đa phần làm dịch vụ ở các chuỗi cung ứng nhỏ, thiếu chuyên nghiệp...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hiện, doanh nghiệp logistics Việt Nam mới được khách hàng thuê vận chuyển tới cảng nội địa, sau cảng là do doanh nghiệp nước ngoài quyết định đơn vị vận chuyển. Vì thế, ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều hạn chế về “sân chơi".

Nói rõ hơn về vấn đề này, theo ông Huỳnh Văn Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM, các công ty logistics Việt Nam chỉ cung cấp các dịch vụ phổ thông cơ bản. Ngoài việc chưa đủ tiềm lực, kinh nghiệm thì vấn đề cốt lõi là 65% hàng nhập khẩu và 73% hàng xuất khẩu được thực hiện bởi doanh nghiệp nước ngoài.

"Hầu hết gói logistics đều được chỉ định từ các gói thầu quốc tế và đương nhiên miếng bánh còn lại trong nước chỉ là một phân đoạn nhỏ trong chuỗi cung ứng”, ông Cường cho hay.

Do đó, ông Cường kiến nghị, Chính phủ cần khoanh vùng các công ty sản xuất được xác định là mũi nhọn của quốc gia, định hướng ưu tiên hợp tác với các công ty logistics đầu ngành Việt Nam theo đúng tinh thần "người Việt Nam ưu tiên dùng dịch vụ của công ty Việt Nam".

Bởi lẽ, để nang cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và cả nền kinh tế, việc giảm chi phí về logistics là điều hết sức cần thiết và bám sát mục tiêu của các cơ quan chức năng logistics phải trở thành ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn sự phát triển của ngành này với thị trường nội địa, thị trường xuất khẩu.

Theo congly.vn

Nguồn: https://congly.vn/vi-sao-dn-logistics-viet-chi-chiem-5-tren-san-nha-202788.html