Các vụ mất tiền trong tài khoản ngân hàng xảy ra liên tiếp gần đây khiến dư luận đặt ra câu hỏi: "Vì sao các đối tượng có thể lấy được tiền từ các tài khoản?".
Đã gần 1 tháng kể từ ngày tài khoản của mình bị kẻ gian rút 500 triệu đồng nhưng chị Na Hương mới chỉ được ngân hàng Vietcombank hoàn trả 300 triệu đồng.
200 triệu đồng còn lại chị Hương vẫn chưa biết bao giờ mới lấy lại được vì cũng chưa biết đến khi nào Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao C50 mới có kết luận chính thức vụ việc này.
Những vụ việc như khách hàng bị rút 500 triệu đồng ở Vietcombank hay mới đây nhất là một khách hàng ngân hàng ANZ cũng bị rút 31 triệu đồng trong tài khoản đã cho thấy rủi ro trong thanh toán và sự nghi ngại về lỗ hổng về bảo mật là điều đang hiện hữu.
Tội phạm sẽ tận dụng triệt để môi trường mạng để lấy cắp thông tin chủ tài khoản rồi sau đó thực hiện các thủ đoạn rút tiền. Những ngân hàng lớn trên thế giới cũng từng là nạn nhân của các loại tội phạm công nghệ cao.
Thực tế hệ thống của các quốc gia phát triển như Mỹ, Đức, Pháp đều đứng trước những nguy cơ.
Thậm chí đã từng xảy ra những vụ tấn công vào các ngân hàng trên thế giới như vụ ngân hàng JPMorgan bị hacker tấn công, làm lộ hàng triệu tài khoản của khách hàng.
Tuy nhiên, từ trước tới nay, kể cả giao dịch theo phương thức truyền thống hay qua môi trường Internet thì để rút được tiền ra khỏi bất cứ một tài khoản nào cũng phải thỏa mãn cùng lúc nhiều điều kiện, trong đó có yếu tố mật khẩu cá nhân.
Môi trường giao dịch nào cũng có những rủi ro và dù có triển khai nhiều giải pháp nhưng khi xảy ra sự cố mất tiền thì người chịu thiệt thòi bao giờ cũng là khách hàng.
Trước sự an toàn cấp thiết trong giao dịch thanh toán, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình, thủ tục, hồ sơ và hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức của mình.